10 đột phá công nghệ năm 2021


Công nghệ vaccine mRNA

Nhân loại thật may mắn vì vừa nắm trong tay công nghệ mRNA (RNA thông tin), bởi hai loại vaccine hiệu quả nhất đối với Covid-19 đến nay đều dựa trên công nghệ này. Khi dịch Covid bùng phát cuối tháng 1/2020, các khà khoa học từ nhiều công ty công nghệ sinh học nhanh chóng ứng dụng mRNA để tạo ra các vaccine tiềm năng. Tới cuối tháng 12/2020, khi mà đã có hơn 1.5 triệu người tử vong vì Covid-19, vaccine mRNA đã được Mỹ chấp thuận, đánh dấu hồi kết của đại dịch đang đến gần.

Trước đây mRNA chưa từng được ứng dụng vào sản xuất vaccine, nay hứa hẹn trở thành công cụ điều chế vaccine phòng ngừa nhiều bệnh nhiễm khác như sốt rét. Và nếu coronavirus đột biến thì vaccine mRNA cũng có thể dễ dàng và nhanh chóng sửa đổi cho phù hợp. Công nghệ mRNA cũng có thể trở thành liệu pháp gene giúp chữa các bệnh hồng cầu hình liềm và HIV.


GPT-3

Mô hình máy tính ngôn ngữ tự nhiên cỡ lớn có thể đọc và nói là một bước tiến lớn hướng đến trí thông minh nhân tạo có khả năng hiểu và tương tác với thế giới. GPT-3 là cỗ máy lớn nhất và có năng lực ngôn ngữ mạnh nhất tính tới thời điểm hiện nay. Nhờ được huấn luyện bằng hàng ngàn cuốn sách và thông tin trên internet, các câu văn mang phong cách hiện thực kỳ ảo, đôi khi kỳ lạ mà nó tự viết ra khiến người ta vô cùng ấn tượng về mô hình ngôn ngữ dựa trên machine learning này.

Nhưng tiếc là GPT-3 không thể hiểu được những gì nó viết, nên thỉnh thoảng viết ra những câu vô nghĩa và bị cắt xén. Vì yêu cầu một lượng dữ liệu khổng lồ cũng như rất nhiều tiền đầu tư và “huấn luyện” một cỗ máy có năng lực tính toán tương xứng, đồng thời phát thải lượng lớn khí nhà kính, nên sẽ chỉ có một số rất ít phòng thí nghiệm với nguồn lực phi thường mới đủ khả năng phát triển những mô hình tương tự.


Các thuật toán gợi ý của TikTok

Kể từ khi ra đời tại Trung Quốc năm 2016, TikTok đã trở thành mạng xã hội phát triển nhanh nhất toàn cầu với hàng tỷ lượt tải và thu hút hàng trăm triệu người sử dụng. Tại sao vậy? Đó là nhờ thuật toán giúp bảng tin “For You” của TikTok thay đổi cách để bất cứ ai có cơ hội trở nên nổi tiếng.

Trong khi các nền tảng khác thường chỉ làm nổi bật các nội dung hấp dẫn số đông công chúng, các thuật toán của TikTok lại thu hút được những nhà sáng tạo mới muốn giới thiệu bản thân đến xã hội trực tuyến giống như một ngôi sao đã có tên tuổi. TikTok đặc biệt thành thạo trong việc cung cấp nội dung phù hợp với từng nhóm người dùng cụ thể theo đặc điểm và sở thích. Một người sáng tạo mới có thể nhận được nhiều lượt xem, trong khi người dùng có thể khám phá nhiều nội dung đa dạng. Điều này góp phần quan trọng cho sự phát triển đáng kinh ngạc của ứng dụng này, khiến cho nhiều nền tảng khác cố gắng bắt chước tính năng của TikTok.


Pin lithium-kim loại

Xe điện có doanh số bán hàng vẫn còn thấp vì giá tương đối đắt và chỉ cho phép đi được vài trăm dặm lại cần sạc điện, và quá trình sạc lại tốn rất nhiều thời gian so với đổ xăng. Tất cả những hạn chế này là do đặc tính chưa tối ưu của pin lithium-ion. Và một công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon cho biết họ sở hữu một loại pin giúp xe điện trở nên tiện lợi hơn tiêu dùng đại chúng. Đó là pin lithium-kim loại do QuantumScape phát triển. Theo kết quả thử nghiệm ban đầu, pin có thể giúp tăng phạm vi hoạt động của xe điện thêm 80% và có thể được sạc lại nhanh chóng. Công ty khởi nghiệp này đã nhận được vốn tài trợ từ gã khổng lồ Volkswagens, và dự kiến loại pin mới sẽ có mặt trên xe điện của hãng Volkswagens từ năm 2025.

Loại pin này mới đang ở dạng nguyên mẫu với kích thước nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu cần thiết cho một chiếc xe. Nếu thành công, công nghệ của họ sẽ thu hút hàng triệu người dùng.


Tín thác dữ liệu

Các công ty công nghệ đã cho thấy năng lực quản lý dữ liệu cá nhân tệ hại. Thông tin của chúng ta có thể bị rò rỉ, đánh cắp, bị bán đi bán lại nhiều lần. Có thể bạn không thấy điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mình, nhưng quả thực việc giao phó dữ liệu cho các công ty công nghệ đã không đáp ứng được mô hình bảo mật riêng tư được đồng thuận xã hội: một cá nhân có trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo vệ quyền riêng tư của mình.

Tín thác dữ liệu cung cấp một cách tiếp cận thay thế mà một số chính phủ bắt đầu khai phá. Tổ chức tín thác là pháp nhân thay mặt công dân quản lý dữ liệu của họ. Mặc dù cấu trúc và chức năng của tổ chức tín thác này vẫn đang được xác định và còn nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng đây có lẽ là một giải pháp tiềm năng cho các vấn đề lâu nay về quyền bảo mật và riêng tư.


Nhiên liệu hydrogen xanh

Hydrogen luôn là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho nhiên liệu hóa thạch. Nó được đốt cháy sạch, không thải khí carbon dioxide; nhờ mật độ cao, nó dễ dàng được lưu trữ năng lượng từ các nguồn điện tái tạo vốn thiếu ổn định [phụ thuộc thời tiết – nắng và gió]; và bạn có thể sản xuất nhiên liệu lỏng hydrogen thay có xăng và dầu diesel. Nhưng hầu hết hydrogen hiện nay được tạo thành từ khí tự nhiên, quá trình này bẩn và tiêu tốn nhiều năng lượng.

Chi phí năng lượng mặt trời và gió giảm đi nhanh chóng có nghĩa là hydrogen xanh hiện đã đủ rẻ để sử dụng thương mại. Chỉ cần đầu vào điện và nước, chúng ta sẽ thu được hydrogen. Châu Âu đang dẫn đầu xu thế này với các cơ sở hạ thầng cần thiết đang bắt đầu được xây dựng.


Công nghệ truy vết

Khi coronavirus bắt đầu lây lan khắp thế giới, dường như công cụ truy vết số hóa có thể giúp ích chúng ta. Các ứng dụng di động có thể sử dụng tín hiệu GPS và sóng Bluetooth để tạo nhật ký hành trình cùa người dùng. Nếu một người có kết quả dương tính với Covid-19, những người khác từng tiếp xúc với người này sẽ được cảnh báo.

Tuy vậy hiệu quả thực tế của giải pháp này chưa cao. Mặc dù Apple và Google đã nhanh chóng đưa ra các tính năng như thông báo phơi nhiễm trên di động, nhưng các cơ quan y tế công cộng khó lòng thuyết phục người dân sử dụng. Những bài học mà chúng ta được học từ đại dịch không chỉ giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho đại dịch tiếp theo mà còn áp dụng sang sác lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác.


Định vị vệ tinh siêu chính xác

GPS có mặt trong đời sống hằng ngày của chúng ta, thay đổi lối sống và cách thức kinh doanh. Trong khi công nghệ GPS [dân sự] hiện nay chỉ có độ chính xác 5-10 mét, thì các công nghệ định vị vệ tính mới thể siêu chính xác đến mức sai số vài centimet, thậm chí milimet. Điều này mở ra những khả năng mới: từ cảnh báo sạt lở đất đến robot giao hàng và ô tô tự lái có thể được điều hướng an toàn trên đường phố.

Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc hoàn thành vào tháng 06/2020 và phần nào hiện thực hóa năng lực này. chế độ thông thường nó có đem lại độ chính xác 1.5-2 mét toàn cầu, và nhờ các cơ sở khuếch đại tín hiệu mặt đất, độ chính xác có thể đạt đến mức độ milimét. Trong khi đó, hệ thống GPS được vận hành từ đầu thập niên 1990 vẫn liên tục được nâng cấp. Bốn vệ tinh mới GPS thế hệ III được phóng lên hồi tháng 11/2020 và trước 2023 sẽ có thêm nhiều vệ tính mới khác.



Điều khiển mọi thứ từ xa

Đại dịch Covid-19 buộc thế giới phải vận hành từ xa. Sự thay đổi diễn ra đặc biệt rõ nét trong giáo dục và y tế. Một số nơi trên thế giới đã thực thi rất hữu hiệu các dịch vụ ở hai lĩnh vực này.

Snapask, một công ty gia sư trực tuyến với hơn 3.5 triệu người dùng ở chín nước châu Á, và Byju’s, một ứng dụng học tập di động tại Ấn Độ đạt số lượng người dùng tăng vọt lên gần 70 triệu. Thật không may, học sinh ở nhiều nước khác vẫn còn lúng túng với các lớp học trực tuyến.

Trong khi đó, Uganda và một số nước châu Phi khác đã mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người trong thời kỳ đại dịch. Ở những nơi gặp tình trạng thiếu bác sĩ triền miên, chăm sóc sức khỏe từ xa trở thành một giải pháp tình thế.


Trí thông minh nhân tạo đa năng

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong thời gian gần đây, AI và robot vẫn ngu ngốc theo nhiều cách, đặc biệt là khi giải quyết các vấn đề mới hoặc trong môi trường không quen thuộc. Chúng thiếu khả năng của con người, ngay cả trẻ nhỏ, để học cách thế giới vận hành và áp dụng kiến thức chung vào tình huống mới.

Một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để cải thiện các kỹ năng của AI là mở rộng các giác quan của nó. Hiện tại AI với thị giác máy tính và nhận diện âm thanh có thể tiếp nhận nhiều thông tin nhưng không thể nói về những gì nó thấy và nghe bằng thuật toán ngôn ngữ tự nhiên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết hợp những khả năng này trong một hệ thống duy nhất? Liệu chúng có đạt được trí thông minh như con người? Liệu robot có thể nhìn, cảm nhận, nghe và giao tiếp như một trợ lý hiệu quả của con người?

Nguồn: technologyreview.com