Nhiều chuyên gia cho rằng nghiên cứu về tác động của thuỷ điện trên sông Mekong còn nhiều điểm chưa hợp lý.
Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những nguyên nhân chính, không loại trừ việc các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong xúc tiến xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính có thể ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mekong, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Để đánh giá một cách đầy đủ, từ nửa cuối năm 2013, Dự án “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” (Mekong Delta Study - MDS), do Việt Nam đặt hàng các chuyên gia nước ngoài thực hiện, đã được triển khai.
Tuy nhiên, kết quả mà MDS đã hoàn thành vào tháng 9/2015 được nhiều nhà khoa học, chuyên gia độc lập chỉ ra rất nhiều thiếu sót và không thực tế.
Không thực tế
Tiến sỹ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Đại học Cần Thơ cho rằng Báo cáo MDS đã không định nghĩa rõ ràng thuật ngữ hệ sinh thái, do đó khi chọn diện tích nghiên cứu đã không bao gồm phần diện tích biển tiếp giáp với Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này đã làm cho các kết quả về thủy văn, phù sa, chất lượng nước, đa dạng sinh học có giá trị nhỏ hơn giá trị thực tế rất nhiều.
Báo cáo MDS cũng không định nghĩa rõ ràng thuật ngữ đa dạng sinh học nên phần đa dạng về gene đã không được xem xét; đa dạng về loài thì chỉ tập trung cho hai nhóm là thực vật bậc cao, động vật có xương sống, nhóm thân mềm và giáp xác rất ít thông tin.
Việc chọn những diện tích ngập lụt theo mùa để nghiên cứu đa dạng hệ sinh thái đã bỏ sót nhiều diện tích và loài quan trọng khác.
Việc chọn các điểm nóng đa dạng sinh học để xem như là đại diện cho các hệ sinh thái dễ bị tổn thương khi chế độ thủy văn của sông Mekong thay đổi là không chính xác, do các điểm này là khu bảo tồn hay vườn quốc gia nên nguồn nước bên trong không được liên thông với khu vực xung quanh và được quản lý theo mục tiêu cụ thể của mỗi nơi.
Việc chọn loài hiếm, bị đe dọa hay nguy cấp để đánh giá tác động do hệ sinh thái thay đổi và từ đó suy ra sự tác động đối với đa dạng sinh học là chưa chính xác.
Bởi vì loài này không đại diện cho sự phong phú của loài nói chung và càng không thể đại diện cho sự phong phú của đa dạng sinh học.
Tóm lại, MDS là nghiên cứu mới, cả về phương pháp luận và phương pháp thực hiện. Vì vậy, kết quả MDS rất cần được kiểm chứng bằng những nghiên cứu khoa học khác.
Như vậy, kết quả đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học nêu ra trong báo cáo MDS nên xem như một tài liệu tham khảo.
Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, các kết quả của MDS chỉ là "lát cắt" tại thời điểm mô phỏng, trong đó không có tác nhân con người, tác nhân biển và yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng là không đổi.
Bởi lẽ, tác động của các đập thủy điện lên châu thổ sông Mekong không thể tách rời tác nhân biển và tác nhân con người.
Mặt khác, tác động của các đập, không chỉ tức thời trước mắt mà còn tích lũy theo thời gian, vì vậy không thể tách rời yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các kết quả mô phỏng của MDS chỉ có giá trị trong ngắn hạn, không đánh giá được những tác hại tích lũy theo thời gian mà khi đó không thể không tính đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phiến diện
Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Trân cho rằng MDS đánh giá tác động lên sản xuất nông nghiệp trên cả ba tiêu chí sản lượng, diện tích canh tác và thời vụ là không đáng tin cậy, kết quả mô phỏng trên máy tính khác rất xa với thực tế và cần phải được đánh giá lại.
Bởi lẽ, các kết quả mô phỏng không tính đến suy thoái đất tích lũy vì thiếu phù sa và những tác động dây chuyền khác.
Mặt khác, MDS không tính đến cây ăn trái là một thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long mà lại tính cây ngô, một cây trồng rất ít phổ biến ở đây.
Theo chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện, chất lượng của nghiên cứu MDS về khung nghiên cứu, phương pháp và kết quả như hiện nay chưa đạt độ tin cậy.
Khung nghiên cứu bỏ qua mảng tác động xã hội của thủy điện dòng chính Mekong đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Khung nghiên cứu xem tác động sạt lở chỉ là một tác nhân trung gian gây ra tác động lên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, đa dạng sinh học và giao thông thủy chứ không phải là một mảng chịu tác động chính.
Cách nhìn cho thấy MDS không nhìn thấy Đồng bằng sông Cửu Long do chính phù sa sông Mekong bồi đắp tạo nên trong quá trình kiến tạo đồng bằng của dòng sông.
Việc các đập thủy điện chặn phù sa, cắt đứt quá trình kiến tạo đồng bằng, dẫn tới quá trình đảo ngược, gây ra sạt lở chính là mối đe dọa nghiêm trọng với sự tồn tại của Đồng bằng sông Cửu Long về lâu dài.
Kết luận của MDS rằng các đập thủy điện sẽ gây tổn thất tổng cộng 2,2% GDP Đồng bằng sông Cửu Long và 0,3% GDP cả nước và tương đương 85 triệu USD xuất khẩu gạo là không đáng tin cậy. Ngoài ra MDS chưa quy đổi con số tổn thất về giá trị năm 2015 vào thời điểm hoàn thành báo cáo.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, MDS giả thiết cả 11 đập trên dòng chính Mekong đều vận hành ngày với 16 giờ tích nước, 8 giờ xả nên dẫn đến kết quả về tổng lượng nước xuống hạ lưu không thay đổi đáng kể.
MDS trình bày biểu đồ vận hành “tưởng tượng” cho chuỗi các đập này. Thực tế với 11 đập thủy điện trên dòng chính do 11 nhà đầu từ các quốc gia khác nhau điều hành thì không thể tuân theo một vận hành chung như vậy được, với lượng nước đến hồ chứa là khác nhau, dung tích chứa khác nhau, khả năng tiêu thụ điện khác nhau. Như vậy đây là điều vô lý và không kiểm chứng được trng báo cáo của MDS.
Báo cáo của MDS cũng cho rằng phần lớn đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn kết nối đồng lũ nên hệ quả là không bị phụ thuộc vào lũ để có sự bổ sung dinh dưỡng là không đúng.
Vì chỉ một số vùng có đê bao ở An Giang và Đồng Tháp có vấn đề này nhưng thực tế hiện nay nhiều nơi Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện xả lũ vào đê để lấy phù sa, một số nơi đã phá bỏ các đê bao bằng đất để phục hồi chất lượng đất, chứ không phải bị “cắt đứt” vĩnh viễn khỏi dòng lũ sông như MDS đề cập.
Do tầm quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo MDS cần có một đánh giá rộng hơn từ cấp Chính phủ, Quốc hội, các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học am hiểu về châu thổ, các nhà báo, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quan tâm.
Ủy ban sông Mekong, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cầu thị với tất cả phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo MDS.
Đồng thời, không đi tiếp giai đoạn đề xuất giải pháp giảm tác động, khi giai đoạn trước đó chưa thông, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn kiến nghị./.