“Tôi không nghĩ mình là người toàn năng. Thương lượng chính trị không phải là chuyên môn của tôi” - là chia sẻ của nhà khoa học Lý Nguyên Triết khi được đề cử vào vị trí Thủ tướng Đài Loan.

Lý Nguyên Triết (1936) là nhà khoa học Đài Loan quốc tịch Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel Hóa học (1986) cùng với John Polanyi và Dudley Herschbach cho công trình nghiên cứu về chùm phân tử chéo (crossed molecular beams hay CMB), khám phá cơ chế động lực của các phản ứng hóa học nhờ sử dụng thông tin từ phép đo vận tốc và góc đối với những phản ứng trong chân không.

Ông Lý Nguyên Triết.

Sinh tại Tân Trúc, Đài Loan, thời phổ thông, Lý Nguyên Triết là một học sinh thông minh, giỏi thể thao (nhất là môn bóng chày), biết chơi kèn đồng, và sớm bộc lộ đam mê đối với khoa học từ lòng ngưỡng mộ dành cho Marie Curie.

Tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Đại học Quốc gia Đài Loan (1959) và Cao học tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (1961), ông tiếp tục sang Mỹ học lên Tiến sỹ tại Đại học California Berkeley và tập trung nghiên cứu về sự phân tán nguyên tử, đặc biệt với chùm phân tử chéo.

Sau khi hoàn tất bằng Tiến sỹ vào năm 1965, Lý tiếp tục ở lại trường làm nghiên cứu postdoc, rồi chuyển sang các lab ở Harvard, Chicago, trước khi trở lại Berkeley vào năm 1974 với cương vị giáo sư và nhà nghiên cứu chính.

Năm 1994, nhận lời mời của chính quyền Đài Loan, Lý Nguyên Triết trở về để giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Nghiên cứu Trung ương Academia Sinica với mức lương cao hơn của Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là 180.000 USD/năm.

Ông Lý Nguyên Triết thành lập Quỹ Phát triển các học giả xuất sắc - Foundation for the Development of Outstanding Scholars - hỗ trợ cho những học giả trẻ, và đã ba lần thay mặt Tổng thống Trần Thủy Biển tham dự APEC (2002, 2003 và 2004).

Đặc biệt, khi Tổng thống Trần Thủy Biển có ý định đề cử Lý Nguyên Triết vào cương vị Thủ tướng, ông đã cân nhắc và từ chối. Ông nói: “Tôi không nghĩ mình là người toàn năng. Thương lượng chính trị không phải là chuyên môn của tôi”.

Năm 2006, Lý Nguyên Triết chính thức nghỉ hưu, rời cương vị Chủ tịch Academia Sinica nhưng vẫn tiếp tục làm công việc nghiên cứu khoa học và thực hiện những dự án ủng hộ giới trẻ.