Kỷ nguyên Internet đòi hỏi các vệ tinh cần có khả năng truyền dẫn tín hiệu nhanh và nhiều hơn trước
Theo Engadget, NASA hiện đang phát triển một mẫu chip modem sử dụng công nghệ photon nhằm thử nghiệm các đường truyền laser tốc độ siêu cao giữa Trái đất và các tàu vũ trụ, vệ tinh nằm trong quỹ đạo thấp (LEO) hoặc quỹ đạo địa tĩnh (GSO). Khác với thử nghiệm truyền tín hiệu laser lên Mặt Trăng LADEE được thực hiện từ 2013, thí nghiệm công nghệ chip modem mới LCRD sẽ được sử dụng trong các dự án thực tế. Theo dự kiến, công nghệ LCRD sẽ đi vào hoạt động trong vòng 2 năm sau khi triển khai.
Tuy vậy, NASA vẫn còn rất nhiều điều cần làm để hoàn thiện LCRD. Tuyên bố của NASA cho biết dòng chip này sẽ chỉ được sử dụng trên trạm vũ trụ ISS vào 2020, do hiện tại modem photon LCRD vẫn còn quá cồng kềnh khi có kích thước bằng xấp xỉ 2 lò sấy bánh mì.Bù lại, LCRD hứa hẹn sẽ cải thiện hoàn toàn cách liên lạc giữa phi hành đoàn và đội ngũ trên mặt đất cũng như các nhóm nhiệm vụ khác.
Các chuyên gia NASA kỳ vọng sẽ thu gọn được kích thước loại modem siêu tốc trên đi vài chục hay vài trăm lần. Mike Krainak, trưởng nhóm nghiên cứu modem của NASA, cho biết: "Chúng tôi đã theo đuổi điều này từ lâu. Công nghệ sẽ giúp đơn giản hoá các mẫu thiết kế quang học. Nó sẽ giúp hạ mức tiêu thụ năng lượng cũng như kích thước, đồng thời cải thiện độ tin cậy, mà vẫn bổ sung thêm các tính năng mới với một chi phí thấp hơn".
Krainak với bộ nhận tín hiệu cáp quang cũ (ảnh trên) và con chip tích hợp khả năng xử lý quang học (dưới)
Với băng thông tăng từ 10 đến 100 lần, các phương tiện thám hiểm có thể truyền về nhiều dữ liệu đo đạc và video hơn: hãy tưởng tượng xe tự hành Mars Rover có thể truyền về hàng chục giờ video thay vì một số ít các bức ảnh như hiện nay. Khi được hoàn thiện, công nghệ chip photon sẽ tiêu thụ ít điện năng và chiếm ít không gian hơn, giúp cho ngay cả các xe tự hành nhỏ nhất cũng có thể truyền về Trái đất rất nhiều dữ liệu đo đạc.