Giải thích về quan điểm này của mình, PGS-TS La Thế Vinh cho biết nghiên cứu đi được đến đích cuối cùng nghĩa là phải có sản phẩm, và sản phẩm đó phải được thương mại hóa một cách rộng rãi.

Các sản phẩm sơn vô cơ chịu nhiệt, sơn chống gỉ không dùng dung môi hữu cơ của PGS-TS La Thees Vinh. Ảnh: Châu Long
Các sản phẩm sơn vô cơ chịu nhiệt, sơn chống gỉ không dùng dung môi hữu cơ của PGS-TS La Thế Vinh. Ảnh: Châu Long

Ông chia sẻ: “Thời sinh viên, tôi đọc rất nhiều về các phát minh, sáng chế khoa học từ những thế kỷ trước và nhận ra rằng đến tận bây giờ, người ta vẫn biết đến nhà khoa học đó bởi kết quả nghiên cứu của họ đi vào cuộc sống, làm thay đổi cuộc sống. Đó là điều tôi hướng đến. Và để được như vậy, với các nghiên cứu của mình, tôi đều tự thiết kế sản phẩm rồi tự giới thiệu đến các doanh nghiệp, chứng minh với họ rằng sản phẩm đó thật sự tốt”.

Từ thành công của sản phẩm sơn chịu nhiệt, PGS-TS La Thế Vinh tiếp tục phát triển màng phủ chịu nhiệt, chống cháy và thân thiện với môi trường. Tác dụng này có được nhờ sử dụng dung môi nước. Sản phẩm sẽ được giới thiệu chính thức vào cuối năm nay. Hiện loại màng phủ chịu nhiệt, chống cháy này đã bắt đầu được giới thiệu với một số khách hàng và nhận được phản hồi rất tốt, một công ty sản xuất pháo hoa đã đặt hàng.

Để mở rộng ứng dụng của công nghệ vật liệu chống cháy, TS Vinh đang hướng đến việc nghiên cứu phát triển sản phẩm quần áo chống cháy sử dụng cho cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Loại trang bị bảo hộ này sẽ không chỉ đảm bảo an toàn cho các chiến sỹ cứu hoả mà còn giúp họ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn.

Nói về sự năng động, sáng tạo của PGS-TS La Thế Vinh trong nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh - đồng nghiệp của ông tại Viện Kỹ thuật hoá học, ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: “Anh Vinh học hỏi mọi lúc mọi nơi, luôn tự tìm tòi, khám phá những điều mới. Có lần Viện Kỹ thuật hoá học tổ chức đi tháp Chăm, hướng dẫn viên giới thiệu những viên gạch nhập từ Italy đang sử dụng ở tháp Chăm có giá 60.000 đồng/viên, TS Vinh nhanh chóng phát hiện chất liệu gạch này có tính chất giống gạch không nung từ đất đồi trong nghiên cứu của anh. Anh Vinh đã không ngần ngại xin mẫu gạch của Italy về thí nghiệm và đang nỗ lực nghiên cứu để chế tạo được loại gạch không nung nhẹ hơn, lại phẳng phiu, không cong vênh để không phải nhập ngoại mặt hàng này với giá cao”.

PGS-TS La Thế Vinh tâm sự: “Nhiều người cho rằng nhà khoa học chỉ cần làm nghiên cứu, còn việc ứng dụng và thương mại hoá kết quả nghiên cứu thì để người khác phụ trách. Chính vì thế mà có rất nhiều nghiên cứu tốt nhưng không đi được đến đích cuối cùng là thương mại hoá sản phẩm. Có thể thấy việc nghiên cứu hiện chưa phục vụ thực sự hiệu quả cho xã hội và chúng ta cần thay đổi tư duy để không bị lãng phí chất xám”.