Chia sẻ về ý tưởng, em Nguyễn Sao Mai - học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - bày tỏ: "Nguồn năng lượng trên Trái đất đang dần cạn kiệt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống như việc tăng hiệu ứng nhà kính. Vì vậy nhóm nghiên cứu mong muốn cần phải tìm ra những nguồn năng lượng tái tạo thay thế".
Tại Việt Nam, có nguồn tảo lục rất dồi dào, có rất nhiều ở sông hồ nhưng không được sử dụng triệt để. Bởi vậy, nhóm của Mai đã đưa ra một giải pháp đó là sử
dụng tảo lục để sản xuất biodiesel.
"Dầu biodiesel có tính chất hóa học giống với dầu diesel thông thường, cũng gồm chuỗi các nguyên tử cacbon và hydrogen, chỉ khác ở nhóm este, động cơ diesel có thể đốt dầu biodiesel" - Mai cho biết.
Quy trình nghiên cứu ra sản phẩm bắt đầu từ việc dùng phương pháp cô đặc chân không để tách dầu từ tảo lục, sau đó tách tạp chất rồi tiến hành phản ứng biodiesel. Tiếp theo sẽ phải lắng hỗn hợp sau phản ứng được lắng 12 giờ để tách lớp trên và dưới. Biodiesel thô được rửa nước và sấy để có biodiesel.
Theo Mai, để cho ra năng suất cao nhất cần môi trường có nhiều cacbon và chất hữu cơ. Ngoài ra, có thể xây dựng hệ thống nuôi cấy gần các nhà máy, xí nghiệp và tận dụng nguồn nước thải (do có chứa nhiều các chất hữu cơ).
"Tham gia hội trại ngoài việc trình bày những ý tưởng của mình về năng lượng tái tạo, em còn mong muốn giao lưu với bạn bè trên thế giới, tích lũy thêm kiến thức nhiều hơn nữa. Đồng thời em cũng mong muốn ý tưởng nghiên cứu này của nhóm sớm được ứng dụng trong cuộc sống và giúp ích cho xã hội", Mai chia sẻ.