Ba năm - khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để TS Đặng Văn Sơn thành lập Học viện Sáng tạo S3 và thực hiện một số chuyến đi về các miền quê để tập huấn kiến thức sư phạm STEM cho hàng nghìn giáo viên.

Người đồng hành cùng anh - ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa - giáo dục Long Minh - nhận xét: "Một nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế như TS Sơn mà chịu dành phần lớn thời gian làm việc để truyền bá giáo dục STEM là điều hiếm gặp".

Trước khi hẹn gặp TS Sơn, tôi được nghe khá nhiều người kể về anh, rằng anh là một trong những người đi tiên phong trong giáo dục STEM ở Việt Nam, là thành viên cốt cán tại các kỳ ngày hội STEM do Bộ Khoa học và Công nghệ bảo trợ.

Theo hẹn, đúng 10 giờ sáng, tôi có mặt ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Ba Đình. Căn phòng rộng hơn 100m2 với chừng 80 người được chia thành nhiều nhóm thảo luận với những mô hình thí nghiệm.

“Đây là những giáo viên thuộc câu lạc bộ STEM ở các trường trung học cơ sở của quận Ba Đình tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về STEM” - TS Sơn giới thiệu. “Để có được buổi này, tôi đã phải tổ chức không biết bao nhiêu buổi tập huấn phổ cập trước đó”. Hiện 100% giáo viên ở hai quận Bắc Từ Liêm và Ba Đình đã được phổ cập tiếp cận với STEM và hi vọng trong năm nay, các trường trung học cơ sở của hai quận này đều có câu lạc bộ STEM, theo TS Sơn.


TS Đặng Văn Sơn (1981) hiện công tác tại Trung tâm Nano và Năng lượng thuộc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh nghiên cứu về tối ưu hóa và chế tạo màng mỏng siêu dẫn YBCO trên đế kim loại bằng phương pháp PLD ứng dụng cho trụ siêu dẫn; về khai thác vi năng lượng từ hoạt động của cơ thể áp dụng cho các vi thiết bị cấy trong cơ thể người và động vật… Đến nay, anh đã công bố 36 bài báo trên các tạp chí ISI.



TS Đặng Văn Sơn hướng dẫn cô giáo của một trường trung học cơ sở quận Ba Đình một nội dung về STEM. Ảnh: Đoàn Dung
TS Đặng Văn Sơn hướng dẫn cô giáo của một trường trung học cơ sở quận Ba Đình một nội dung về STEM. Ảnh: Đoàn Dung

Tự bỏ tiền làm STEM

Ít ai biết rằng, trước khi trở thành nghiên cứu viên Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Sơn đã thành lập Học viện Sáng tạo S3. “Tôi thành lập Học viên Sáng tạo S3 vào tháng 8/2014, ngay sau khi về nước, với mục đích trước hết để phục vụ con gái, sau là đến các bạn nhỏ khác. Lúc đầu cũng chỉ là bày trò chơi với mong muốn truyền tình yêu khoa học cho con ngay từ khi còn nhỏ. Dần dần, tôi mới nghĩ đến mục đích lớn hơn, đó là góp phần tạo ra một thế hệ học sinh đam mê STEM để bổ sung vào nguồn nhân lực quốc gia. 10 năm nữa thôi, tôi sẽ có một thế hệ sinh viên nhiệt huyết với khoa học” - TS Sơn nói về lý do vì sao anh theo đuổi STEM.

Thời gian đầu khi mới thành lập Học viện Sáng tạo S3, người ta thường thấy một tiến sỹ trẻ cần mẫn đến trường mầm non rồi trường tiểu học và trung học cơ sở dạy học. Sơn cho rằng, là người tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM, anh cần phải có những trải nghiệm thực tế, biết được các bạn nhỏ muốn gì, mức độ nào là phù hợp với từng lứa tuổi. Cũng trong ba năm đó, để duy trì hoạt động của học viện, anh đã phải bỏ ra một khoản tiền túi không nhỏ - hơn 1 tỷ đồng. Anh dí dỏm nói, “kinh tế gia đình do vợ là chính còn tôi là người đi tiêu tiền”.

Tuy nhiên, anh không coi vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất khi triển khai STEM tại các trường học. Yếu tố cản trở nhiều hơn chính là tư duy dạy và học cũ. Anh dẫn chứng: Trong chuyến đi về một trường trung học ở Thái Bình, anh tiến hành một thí nghiệm rất đơn giản: để tờ giấy trong một cái cốc không, sau đó úp ngược cốc vào chậu nước. Kết quả tờ giấy vẫn khô. Các em học sinh cảm thấy rất thích thú và ngạc nhiên, coi đó như một điều thần kỳ nhưng kỳ thực hiện tượng này các em đều đã được học trong sách. “Chính điều đó thôi thúc tôi phải làm cái gì đó cho các em học sinh ở các vùng nông thôn” - TS Sơn kể.


Thổi bùng ngọn lửa STEM

Hiện TS Đặng Văn Sơn đang thực hiện nhiều chương trình tập huấn tiếp cận STEM cho giáo viên ở các vùng nông thôn như Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… Nói như ông Đỗ Hoàng Sơn thì “việc nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế, tham gia giảng dạy ở các trường đại học, viện nghiên cứu lớn như TS Đặng Văn Sơn đi về các trường làng, lập các nhóm nghiên cứu, tập huấn cho giáo viên, xây dựng, tư vấn chiến lược phát triển giáo dục STEM… gần như là không có”.

Theo Giám đốc Công ty Long Minh, một tiết học STEM tại các câu lạc bộ ngoại khóa của học sinh thành phố thường có giá từ 75.000-100.000 đồng/tiết học 45 phút/học sinh, trong khi các giờ tập huấn giáo viên ở địa phương mà TS Sơn hướng dẫn được tính với mức 6.000-10.000 đồng/tiết học - tức là chưa bằng 1/10 so với giá thị trường. “Số tiền đó chỉ đủ bù công đi lại. Điều đó thể hiện tinh thần cống hiến rất lớn” - ông Sơn nói.

Đến nay, Học viện Sáng tạo S3 đã tập huấn tiếp cận giáo dục STEM cho khoảng 3.000 lượt giáo viên khối tiểu học và trung học cơ sở tại Hà Nội và các vùng lân cận. TS Sơn cũng không giấu niềm vui khi kể, mới đây, 400 thầy cô ở Thanh Chương, Nghệ An, đã được tập huấn về STEM, trong đó 88 người đạt trình độ cơ bản, có thể dạy lập trình robot; 200 thầy cô đủ khả năng triển khai các bài học, dạy theo các chủ đề về STEM và tự triển khai phổ cập giáo dục STEM cho nhiều trường học.

“Năm nay, với 'nguồn vốn' là 400 giáo viên, cũng như quyết tâm của huyện ủy, UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương có thể phổ cập giáo dục STEM cho 100% giáo viên trong toàn huyện” - ông Đỗ Hoàng Sơn nói và nhận định “đó chính là kết quả của những buổi đi về các địa phương giảng dạy của TS Sơn cùng một số người cùng chí hướng và bởi họ có niềm tin vào nhà khoa học như anh ấy”.

Nói về những dự định trong thời gian tới, vị giám đốc Học viện Sáng tạo S3 cho biết: Anh đã ấp ủ kế hoạch và kêu gọi các nhà khoa học cùng tham gia vào mạng lưới đại sứ STEM. Hằng năm mỗi đại sứ chỉ cần dành ra một ngày đi về các tỉnh triển khai một hoạt động nào đó cho học sinh. “Sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu một nhà sinh học tổ chức một hoạt động liên quan đến môn sinh học cho học sinh hơn là giáo viên ở trường tổ chức” - TS Sơn nói.

Tuy nhiên, để ý tưởng về mạng lưới đại sứ STEM được hiện thực hóa, theo TS Sơn cần có một đơn vị chuyên nghiệp đứng ra điều hành. “Nhiệm vụ của tôi bây giờ là tìm người thổi lửa cùng. Mình đã nhóm lửa lên rồi, thế nào cũng có người góp lửa và khi ngọn lửa đã được thổi bùng lên thì sự tham gia của tôi không còn quan trọng. Khi đó, tôi sẽ quay trở lại công việc chính tại phòng thí nghiệm, tham gia các dự án, đề tài nghiên cứu”.

“Tất nhiên còn quá sớm để nói về hiệu quả của các buổi tập huấn tiếp cận giáo dục STEM cho các giáo viên, tuy nhiên, sau các buổi tập huấn, các giáo viên đều nhận thức được rằng STEM không chỉ là những môn học về robot đắt tiền mà vẫn có thể dùng đồ tái chế để dạy và học STEM.

Nhiều giáo viên cho rằng, học STEM qua các hoạt động trải nghiệm thế này “mình còn thích nữa là học sinh”. Tuy nhiên, cũng nhiều thầy cô lo ngại về việc không có đủ thời gian tổ chức các hoạt động dạy học định hướng STEM trên lớp do các giờ học đều đã kín cả rồi thì lấy đâu thời gian để trải nghiệm và thực hành. Đây cũng là một trong những rào cản để biến các tiết học khô khan thuần lý thuyết thành các tiết học định hướng STEM” - TS Đặng Văn Sơn.