|
Một tấm bảng đất sét Babylon cổ đại (Nguồn: Washington Post) |
Babylon là một thành trì - quốc gia của Lưỡng Hà cổ đại. Các di tích của thành quốc này được phát hiện ngày nay nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq, khoảng 85 km (55 dặm) về phía Nam thủ đô Baghdad.
Các nhà thiên văn học Babylon thời cổ đã dùng những tấm đất sét mềm làm bảng, vạch lên đó những hình học phức tạp để tính toán quỹ đạo của Sao Mộc.
Nhà nghiên cứu Mathieu Ossendrijver của trường Đại học Humboldt ở Berlin (Đức) đã công bố những phát hiện đáng chú ý này hôm 28/1 trên tạp chí Khoa học (Mỹ). Ông Ossendrijver là một nhà vật lý thiên văn đồng thời là chuyên gia về lịch sử của khoa học cổ đại.
Những năm qua, ông đã nghiên cứu những tấm bảng đất sét thời Babylon được bảo quản tại Bảo tàng nước Anh ở London.
Một tấm bảng đất sét mà ông đặt tên là Text A có những vết khắc một loại chữ viết tắt của một tính toán nào đó. Bằng cách so sánh Text A với những tấm bảng đất sét khác, kết hợp sử dụng phân tích trên máy tính, ông đã giải mã được những gì các nhà toán học cổ đại khắc lên đó. Tất cả là những hình khắc và tính toán về quỹ đạo Mộc tinh. Những tính toán này đã dự đoán được chuyển động của hành tinh này so với các hành tinh khác và so với các ngôi sao xa xôi.
"Tấm bảng này chứa những con số và những phép tính, cộng, nhân, và chia. Đó là một phiên bản rút gọn của một phép tính đầy đủ hơn mà tôi đã thấy trên sáu hay bảy tấm bảng khác", ông nói.
"Ở Babylon, khoảng giữa năm 350 và 50 trước Công nguyên, các học giả, hoặc có thể một người náo đó rất thông minh, đã đưa ra ý tưởng vẽ đồ thị vận tốc chuyển động của một hành tinh so với trục thời gian. Đây là một phương pháp tính toán hoàn toàn hiện đại, mà cho đến năm 1350 chúng ta mới có", ông Ossendrijver nói.
Giáo sư Alexander Jones tại Viện nghiên cứu thế giới cổ đại của trường Đại học New York đã ca ngợi nghiên cứu Ossendrijver rằng, đã cho thấy "tài năng sáng chói của các học giả thời Lưỡng Hà, những người đã xây dựng nền thiên văn học và toán học của Babylon trong nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên”.
Người dân vùng Lưỡng Hà - Iraq ngày nay - đã phát triển toán học từ khoảng 5.000 năm trước. Trong số họ, những người Babylon đã tạo nên một hệ thống số học phức tạp. Toán học thời cổ đại về cơ bản là một hình thức đếm, chủ yếu là để tính toán, đếm số lượng cừu và các loại gia súc tương tự.