Theo một nghiên cứu công bố năm 2016, người dân Trung Quốc sẵn sàng chi tiền để loại bỏ bụi PM10, vốn có nồng độ cao hơn mức cho phép, khỏi bầu không khí họ vẫn hít thở.

Trung Quốc phải đối mặt với ô nhiễm không khí và có nhiều nỗ lực cải thiện trong gần 20 năm qua | Ảnh: Getty Images
Trung Quốc phải đối mặt với ô nhiễm không khí và có nhiều nỗ lực cải thiện trong gần 20 năm qua | Ảnh: Getty Images

Năm 2016, một nghiên cứu do TS. Koichiro Ito (Trường Chính sách công Harris, ĐH Chicago) và TS. Shuang Zhang (Khoa kinh tế, ĐH Colorado Boulder) thực hiện đã xem xét chi phí mà người dân Trung Quốc bỏ ra để mua các thiết bị lọc không khí HEPA. Đây là cách giảm ô nhiễm không khí chính mà các hộ gia đình có thể tự làm.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu liên quan trong khoảng từ năm 2006-2012 của 81 thành phố ở phía nam và phía bắc sông Hoài (Huai River) – những nơi bị ảnh hưởng bởi Chính sách sông Hoài về cung cấp than miễn phí (hoặc trợ giá rất lớn) để sưởi ấm trong nhà vào mùa đông cho các thành phố phía bắc. Các thành phố phía nam không được hưởng ưu đãi này.

Nhờ chính sách sông Hoài, phía bắc đã hình thành nhiều hệ thống sưởi trung tâm, tức các nồi hơi chạy bằng than để sưởi ấm cho cả khu dân cư. Quá trình đốt cháy không hoàn toàn trong những nồi nhiệt dẫn đến việc giải phóng các chất ô nhiễm không khí, đặc biệt là các loại hạt PM.

Do hầu hết nồi hơi đốt than ở những khu dân cư đông đúc nên ô nhiễm không khí từ hệ thống sưởi này là ô nhiễm cục bộ. Theo tính toán, mức ô nhiễm này có thể khiến mỗi người dân phía bắc giảm 5,5 năm tuổi thọ. Nồng độ ô nhiễm PM10 của các thành phố phía bắc cũng cao hơn 30% so với phía nam.

Sử dụng các ước tính mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để có không khí sạch dựa trên thị trường thiết bị HEPA, Ito và Zhang kết luận, trung bình người Trung Quốc sẵn sàng trả 5,46 USD (khoảng 125.000 đồng) để loại bỏ 1µg/m3 bụi PM10 khỏi bầu không khí mà họ hít thở trong 5 năm. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của người dân cũng khác nhau – từ khoảng 0 - 15 USD, tùy thuộc mức thu nhập.

Ô nhiễm PM10 đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra có liên quan đến việc gia tăng nguy cơ các bệnh hô hấp, tim mạch và ung thư. Theo tiêu chuẩn (GB 3095-1996) của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc áp dụng cho giai đoạn nghiên cứu, nồng độ PM10 trung bình năm cho phép là 100µg/m3. Trong khi đó, nồng độ bụi PM10 trong những tháng mùa đông ở phía nam sông Hoài vào khoảng 90-120µg/m3 và phía bắc khoảng 120-140µg/m3.


Bản đồ các thành phố ở phía Nam và phía Bắc sông Hoài (Trung Quốc). Đường màu tím giữa bản đồ biểu thị ranh giới sông Hoài-núi Tần Lĩnh. Mỗi chấm tròn biểu thị một thành phố. Mỗi hình tam giác biểu thị một địa điểm đặt nhà máy hoặc cảng biển. Ảnh trích từ nghiên cứu của Ito và Zhang (2016)
Bản đồ các thành phố ở phía Nam và phía Bắc sông Hoài (Trung Quốc). Đường màu tím giữa bản đồ biểu thị ranh giới sông Hoài-núi Tần Lĩnh. Mỗi chấm tròn biểu thị một thành phố. Mỗi hình tam giác biểu thị một địa điểm đặt nhà máy hoặc cảng biển. Ảnh trích từ nghiên cứu của Ito và Zhang (2016)

Con số này giúp ích gì cho việc đánh giá chính sách? Các tác giả đã sử dụng chính sách cải cách hệ thống tính giá sưởi ấm của khu vực sông Hoài để có tương quan so sánh.

Từ năm 2003, chính quyền Trung Quốc đã cải cách, từ chỗ cung cấp sưởi ấm miễn phí sang áp dụng chi trả theo nền kinh tế thị trường. Người dân phải thanh toán tiền sưởi ấm theo tỷ lệ cố định trên mỗi mét vuông diện tích nhà, áp dụng cho tất cả các mùa bất kể lượng tiêu thụ thực tế. Nhưng với cách làm như vậy, người dân không biết mức độ tiêu thụ năng lượng thực tế của mình và ít có động lực để tiết kiệm.

Năm 2005, chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới thí điểm một dự án trên 7 thành phố phía Bắc với mục tiêu để người dân tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm không khí. Họ lắp đồng đồ đo cho từng hộ gia đình và tính hóa đơn sưởi ấm theo mức tiêu thụ thực. Ngân hàng Thế giới ước tính cải cách này đã giúp giảm 51 triệu tấn than trong 20 năm, tương đương với mức chi phí kiểm soát ô nhiễm (abatement cost) là 0,13 triệu USD/thành phố/năm.

Từ các kết quả về mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để cải thiện chất lượng không khí như đã nêu, hai tác giả Ito và Zhang ước tính mỗi thành phố sẵn sàng chi trả con số lớn hơn - lên tới 1,88 triệu USD năm - để có kết quả cải thiện chất lượng không khí tương đương với mức của dự án cải cách tiết kiệm năng lượng nêu trên.

Do vậy, các tác giả kết luận, chính sách cải cách của chính phủ có thể xem như hiệu quả và cần được nhân rộng đến những khu vực khác.

Tham khảo:

Ito, Koichiro and Zhang, Shuang, Willingness to Pay for Clean Air: Evidence from Air Purifier Markets in China (June 2016). NBER Working Paper No. w22367, Available at SSRN:https://ssrn.com/abstract=2800876

Chen, Y., A. Ebenstein, M. Greenstone, and H. Li (2013). Evidence on the impact of sustainedexposure to air pollution on life expectancy from china’s huai river policy. Proceedings of theNational Academy of Sciences 110 (32), 12936–12941.

Theo nghiên cứu công bố năm 2020 của nhóm tác giả trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ba giải pháp hàng đầu mà người dân Hà Nội ưu tiên áp dụng để cải thiện chất lượng không khí bao gồm: phát triển hệ thống cây xanh (tỷ lệ lựa chọn 73%), chuyển đổi sang nhiên liệu ít gây ô nhiễm (50%), và phát triển hệ thống giao thông công cộng (43%).

Người dân Hà Nội sẵn sàng chi trả tối đa 93.000 đồng/tháng để giảm nguy cơ tử vong khi hít thở bầu không khí ô nhiễm và tăng cường mật độ cây xanh cho thành phố.