Việc thử nghiệm các liệu pháp mới điều trị COVID-19 ngày càng khó khăn vì tiêm phòng diện rộng ở nhiều nơi khiến cho các ca bệnh nặng ít xuất hiện và thu hẹp số người có tiềm năng tham gia thử nghiệm.

Đã có khoảng nửa tá liệu pháp điều trị COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các cơ quan quốc gia như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị - bao gồm steroid, kháng thể tổng hợp, và thuốc viên kháng virus. Một số liệu pháp làm giảm nguy cơ tử vong cho những người phải nhập viện, một số khác thì làm giảm tỷ lệ phải nhập viện.

Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia và khu vực, các liệu pháp này có nguồn cung rất hạn chế và chi phí cao. Ngoài ra, còn có nguy cơ nảy sinh mầm bệnh kháng thuốc nếu sử dụng quá thường xuyên các loại thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer.

Viên uống kháng virus Paxlovid làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19.

Nhờ có vaccine, tỷ lệ tử vong ở một số quốc gia từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đã giảm nhanh chóng. Nhưng cải thiện này cũng gây khó khăn cho các thử nghiệm thuốc mới.

Năm 2020, thời điểm đầu đại dịch, nhà nghiên cứu sức khỏe Edward Mills tại Đại học McMaster, Canada, và các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm TOGETHER ở Brazil để tìm hiểu liệu các loại thuốc hiện có có thể ngăn chặn COVID-19 tiến triển nặng hay không. Tỷ lệ những người tham gia thử nghiệm tử vong hoặc phải nhập viện khi đó là 16%. Nhưng sau khi có vaccine, con số này giảm xuống còn 3-5%. Vì quá ít người phát triển bệnh nặng, nhóm nghiên cứu phải tuyển thêm những người tham gia có nguy cơ cao phát triển bệnh nặng ở cả các địa điểm khác như Nam Phi, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda.

Và ngay cả những người đủ tiêu chuẩn cũng thường không muốn tham gia thử nghiệm thuốc nữa, vì họ muốn dùng các phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả.

Khi nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Elizabeth Hohmann tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts bắt đầu giám sát thử nghiệm ACTT nhằm kiểm tra các liệu pháp điều trị COVID-19 vào đầu năm 2020, việc tuyển dụng cũng diễn ra nhanh chóng, vì những người ốm yếu không còn lựa chọn nào tốt hơn. Đến tháng 4/2020, thử nghiệm đã thu hút 1.062 người. Và vào cuối năm 2020, thử nghiệm cho thấy thuốc kháng virus remdesivir giúp tăng tốc độ phục hồi và ngăn ngừa tử vong.

Nhưng khi các phương pháp điều trị hiệu quả như remdesivir trở nên phổ biến, việc tuyển người tham gia các thử nghiệm ngày càng trở nên khó khăn hơn, Hohmann cho biết. Nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi được chỉ định phác đồ đã được khuyến nghị. Chỉ những người cảm thấy có trách nhiệm dân sự mới đăng ký dùng thuốc thử nghiệm, Hohmann nói. Ngay cả những yếu tố khiến người ta hoài nghi vaccine cũng không khiến họ muốn dùng thuốc thử nghiệm.

Trong khi đó, vì đã có nhiều liệu pháp điều trị, sự phức tạp của các tính toán thống kê cần thiết để xác định hiệu quả thực tế của một liệu pháp mới cũng tăng lên. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cần tuyển nhiều người tham gia thử nghiệm hơn trước.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra đối với nhóm đang tổ chức thử nghiệm PRINCIPLE ở Anh nhằm kiểm tra liệu các loại thuốc hiện có có thể tăng tốc độ phục hồi sau COVID-19 hay không. Nhóm PRINCIPLE cho biết tác dụng của các loại thuốc liên quan đến điều trị COVID-19 hiện có đang làm mờ đi bất kỳ sự khác biệt nào có thể xuất hiện giữa nhóm dùng giả dược và nhóm dùng thuốc thử nghiệm. Có nghĩa là các nhà nghiên cứu phải thống kê trên các nhóm lớn hơn trong thời gian dài hơn để thấy được các khác biệt giữa hai nhóm.

Các thí nghiệm gần đây trên tế bào đã chỉ ra, có thể xuất hiện các chủng virus kháng Paxlovid; và đây là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng cho dù tình hình phức tạp đến đâu, chúng ta vẫn phải tìm cách để theo kịp sự tiến hóa của virus.

Nguồn: