Kinh Thi Việt Nam (1940) của Trương Tửu (1913-1999) từng tồn tại ở một khoảng im ắng kéo dài, nhưng giờ đây nhìn lại, công trình này rất xứng đáng để đọc một cách cẩn thận và hơn nữa, để có thể giải thích vì sao, nó chưa phải là đỉnh cao nhưng là bước ngoặt quan trọng trong đời học thuật Trương Tửu.

Sách Kinh Thi Việt Nam. Ảnh: NXB Tri Thức
Sách Kinh Thi Việt Nam. Ảnh: NXB Tri Thức

Ngay từ tiêu đề, cuốn sách đã không hề giấu diếm cảm hứng và tham vọng về sự xác lập các giá trị mang tính cách, đặc trưng dân tộc.

Kinh Thi Việt Nam học theo nhưng cũng là cái “nháy mắt” với đức Khổng Khâu, người san định Kinh Thi Trung Hoa, rằng Việt Nam cũng hoàn toàn có một mạch nguồn phong dao phong phú, sinh động và đủ sức tồn tại trong vị thế riêng, góp phần tạo dựng nền văn hiến nước Nam lâu đời.

Trương Tửu chọn ca dao tục ngữ là chọn cánh cửa rộng để nhìn sâu vào đời sống người bình dân, từ đó lọc ra những cứ liệu mang tính xã hội học, tâm lí học. Theo ông, mặc dù không thể coi ca dao là một tài liệu lịch sử, chân xác nhưng “giá trị đặc biệt của nó là một giá trị về tâm lí xã hội”. Hơn nữa, do phạm vi diễn đạt của dân gian rất rộng, từ tình cảm, thái độ đến các sinh hoạt thường ngày, “thơ ca kia sẽ còn là một tài liệu xã hội học rất quý”.

Như thế, đích hướng của Trương Tửu là từ văn bản ca dao tục ngữ để đọc hiểu người bình dân, rộng hơn là dân tộc Việt Nam, và nhờ thế, ông sẽ đối sánh với đặc tính văn hóa Trung Hoa. Ý tứ thể hiện thẳng thắn từ đầu và Trương Tửu sẽ cố gắng khách quan, khoa học hóa thao tác làm việc.

Ông đã viện đến E. Durkheim và S. Freud để làm chứng cho nhận định của mình, khiến họ trở thành kênh dẫn “lý thuyết”, một điều nhìn chung khá hiện đại so với phê bình văn học đương thời.

Tuy thế, điểm nhấn của Kinh Thi Việt Nam lại là cảm quan Mác-xít mà Trương Tửu áp dụng khá triệt để trong từng phân tích, nhận định. Theo đó, ông bắt đầu từ việc xem xét nền tảng sản xuất nông nghiệp, yếu tố tác động trực diện đến nhận thức, lối ứng xử của người nông dân.

Căn nền này khiến Trương Tửu tin rằng chính nông dân, những người “làm ra văn hóa Việt Nam, làm ra lịch sử Việt Nam”. Nói cách khác, ở xã hội thôn dân, các bài học đạo đức Nho giáo chưa thể can dự sâu vào mọi hành vi của người lao động nên bản thân họ không những có nhiều nếp nghĩ tự do, phóng khoáng mà sự phản ứng, kháng cự tư tưởng Nho giáo cũng táo bạo, kiên trì hơn.

Minh chứng điều này, Trương Tửu tập trung vào loạt bài ca dao thể hiện trạng thái yêu đương và bài xích, hạ bệ nam giới, hai chủ đề mà người bình dân đã không ngần ngại nói cho bằng hết nỗi lòng, cảm xúc của mình. Chuyện yêu đương trai gái được thoải mái bộc lộ vì, theo Trương Tửu, bản năng là “thiên tính không ngăn được”, “một nhu cầu sinh lí rất bình thường của con người”. Từ đó, ông khẳng định, lí thuyết “nam nữ thụ thụ bất thân” của Nho giáo chỉ có ý nghĩa và được thực hành trong tầng lớp quý tộc sĩ phu chứ không không có mấy tác dụng trong dân gian bởi môi trường sống ở đây là “là đồng ruộng, là ao chuôm, là rừng lúa, là mặt đê, là đêm trăng, là thiên nhiên”.

Tiếp cận tục ngữ, ca dao hay rộng hơn là folklore dân gian, qua trường hợp Trương Tửu, cho chúng ta biết nỗi “ám ảnh Hán” chưa dễ pha phôi đầu thế kỉ XX. Trong một nghiên cứu quy mô hơn, Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam (1934), Nguyễn Văn Huyên cũng khẳng định: “[…] Người nông dân đó, mặc dầu chịu ảnh hưởng chính thống Trung Hoa, vẫn rất tự do trong quan hệ nam nữ”. Giới nghiên cứu nhân văn lúc đó không tin vào định đề Nho giáo chi phối tất cả. Họ đến với folklore dân gian để lọc ra cứ liệu và tháo gỡ phần nào nút thắt Trung Hoa trên cây gia hệ văn hóa Việt. Việc bóc tách đâu mới đích thực là phạm vi ảnh hưởng của Nho giáo trong văn chương cho thấy nỗ lực thoát cái bóng Trung Hoa đã bao trùm cả ngàn năm. Đấy có lẽ là sự vận động tất yếu khi mà ý thức quốc gia dân tộc đã trưởng thành không ngừng sau bao năm cập nhật phương Tây và đồng thời, dù chưa triệt để, đã bắt đầu tìm kiếm được nội lực của mình.

Trương Tửu cũng không kém giọng các đồng nghiệp khi liên tục biện bạch: “văn hóa Việt Nam không phải ở văn hóa Trung Quốc thoát thai ra”. Tuy thế, việc ông noi gương Khổng Tử để san định phong dao Việt, rồi lại dùng chính sản phẩm này để hạ bệ Nho giáo khiến chúng ta không khỏi thể tất cho sự lúng túng, mâu thuẫn của ông.

Nhân kỉ niệm 105 năm ngày sinh học giả Trương Tửu (1913-2018), Công ty Eduking và NXB Tri thức đã cho in lại bản Kinh Thi Việt Nam theo bản in 1941, 1945 của nhà Hàn Thuyên, có độ khả tín về mặt văn bản so với các bản in năm 2000, 2002 trước đó.