Thời của chúng tôi, mỗi năm cả nước có khoảng gần 700 học sinh xuất sắc được cử sang Liên Xô du học. Sau 5 năm đại học, khoảng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (bằng đỏ) được nhận học bổng chuyển tiếp nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sỹ.

Thời của chúng tôi, mỗi năm cả nước có khoảng gần 700 học sinh xuất sắc được cử sang Liên Xô du học. Sau 5 năm đại học, khoảng 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (bằng đỏ) được nhận học bổng chuyển tiếp nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sỹ. Một - hai tiến sỹ xuất sắc nhất sẽ có học bổng để lấy bằng Tiến sỹ Khoa học, hoặc tiếp tục nghiên cứu sau tiến sỹ tại các nước tiên tiến và cuối cùng là… chúc mừng cho nước nào đó có được các tiến sỹ xuất sắc của chúng ta. Tuy nhiên, bài viết này lại xuất phát từ cảm hứng về một dòng chất xám “chảy ngược” về Việt Nam những năm gần đây, dù nó còn rất nhỏ bé so với dòng chảy đi.

1. Khi cả thế giới kinh ngạc với sự kiện phát hiện ra sóng hấp dẫn, giải Nobel Vật lý 2017, cái tên LIGO bắt đầu được biết đến như một phòng thí nghiệm cực kỳ đặc biệt. Hai đường ống dài 4 km xây vuông góc với nhau để có thể phát hiện ra sự thay đổi khoảng cách không gian cực kỳ nhỏ, tương đương với 1/10.000 kích thước của hạt nhân hydro. Sự thay đổi bé nhỏ đó lại do sóng hấp dẫn truyền từ hai lỗ đen va chạm nhau cách chúng ta hơn một tỷ năm ánh sáng. Ít ai biết rằng, ý tưởng xây dựng LIGO bắt đầu được đưa ra từ cách đây hơn nửa thế kỷ! Trong khoa học, để có được thành tựu, người ta phải có tầm nhìn xa và đủ kiên nhẫn để đi theo nó tới cùng.

2. Không ngoài quy luật đó, việc hình thành năng lực nghiên cứu ở đại học cũng cần thời gian tính bằng chục năm. Chúng ta thử xem quy trình tuyển dụng ở các đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ được tiến hành như thế nào. Một nghiên cứu sinh muốn hoàn thành luận án tiến sỹ phải có phát hiện mới trong chuyên ngành và là tác giả chính của ít nhất hai bài báo ISI. Sau đó, chỉ những tiến sỹ có năng lực mới vượt qua được từ vài chục đến cả trăm ứng viên để có vị trí nghiên cứu sau tiến sỹ (postdoc) tại các nhóm nghiên cứu khác.

Sau thời gian postdoc và có năng lực nghiên cứu độc lập, các tiến sỹ này mới tham gia vào quy trình tuyển dụng làm giảng viên đại học, thường là vị trí assistant professor (giáo sư trợ lý), để sau 4 đến 6 năm, nếu có thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học xuất sắc thì sẽ được vào biên chế đại học ở vị trí associate professor (tương đương với PGS ở Việt Nam).

Hệ máy tính hiệu năng cao (HPC), công cụ chủ yếu của Phòng thí nghiệm Vật lý tính toán của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Lê Hoàng

Số đông các associate professor tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo và trở thành full professor (giáo sư), distinguished professor (giáo sư đặc biệt). Biên chế giáo sư là suốt đời và các giáo sư đại học sau bốn năm làm việc sẽ có một năm nghỉ mà vẫn nhận toàn bộ tiền lương, cho phép họ có thể tới làm việc tại một đại học khác nhằm nâng cao tay nghề, kiến thức, quan hệ. Nhận các quyền lợi như vậy, ngược lại, các giáo sư có nghĩa vụ xây dựng nhóm nghiên cứu, trả lương cho nghiên cứu sinh, postdoc, nghiên cứu viên mời từ kinh phí đề tài khoa học.

Nói cách khác, có tấm bằng tiến sỹ chỉ là khởi đầu, còn cả một đoạn đường chông gai để trở thành nhà khoa học có khả năng nghiên cứu độc lập. Do đó, vấn đề phát triển đại học không nằm ở chỗ đào tạo bao nhiêu tiến sỹ mà nằm ở quy trình tuyển dụng để có tiến sỹ xuất sắc, sau đó tạo điều kiện cho họ làm việc đúng chuyên môn và có thể đóng vai trò hạt nhân trong việc hình thành ra các nhóm nghiên cứu đúng nghĩa.

3. Là thành viên Hội đồng ngành của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), tôi có cơ hội nhìn thấy bức tranh toàn cảnh sự phát triển của ngành vật lý Việt Nam. Tôi nhận thấy bức tranh này ngày càng sáng lên khi xuất hiện nhiều nhóm nghiên cứu trẻ mà hạt nhân là các nhà khoa học tài năng.

Để các tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài yên tâm trở về vì biết rằng mình có thể tham gia vào các nhóm nghiên cứu hoặc có thể lập nhóm nghiên cứu riêng, vai trò nhà tài trợ của Quỹ NAFOSTED là vô cùng quan trọng. Nếu ai đó chịu khó xem danh sách các đề tài được NAFOSTED tài trợ, chọn ra vài chủ nhiệm đề tài trong lứa tuổi quanh 30 rồi tiếp cận họ thì chắc chắn sẽ có được những chi tiết rất thú vị để thêm vào bức tranh về dòng chất xám “chảy ngược” này.

Cá nhân mình, tôi xin đóng góp một vài chi tiết từ thực tế nhóm nghiên cứu của tôi tại Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Nhóm có các tiến sỹ được đào tạo từ Úc, Nga, Belarus, Nhật và Việt Nam làm việc toàn thời gian cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học; còn các tiến sỹ được đào tạo tại Việt Nam cũng đều đã qua chương trình tu nghiệp hay postdoc tại Nhật, Mỹ. Hướng nghiên cứu của nhóm là về vật lý nguyên tử, phân tử và quang học và chuyên sâu vào vấn đề "Tương tác xung laser cực ngắn với nguyên tử, phân tử."

Nếu không có nguồn tài trợ của Quỹ NAFOSTED và chính sách hỗ trợ của nhà trường (chi phí tham gia hội nghị khoa học trong và ngoài nước, điều kiện phòng thí nghiệm, hệ thống máy tính hiệu năng cao…) thì các thành viên của nhóm không thể làm việc hiệu quả như hiện tại. Cũng xin nói thêm, nhóm nghiên cứu theo phương pháp "tính toán lý thuyết và mô phỏng" bởi vậy rất cần một hệ máy tính hiệu năng cao cho phòng thí nghiệm vật lý tính toán.

Năm nay, nhóm có 5 bài báo ISI đã đăng online, 3 bài ISI đã gửi đăng, và 3 bài đang ở dạng bản thảo. Đặc biệt, bài báo của nghiên cứu sinh Hoàng Văn Hưng được đăng trên tạp chí Physical Review A (Rapid Communication) có IF=2,925.

Quả ngọt nào cũng bắt đầu từ quá trình cày bừa cực nhọc trên cánh đồng hoang trước đó. Hy vọng bài viết này đem lại một cái nhìn lạc quan cho các đồng nghiệp, các sinh viên, học viên cao học có mong muốn tham gia vào nghiên cứu khoa học.