Siêu bão đường kính 16.000 km càn quét sao Mộc gây ấn tượng bởi vẻ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật trong ảnh chụp của tàu vũ trụ NASA.

nasa-cong-bo-anh-sieu-bao-vet-do-lon-tren-sao-moc

Ảnh chụp đã qua chỉnh màu của siêu bão Vết đỏ lớn trên sao Mộc do tàu vũ trụ Juno ghi lại. Ảnh: NASA.

Tàu Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại những hình ảnh cận cảnh về siêu bão Vết đỏ lớn nổi tiếng trên sao Mộc trong chuyến bay áp sát đầu tiên. Dữ liệu thô do tàu truyền về Trái Đất được NASA công bố hôm qua, theo Guardian.

Những bức ảnh không chỉ hé lộ kích thước của siêu bão mà còn cho thấy màu sắc đặc biệt của nó. Dữ liệu thô được các nhà khoa học và giới chuyên gia xử lý thành nhiều phiên bản ảnh chụp khác nhau, thể hiện chi tiết độ lớn và đặc điểm xoáy tròn của siêu bão.

"Ấn tượng chính trong tôi là vẻ đẹp của nó. Đây chính là những tác phẩm nghệ thuật tự nhiên", Jared Espley, nhà khoa học thuộc chương trình Juno ở trụ sở chính của NASA tại Washington, Mỹ, chia sẻ.

Lần bay qua mới nhất diễn ra hôm 11/7, đánh dấu khoảng cách gần nhất mà tàu vũ trụ bay trực tiếp bên trên Vết đỏ lớn. Tàu lướt qua cách bề mặt hành tinh chỉ 3.500 km và cách những đám mây trên cùng của siêu bão khoảng 9.000 km.

nasa-cong-bo-anh-sieu-bao-vet-do-lon-tren-sao-moc-1

Dữ liệu thô về Vết đỏ lớn do tàu Juno truyền về Trái Đất. Ảnh: NASA.

Khởi hành năm 2011, tàu vũ trụ Juno trị giá 1,1 tỷ USD gia nhập quỹ đạo sao Mộc vào tháng 7/2016 sau hành trình dài 2,8 tỷ km. Mục tiêu của sứ mệnh là thăm dò cấu tạo hành tinh, từ trường và môi trường bức xạ cũng như bản chất của Vết đỏ lớn trên bề mặt sao Mộc.

"Vẫn còn nhiều bí ẩn về cơn bão, chính xác là điều gì tạo ra màu đỏ của nó và cơn bão lấy năng lượng từ đâu", Espley nói.

Những hình ảnh do máy chụp JunoCam trên tàu chụp lại sẽ được phân tích khoa học, trong khi các dữ liệu khác thu thập trong đợt bay sát sẽ giúp tìm hiểu cấu trúc bên trong của hành tinh. "Những thiết bị khác sẽ tập trung chủ yếu vào khám phá điều gì xảy ra bên dưới các đám mây", Espley cho biết.

Mỗi lần bay áp sát cách nhau 53 ngày và lần bay tiếp theo sẽ diễn ra hôm 1/9. Theo Espley, tàu vũ trụ sẽ không bay qua siêu bão trong thời gian tới trước khi các nhà khoa học tìm ra những hoạt động bên trong sao Mộc.