Năm 2020, một thảm họa khai mỏ ở Myanmar đã khiến ít nhất 172 người thiệt mạng; giờ đây, nghiên cứu khoa học đầu tiên về vụ việc này cho thấy con người đã góp phần gây ra thảm họa.
Khai thác ngọc bích, phần lớn để làm đồ trang sức và đồ chạm khắc xuất khẩu sang Trung Quốc, đã bùng nổ ở Myanmar trong những năm gần đây. Khoảng 400.000 thợ mỏ hiện đang nhặt ngọc bích từ các sườn núi mỏ lộ thiên, với ít thiết bị bảo vệ an toàn. Myanmar cung cấp 90% ngọc bích trên thế giới và ước tính thu về 8 tỷ USD vào năm 2011 - 20% doanh thu xuất khẩu của quốc gia này.
Hố khai thác Wai Khar với các sườn dốc bao quanh. Hàng trăm người đã bị chôn vùi bởi một trận sạt lở đất khi các sườn dốc mỏ lộ thiên Wai Khar sụp đổ vào ngày 2/7/2020.
Tuy nhiên, theo các tác giả nghiên cứu mới, ngành công nghiệp ngọc bích ở Myanmar được quản lý kém và thường để xảy ra các vụ sập mỏ khiến hàng trăm người thiệt mạng kể từ năm 2004. Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch của chính quyền Myanmar - cùng với xung đột chính trị và sắc tộc ở bang Kachin phía bắc, nơi tập trung khai thác ngọc bích - khiến việc khảo sát thực địa các điểm mỏ là “gần như không thể”, các tác giả cho biết.
Do không có quyền tiếp cận các điểm mỏ ở Myanmar, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đài Loan, Singapore, Brazil và Thái Lan đã sử dụng dữ liệu từ viễn thám và vệ tinh để điều tra vụ sạt lở. Đồng tác giả nghiên cứu, Wang Yu, nhà địa chất tại Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc, cho biết: “Có rất nhiều thứ chúng ta có thể quan sát từ không gian".
Trước khi xảy ra thảm họa khai thác tồi tệ nhất ở Myanmar, vào tháng 6 năm ngoái, có mưa lớn tại khu vực phía bắc của mỏ ngọc lộ thiên Wai Khar ở Hpakant. Các tác giả viết: Cuối cùng, vào ngày 2/7, một khối lượng lớn vật liệu nằm trên sườn dốc của mỏ đá "đã đổ xuống một hố lộ thiên ngập nước, chôn vùi và giết chết ít nhất 172 thợ khai thác ngọc bích".
Theo nhóm tác giả quốc tế, kết quả nghiên cứu cho thấy việc quản lý kém và thiết kế hầm mỏ không bảo đảm đã góp phần gây ra thảm kịch, chứ không chỉ đơn giản là mưa theo mùa, như các giả thuyết ban đầu. Bên cạnh việc làm sáng tỏ nguyên nhân của thảm họa, các tác giả hy vọng phát hiện này sẽ giúp hiểu thêm về các vụ sập mỏ và cải thiện quy hoạch mỏ cả ở Myanmar và các quốc gia khác thường xảy ra tai nạn khai thác mỏ.
Mặc dù các công ty khai thác mỏ ở Hpakant đã bị chính quyền đình chỉ hoạt động trong ba tháng mùa mưa, kể từ ngày 1/7/2020, những thợ khai thác tự do vẫn săn lùng những viên ngọc bích phơi dưới mưa. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được cho là do mưa lớn.
Người phát ngôn của Myanmar Gems Enterprise - cơ quan quản lý và cấp giấy phép khai thác thuộc sở hữu của chính phủ Myanmar - nói với trang tin Nature rằng các hoạt động khai thác tại mỏ lộ thiên Wai Khar đã kết thúc vào ngày 29/6, trước khi vụ tai nạn xảy ra và một cuộc điều tra của chính phủ kết luận rằng lượng mưa đã xâm nhập vào mặt đất thông qua các vết nứt trong đá, dẫn đến sạt lở đất. Tuy nhiên, họ cũng nói thêm rằng các phát hiện của nghiên cứu mới có giá trị trong việc hỗ trợ quản trị lĩnh vực khai thác trong tương lai.
Để tìm kiếm các dấu vết biến dạng của cảnh quan xung quanh mỏ Wai Khar theo thời gian, Wang và nhóm của ông đã kết hợp video trực tuyến về vụ tai nạn từ mặt đất với dữ liệu vệ tinh và dữ liệu hàng không, cũng như dữ liệu từ một tàu con thoi của NASA.
Các tác giả tìm thấy hai yếu tố mà họ cho rằng đã gây ra sự cố sạt lở, ngoài lượng mưa. Thứ nhất, các sườn dốc có độ dốc nguy hiểm cùng với kết cấu yếu. Các hình ảnh Google Earth được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2020 cho thấy các vụ lở đất định kỳ đã xảy ra trong hố này.
“Địa điểm khai thác này đã trải qua các chu kỳ khai thác liên tục, và việc sạt lở đất xảy ra thường xuyên, không được kiểm soát. Quá trình này cho phép khai thác ngọc bích nhanh hơn, nhưng lại tạo ra các điều kiện nguy hiểm", các tác giả viết.
Thứ hai, nhóm tác giả nói rằng những đống chất thải mỏ đã trở thành vật liệu hút lượng mưa hoặc nước ngầm, nước này rò rỉ dần dần và làm xói mòn các sườn dốc, cuối cùng gây sạt lở. Theo họ, các đống chất thải - được phát hiện trong dữ liệu từ tàu con thoi của NASA vào năm 2000 và Vệ tinh quan sát đất đai tiên tiến của Nhật Bản từ năm 2006 đến năm 2011 - không nên được chất ở gần mỏ như vậy.
“Có những vấn đề liên quan đến quản lý yếu kém và thiết kế mỏ tồi”, nhưng không nên vội đổ lỗi cho bất kỳ ai về sự cố sạt lở này, nhóm tác giả nhận định. “Phân tích của chúng tôi chỉ là từ quan điểm khoa học, như một báo cáo khám nghiệm tử thi, không phải là một đơn tố giác tội phạm. Sẽ cần một cuộc điều tra kỹ lưỡng để xác định chính xác phần trách nhiệm của các bên khác nhau”.
Kyi Htun, nhà tư vấn địa chất khai thác mỏ độc lập ở thủ đô Yangon của Myanmar, nói rằng sau khi đọc nghiên cứu, ông cho rằng việc quản lý địa điểm kém - chẳng hạn như không theo dõi độ dốc thay đổi như thế nào theo thời gian và không xử lý chất thải đúng cách - có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Các tác giả của nghiên cứu bày tỏ hy vọng công việc của nhóm sẽ khuyến khích các nhà khoa học khác thực hiện các phân tích tương tự ở các quốc gia nơi hoạt động khai thác mỏ được quản lý kém.
Nguồn: