Qua thử nghiệm mô hình hóa chu trình carbon trong rừng nhiệt đới ở nhiệt độ cao, các nhà khoa học nhận thấy trái với dự đoán của hầu hết các mô hình khí hậu, lượng carbon phát ra dưới dạng carbon dioxide giảm đi chứ không phải là tăng lên.

Khi khí hậu nóng lên, tốc độ xử lý sinh khối trong các cánh rừng nhiệt đới đã chậm lại, không giải phóng thêm carbon dioxide - Ảnh: Miguel Discart

Khi khí hậu nóng lên, tốc độ xử lý sinh khối trong các cánh rừng nhiệt đới đã chậm lại, không giải phóng thêm carbon dioxide - Ảnh: Miguel Discart

Theo Geo Space, tại Hội nghị của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, các nhà khoa học đã công bố kết quả thử nghiệm nhằm mô hình hoá chu trình carbon trong rừng nhiệt đới khi nhiệt độ tăng cao.

Các khu rừng nhiệt đới chứa khoảng 1/3 tổng lượng carbon trên hành tinh và 2/3 sinh khối trên mặt đất. Theo hầu hết các mô hình khí hậu, khi khí hậu ấm lên, các chất hữu cơ trong các khu rừng nhiệt đới sẽ bắt đầu phân hủy nhanh hơn, dẫn đến việc bổ sung carbon dioxide vào khí quyển và đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.

Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học quyết định điều tra phản ứng của rừng nhiệt đới đối với sự nóng lên của khí hậu bằng phương pháp thực nghiệm. Họ đã tăng nhiệt độ của các khu vực rừng ở Puerto Rico một cách nhân tạo lên 4 độ C bằng cách sử dụng các lò sưởi hồng ngoại và theo dõi tốc độ xử lý sinh khối.

Hóa ra, tốc độ xử lý sinh khối đã chậm lại, nó không những không giải phóng thêm carbon dioxide, mà còn có thể dẫn đến sự tích tụ của các trầm tích hữu cơ, chủ yếu là lá rụng, trên bề mặt Trái đất. Điều này sẽ ngăn carbon xâm nhập vào đất, mà carbon cần thiết cho hoạt động sống còn của các vi khuẩn giúp cây phát triển.

Nhà nghiên cứu Stephanie Roe ở Đại học Virginia (Mỹ), tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết, trước đó, các nhà khoa học ngỡ là vi khuẩn bắt đầu hoạt động mạnh hơn khi quá trình trao đổi chất của chúng được tăng tốc trong điều kiện nhiệt độ tăng cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, họ nhận thấy hiệu ứng ngược lại. Các nhà khoa học cho rằng điều này là do thay đổi độ ẩm khi độ ẩm giảm trung bình 38%, các sự kiện thời tiết cực đoan, như bão nhiệt đới với tần suất sẽ tăng lên cùng với sự nóng lên của khí quyển, làm tăng thêm hiệu ứng đó, khi bão nhiệt đới khiến ngọn cây đổ rạp và cho phép các tia mặt trời xâm nhập gần bề mặt và làm khô thảm lá rừng.