Làm thế nào để não bộ xử lý các tình huống mới gặp? Não đưa ra quyết định như thế nào? Nghiên cứu mới đây của Mona Garvert và Christian Doeller cùng đồng nghiệp tại Viện Max Planck, Đức, đã tìm hiểu cơ chế căn bản của não trong việc dùng kiến thức được lưu giữ từ trước để đưa ra quyết định trong các tình huống mới.

Chúng ta hay phải có mặt ở những nơi mình chưa đến bao giờ, ví dụ như cửa hàng mới, sân bay lạ, hay bắt đầu một công việc mới. Những lúc như vậy, ta có thể thấy rõ hành vi con người có tính linh hoạt cực kỳ cao. Ngay cả trong các tình huống mới, chúng ta thường có thể đoán trước được hệ quả hành động của mình, nhờ thế mà đưa ra các quyết định phù hợp.

Làm thế nào mà não có thể đưa ra quyết định phù hợp trong những tình huống chưa từng trải qua? Một cách lí giải là lúc đó, não dựa vào kinh nghiệm từ các tình huống tương tự trong quá khứ. Ví dụ như kinh nghiệm từ các nhà hàng trước đây cho ta biết có thể kỳ vọng gì từ một hàng pizza mới. Điều này đòi hỏi kiến thức thực tế phải được tổ chức một cách có ý nghĩa trong bộ não, cũng như khả năng tiếp cận khối kiến thức này một cách linh hoạt trong những tình huống mới cần ra quyết định.

Trong nghiên cứu mới, 48 người tham gia hoạt động định hướng trong một căn phòng ảo. Tại đó, 12 con quái vật nhỏ lần lượt xuất hiện từng con một vào những thời điểm nhất định. Họ phải ghi nhớ vị trí của những con quái vật đó trong khi tự do di chuyển trong phòng, vì các con quái vật chỉ xuất hiện khi họ tiến lại gần. Do đó, người tham gia phải dự đoán mối liên hệ khoảng cách giữa các con quái vật.

Họ quan sát thấyđường đi của người tham gia trong không gian ảo rất khác nhau. Một số người luôn đi dọc bên rìa, những người khác đi từ trên xuống dưới một cách có hệ thống, một số nữa lại đi theo hình ngôi sao. Điều này có nghĩa là các quái vật mà mỗi người nhìn thấy xuất hiện theo thứ tự khác nhau. Ví dụ, những người đi theo hình ngôi sao nhìn thấy quái vật ở những quãng thời gian rất khác so với những người đi từ trên xuống dưới.


Người tham gia thí nghiệm đã xây dựng được bản đồ trong tâm trí về vị trí của các con quái vật.
Người tham gia thí nghiệm đã xây dựng được bản đồ trong tâm trí về vị trí của các con quái vật trong căn phòng ảo.

Tiếp theo, họ được cho xem hình ảnh của các con quái vật xuất hiện ngẫu nhiên trong hai giây. Người tham gia được hướng dẫn xem hình ảnh một cách cẩn thận. Và rồi, khi có hai con quái vật xuất hiện cùng lúc, người tham gia phải chỉ ra con quái vật nào trong số đó ở vị trí gần với con quái vật xuất hiện trước hai con này.

Cuối cùng, người tham gia lại được cho xem hai quái vật cùng lúc, và được yêu cầu chọn con quái vật cho điểm số cao hơn. Điểm số này liên quan tới vị trí của con quái vật. Những con quái vật nào ở gần nhau sẽ cho số điểm tương tự nhau. Vì thế, những người nhanh trí sẽ sử dụng kiến thức từ trước về vị trí của quái vật để chọn những con gần với quái vật từng cho số điểm cao.

Điều này chứng tỏ người tham gia đã sử dụng kiến thức được lưu trữ để thực hiện nhiệm vụ này. Họ tận dụng cả kiến thức về không gian lẫn thời gian thu được để đưa ra quyết định. Khi chụp MRI, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người có hình dung về quái vật trong không gian rõ hơn thì hành vi ra quyết định của họ chịu ảnh hưởng bởimối quan hệ không gian. Tương tự ở những người có hình dung về quái vật theo thời gian rõ hơn.

Qua đó, các nhà nghiên cứu cho rằng não sử dụng các bản đồ kiến thức về không gian và thời gian để đưa ra quyết định, và não cũng điều chỉnh những bản đồ đó khi nó học với phần thưởng.

Các phát hiện này cho thấy các bản đồ nhận thức của não được sử dụng một cách linh hoạt và cập nhật để suy luận. Khi gặp phải tình huống mới, chúng ta tận dụng kiến thức đã sắp xếp thành sơ đồ trong thùy hải mã để hành động cho phù hợp.

Công trình được đăng trên tạp chí Nature Neuroscience.