Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp (ITTE) của Chile vừa công bố một biện pháp mới hấp thụ khí CO2 trong quá trình lên men rượu vang bằng cách sử dụng vi tảo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Flickr.com)

Công nghệ giá thành thấp này ban đầu là một dự án tìm cách thúc đẩy sự tăng trưởng của vi tảo bằng cách sử dụng khí CO2, vốn có sẵn trong các hầm ủ men rượu vang.

Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu và ứng dụng, công nghệ này đang được coi là niềm hy vọng mới để giảm “dấu chân carbon” của Chile, nhà xuất khẩu rượu vang lớn thứ 4 thế giới.

Theo thống kê chính thức, mỗi năm chỉ riêng hoạt động sản xuất rượu vang đóng chai của Chile đã thải ra khoảng 250.000 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính. ITTE dự báo nếu áp dụng thành công biện pháp này trên diện rộng, ngành rượu vang Chile có thể giảm từ 12-15% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường.

Các biện pháp hấp thụ khí CO2 trong quá trình sản xuất rượu vang đang được áp dụng tại Chile có giá thành khá đắt đỏ, khoảng 4,5 USD/ kg khí CO2, trong khi công nghệ sử dụng vi tảo mới có giá thành chỉ bằng một nửa.

Ngoài ra, số vi tảo được kích thích sinh trưởng từ quá trình này sẽ được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản và thậm chí là trong việc sản xuất một số thực phẩm chức năng cho con người./.