Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã khám phá ra sự tương đồng giữa vấn đề tự tử ở người và các hành vi tự hy sinh ở một số quần thể động vật, ví dụ như tôm, chuột chũi và côn trùng. Họ cho rằng việc con người tự tử trong bối cảnh hiện đại là một dấu vết còn sót lại của tập tính tự hy sinh ở quần thể mang tính xã hội đầy đủ (eusociality).
Xã hội đầy đủ là loại tổ chức xã hội động vật đã đạt tới cấp cao nhất, được xác định bởi các đặc điểm sau: các cá thể cùng chăm sóc lẫn nhau, quan hệ chồng chéo giữa các thế hệ và phân công lao động thành các nhóm sinh sản và phi sinh sản.
Quá trình phân công lao động sẽ tạo thành các nhóm động vật có hành vi đặc biệt trong một xã hội được gọi là đẳng cấp. Xã hội đầy đủ được phân biệt với tất cả các hệ thống xã hội khác ở điểm các cá thể ở một đẳng cấp đặc thù sẽ có quyền thực hiện một số hành vi nhất định và không thể thực hiện hành vi thuộc về các đẳng cấp khác.
Trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Psychological Review, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng con người hoàn toàn thể hiện các đặc điểm của một loài mang tính xã hội đầy đủ. Điển hình như việc xã hội loài người tồn tại dựa trên sự kết nối của nhiều thế hệ cùng sinh sống cũng như áp dụng phân công lao động để tồn tại và phát triển.
Giả thuyết con người là một loài mang tính xã hội đầy đủ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giải thích vấn đề tự tử ở người. Loại xã hội này bao gồm rất nhiều đặc điểm riêng biệt và đặc thù, trong đó có hành vi tự hy sinh.
Các nhà khoa học cho rằng những hành vi kì lạ này là một phần của sự thích nghi nhằm phù hợp với quá trình tiến hóa về mặt sinh học tế bào.
Ở loài côn trùng và một số loài mang tính xã hội đầy đủ khác, khi một cá thể mang gen yếu hoặc xấu, chúng sẽ không thể thích ứng được với sự thay đổi của môi trường cũng như sự vận động của toàn quần thể. Điều này khiến cho những cá thể này dần dần lạc lõng và bị tách biệt ra khỏi hoạt động chung của bầy đàn. Và khi đó, chúng sẽ chết vì những điều kiện khắc nghiệt của môi trường hoặc vì hành vi tự tử.
Các nhà khoa học cho rằng, tự tử mang đến những lợi ích nhất định ở cấp độ gen. Những cá thể tự tử thường mang gen không tốt. Vì thế hành vi tự tử sẽ làm ngăn cản sự phát tán và tiêu diệt những gen này, giúp đẩy nhanh quá trình tiến hóa.
Tuy nhiên, khi công bố kết quả của bài nghiên cứu thì các tác giả đã gặp phải rất nhiều sự chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền. Vì nếu nói như theo cách của họ thì những người tự tử thật sự là những kẻ vô dụng từ chính bên trong bộ gen của họ và quyết định tự tử của họ là đúng đắn vì lợi ích của toàn bộ giống loài.
Bên cạnh đó, nếu cho giả thuyết xã hội loài người mang tính đầy đủ là đúng thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng giữa người với người sẽ có phân biệt đẳng cấp khác nhau. Trong quá khứ, điều này đã từng xảy ra. Nhưng ở thời điểm hiện nay, vấn đề đẳng cấp là hoàn toàn thiếu tính văn minh và phân biệt đối xử.
Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn phải đồng ý rằng nguyên nhân của sự tự tử phần lớn đều bắt nguồn từ vấn đề không thể thích nghi của một cá nhân với môi trường sống bên ngoài. Và chính từ sự không thể thích nghi này sẽ tạo ra thêm rất nhiều vấn đề khác gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, bao gồm cảm giác thất bại, áp lực, không thể đáp ứng được kì vọng của những người xung quanh…
Các tác giả hy vọng rằng lý thuyết mới sẽ góp phần vào việc thúc đẩy quá trình tìm kiếm chính xác những rối loạn ở mức độ thần kinh trong việc làm sáng tỏ và nỗ lực phòng chống tự tử trong tương lai.