Các giải pháp chống xâm nhập mặn đang áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mang tính đối phó trong ngắn hạn, còn ở tầm trung và dài hạn (từ 5-30 năm) thì chưa có giải pháp đột phá mang tính quyết định.

Đó là nhận định của PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trường Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ - về việc đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực phía nam hiện nay.

Hạn hán, xâm nhập mặn đang khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. Ảnh: Minh Quyết
Hạn hán, xâm nhập mặn đang khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. Ảnh: Minh Quyết

Kiến nghị Quốc hội “giải cứu” xâm nhập mặn

Mức độ nghiêm trọng và cấp bách của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và miền Trung, Tây Nguyên khiến cho vấn đề này được nêu ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII sáng 21/3. Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tới Quốc hội do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày cho thấy, người dân đang rất lo lắng và cần giải pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu khốc liệt này. Hạn hán, xâm mặn đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, dự báo sẽ tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

“Nguy cơ 300.000ha đất tại ĐBSCL bị hạn hán, xâm mặn và khoảng 1,5-2 triệu người dân ĐBSCL, Tây Nguyên và miền Trung bị Trầnảnh hưởng nặng nề đang hiện hữu” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói. Đến nay, hầu như toàn bộ vùng ĐBSCL đều đã bị nạn xâm nhập mặn tấn công.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng và phối hợp với các quốc gia láng giềng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cần định hướng ứng dụng công nghệ

Các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn mà nhiều địa phương đang triển khai là xây dựng các công trình ngăn mặn, áp dụng một số giống lúa thích nghi mới môi trường nhiễm mặn… Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, các nỗ lực này chỉ mới là bước đầu, mang tính đối phó với rủi ro thời tiết ở tầm ngắn hạn (3-5 năm). Hiện chính quyền các cấp ở địa phương chỉ mới nâng cao nhận thức, chuẩn bị tìm kiếm các kế hoạch hành động và điều chỉnh một số chính sách. Ở tầm trung hạn (5-10 năm) và dài hạn (trên 10-30 năm), hiện chưa có những đột phá mang tính quyết định.

Theo ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, để giải quyết bài toán này, khoa học - công nghệ vẫn là cốt lõi nhưng phải gắn vào thực tiễn của ĐBSCL. Việc ứng dụng công nghệ nào làm giải pháp ngăn mặn, ứng phó với El Nino cũng cần được định hướng. Ngoài ra, trong việc chống xâm nhập mặn, cần có sự phối hợp liên tỉnh - nghĩa là cần có giải pháp tổng thể chứ không phải riêng một vài tỉnh làm.

“Thiệt hại đã rõ, trước mắt phải tập trung giải quyết nhưng về lâu dài thì vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn phải tính căn cơ chứ không thể chỉ có kế hoạch hằng năm. Phải phối hợp thực hiện lâu dài để ĐBSCL chống chọi được với thiên tai, phát triển bền vững” - ông Hiệp nói.

Dẫn ví dụ về sự căn cơ, lâu dài, ông Hiệp nêu thực tế về phát triển cây lúa ở ĐBSCL. Theo ông, hướng chung với cây lúa là đúng nhưng hiện vẫn tập trung phát triển theo chiều rộng, trong khi không phải nơi nào trồng lúa cũng tốt: “Vậy thay vì dàn đều ra thì chỉ nên tập trung ở một số vùng, còn lại phải chuyển đổi. Nhưng chuyển đổi sang cây, con gì thì phải có định hướng cụ thể”.

Còn theo TS Lê Anh Tuấn, cần áp dụng cả giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Trước mắt - từ nay đến thập niên 2030-2040, vùng ĐBSCL nên đẩy mạnh việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển, xây dựng những mô hình canh tác - sản xuất và sinh kế linh hoạt với sự thay đổi môi trường và khí hậu.

“Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” mà Bộ Khoa học và Công nghệ mới phê duyệt đặt mục tiêu tìm giải pháp hiệu quả nhằm giảm ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và các biến cố thiên nhiên khác. Chương trình sẽ tập trung nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu.