Vết đỏ lớn là một cơn bão khổng lồ hình thành ở bầu khí quyển dày đặc của Sao Mộc. Cơn bão này rộng đến 16.000 km, được các nhà thiên văn trên Trái Đất quan sát từ năm 1830.
Tàu Juno sẽ bay ngang cơn bão này vào ngày 10/7 tới và chúng ta sẽ có được cái nhìn cận cảnh đầu tiên về nó.
“Vết đỏ lớn là một trong những thứ được biết đến nhiều nhất của Sao Mộc, cơn bão này đã bùng phát từ hàng thế kỷ trước trên hành tinh lớn nhất của Hệ Mặt Trời mà vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Giờ đây, Juno sẽ dùng các thiết bị khoa học của mình để đo đạc xem cơn bão này cao đến bao nhiêu, cơ chế hoạt động và tại sao nó lại trở nên mạnh mẽ như thế”, nhà nghiên cứu Scott Bolton ở Viện nghiên cứu Tây Nam tại San Antonio cho biết.
Hình ảnh màu thật của Sao Mộc được chụp bởi tàu vũ trụ Cassini của NASA vào 29/12/2000 khi nó đến điểm gần nhất của hành tinh này ở khoảng cách 10 triệu km. Ảnh: NASA.
Thu thập dữ liệu của Vết đỏ lớn là một phần mục đích khoa học của sáu vòng chuyển động quanh Sao Mộc bởi Juno. Tàu sẽ đạt điểm gần tâm Sao Mộc nhất vào 8 giờ 55 sáng ngày 11/7 tới đây (giờ VN), lúc này tàu sẽ cách 3.500 km trên những đám mây thượng tầng khí quyển của Sao Mộc.
Chỉ 11 phút 3 giây ngay sau đó, Juno sẽ bay thêm 39.771 km để đến vị trí nằm thẳng ngay phía trên của đám mây bão Vết đỏ lớn, và sẽ bay cách chúng 9.000 km ở bên trên.
Tất cả thiết bị nghiên cứu, thăm dò và chụp ảnh của tàu Juno sẽ hoạt động suốt vào thời điểm này.
Ngoài ra, vào ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4 tháng 7, tàu Juno sẽ đánh dấu một năm nhập vào quỹ đạo Sao Mộc của mình. Tính đến ngày này, tàu đã bay được 114,5 triệu km.
“Mỗi vòng quanh quỹ đạo của Sao Mộc đưa chúng ta gần hơn đến những bí ẩn của hành tinh này, giờ đây chúng ta biết rằng con tàu bị bão bức xạ và electron đánh vào nhiều hơn chúng ta nghĩ trước đây”, Rick Nybakken thuộc dự án Juno cho biết.
Tàu Juno được phóng lên không gian vào ngày 5.8.2011 tại bãi phóng không gian Mũi Canaveral, bang Florida và trải qua 6 năm trong không gian để đến được Mộc Tinh. Trong một năm qua, Juno đã từng đến khoảng cách gần nhất chỉ 3.400 so với thượng tầng khí quyển Sao Mộc để nghiên cứu về nguồn gốc, cấu trúc của khí quyển cũng như từ quyển của hành tinh.
Những kết quả khoa học thu nhận được tính đến thời điểm này cho thấy Sao Mộc là một hành tinh nhiễu loạn với cấu trúc bên trong cực kỳ phức tạp, những dải cực quang rực sáng và các cơn bão xoáy mạnh mẽ hoành hành trong bầu khí quyển.