Việc thúc đẩy người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo ổn định cuộc sống, nhất là sau khi những người này hết tuổi lao động, là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội và giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước trong tương lai. Nhưng làm thế nào để đạt được điều này?

Người lao động từ miền Tây quay trở lại TP.HCM. Ảnh: nld.com.vn
Người lao động từ miền Tây quay trở lại TP.HCM. Ảnh: nld.com.vn

Dù đã ba năm trôi qua, hình ảnh những dòng người lao động rời bỏ các thành phố lớn để trở về quê tìm việc làm sống qua ngày vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, vẫn khiến nhiều người không thôi ám ảnh. Cú sốc của đại dịch ấy còn tác động mạnh và cho thấy rõ hơn nữa tình trạng bấp bênh của những người lao động phi chính thức chiếm tới hơn một nửa số lao động hiện nay - có việc làm thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.

Không chỉ là vấn đề thu nhập thấp

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chương trình chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng trên thực tế, tỉ lệ người lao động, phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt khoảng hơn 2%, và có đến 98% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, theo một báo cáo năm 2018 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) và Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh Việt Nam thực hiện. Tính đến năm 2022, tỉ lệ này đạt 3,18% với 1.462 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp như vậy, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại tọa đàm “Giảm nguy cơ lọt lưới an sinh” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức. Một nguyên nhân nhãn tiền là mức thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức rất bấp bênh, không ổn định, do đó họ thường chú trọng quan tâm đến những nhu cầu trước mắt chứ chưa quan tâm đến an sinh bền vững sau này. “Vì vậy, họ ít tìm hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng như vẫn còn đó tâm lý trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước, hay tâm lý ‘trẻ cậy cha, già cậy con’ mà chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng”, ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết. Song, đây mới chỉ là một yếu tố. “Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng mức hỗ trợ của nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để khuyến khích người dân tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính sách điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài, làm nản lòng một bộ phận người dân”. Chưa kể đến, “người dân có một phần nào đấy chưa tin tưởng bởi cơ quan quản lý không tính được cho người ta đến thời điểm sau 20 năm nữa họ sẽ được hưởng như thế nào, mà chỉ có thể dự kiến thôi”, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội chỉ ra một vấn đề khác.

Nhưng đây mới chỉ là “bề nổi của một tảng băng chìm” với rất nhiều yếu tố khác phía dưới. Theo GS.TS Giang Thanh Long - Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân - người đã thực hiện các phân tích chi tiết liên quan đến việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của khu vực phi chính thức không chỉ được quyết định bởi vấn đề thu nhập thấp hay việc làm bếp bênh. Ông dẫn ra một phát hiện từ kết quả nghiên cứu: với những hộ gia đình có người lao động phi chính thức mà có nhiều con đang ở trong độ tuổi đi học, càng có nhiều con thì xác suất để họ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện càng ít. “Phát hiện thứ hai là, nếu số người trong hộ gia đình của họ tham gia bảo hiểm xã hội cao, thì xác suất để họ không tham gia bảo hiểm xã hội sẽ thấp hơn. Điều đó có nghĩa là người trong hộ gia đình có ảnh hưởng rất lớn”, GS.TS Giang Thanh Long cho biết. Hay một phát hiện khác liên quan đến đề xuất hiện nay là chủ sử dụng lao động như chủ hộ kinh doanh là người tham gia bảo hiểm xã hội. “Thực tế hiện nay cho thấy 99% những người chủ hộ lao động kinh doanh có thu nhập trung bình và cao, nhưng hiện vẫn chỉ có chưa đến 2% là tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rõ ràng về mặt thu nhập, họ hoàn toàn đáp ứng được, nhưng có thể họ vẫn chưa tham gia bởi vấn đề chưa hấp dẫn của chính sách chẳng hạn”, GS.TS Giang Thanh Long cho biết.

Có thể thấy rằng, “những vấn đề như thu nhập hay quy định mới chỉ một góc độ, còn ở đằng sau đấy là các câu chuyện liên quan trực tiếp đến người lao động, cũng như là người sử dụng lao động, thế nên chúng ta cần phải khai thác sâu hơn nữa để từ đó có chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy họ tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội”, GS.TS Giang Thanh Long nhất mạnh.

Tìm “những người mất tích”


Thực tế hiện nay, nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân như hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác. Nhưng từ góc nhìn của các chuyên gia, mức hộ trợ này không đủ để thu hút người lao động phi chính thức.

“Chúng ta đang gần như cố định mức hỗ trợ vào trong một cái chuẩn, và cái chuẩn đấy thì rất ít thay đổi - đấy là chuẩn nghèo”, GS.TS Giang Thanh Long cho biết. Và chuẩn nghèo này nếu thay đổi thì lại liên quan đến hàng triệu người đang thụ hưởng các chính sách khác nhau. Chính vì lý do đó, “mức hỗ trợ người lao động phi chính thức ấy thực sự là thấp, họ nhìn số tiền hỗ trợ ví dụ chỉ khoảng vài chục ngàn đến một trăm ngàn thì sẽ không thấy có nhiều động lực để tham gia bảo hiểm”, ông phân tích.

Điều quan trọng hơn là về mặt dài hạn, theo nguyên tắc đóng - hưởng, ai đóng thấp thì cũng chỉ được hưởng mức bảo hiểm thấp và cuối cùng tạo thành một vòng xoáy: “mức đóng này không đảm bảo việc hưởng để đảm bảo mức sống tối thiểu, và như vậy một lần nữa chính phủ lại phải bỏ tiền ra để bù đắp khoảng cách giữa thực tế người lao động nhận được từ hệ thống và phần thu nhập tối thiểu để đủ sống”, GS. TS Giang Thanh Long phân tích. Nhìn từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, ông cho rằng, việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho cái người lao động, không chỉ là trong hệ thống hưu trí mà cả những hệ thống thu nhập khác là điều chúng ta cần phải nghĩ tới. “Dù khó khăn thế nào đi nữa thì việc đầu tư cho giáo dục, cho y tế của con cái họ vẫn là điều quan trọng nhất, thế nên việc tác động đến cả thế hệ tương lai của họ cũng sẽ là điều giúp cho hệ thống trở nên bền vững hơn”, ông chỉ ra một vấn đề. Đó cũng là lý do nhà nghiên cứu này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc trợ cấp trẻ em. “Một số quốc gia thực hiện như sau: thay vì anh phải bỏ ra 100 USD để đóng tiền học cho con, tôi sẵn sàng miễn phí cho con anh 100 USD đó. Nhưng số tiền này anh sẽ phải đưa vào trong hệ thống đóng góp về bảo hiểm xã hội. Như vậy là một mũi tên trúng hai đích, vừa đảm bảo việc người dân tham gia bảo hiểm xã hội và đóng ở mức rất cụ thể, vừa đảm bảo việc học tập cho con cái của họ”.

Và nhiều khi, nhóm người cần được hỗ trợ lại vô hình trong các chính sách. “Chúng tôi hay dùng từ là ‘nhóm ở giữa mất tích’”, GS.TS Giang Thanh Long cho biết. Họ không phải nhóm nghèo mà cũng không giàu. Họ lửng lơ ở giữa - không nhận được những hỗ trợ như người nghèo, nhưng cũng không có đủ tiềm lực để tự đóng bảo hiểm xã hội vì còn phải cân nhắc nhiều vấn đề. “Việc tìm ra được những vấn đề liên quan đến những người lao động như vậy rất quan trọng. Cần có tác động từ nhiều phía để tạo ra một môi trường khiến người lao động thấy rằng việc tham gia bảo hiểm xã hội là điều hết sức cần thiết, không chỉ cho họ mà thậm chí cho các thế hệ tiếp theo”, GS.TS Giang Thanh Long nhấn mạnh.

Đồng bộ chính sách

Và bên cạnh việc tìm đúng các đối tượng để tác động, sự đồng bộ của chính sách cũng là điều rất quan trọng. Theo TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần phải có một chính sách toàn diện. “Các chính sách về xóa đói giảm nghèo là các chính sách cần phải tiếp tục được thúc đẩy, thông qua tạo việc làm cho người lao động, và các việc làm này phải là việc làm có chất lượng, đảm bảo thu nhập và có các hỗ trợ về vấn đề vay vốn cho họ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình”, bà nhận định. “Hiện nay, khu vực lao động chính thức đã có chính sách thu nhập tối thiểu thông qua chính sách tiền lương tối thiểu rồi. Nhưng chúng ta cần phải xây dựng một chính sách thu nhập tối thiểu cho tất cả mọi người”.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Giang Thanh Long cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội không thể đứng độc lập mà có quan hệ với tất cả các ngành khác trong nền kinh tế, từ tài chính cho đến vấn đề dân số. Ông dẫn ví dụ về các trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần. “Đơn giản là những người ở tuổi 40 bây giờ đi tìm việc rất khó vì nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người dưới 35 tuổi. Vậy bây giờ chống phân biệt tuổi tác như thế nào, ai thực hiện việc đấy, hay việc hỗ trợ người cao tuổi tìm việc ra sao. Tất cả cần tính toán và có sự đồng bộ”.

Và trong bối cảnh của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay, bên cạnh luật bảo hiểm xã hội, “tôi cho rằng cần thảo luận và xây dựng luật thẩm định theo chuỗi”, TS. Phạm Thị Thu Lan nhận định. Bà phân tích, nền kinh tế hiện nay đang có xu hướng vận hành ngày càng theo chuỗi: các doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp đầu chuỗi và luôn luôn tìm cách thầu phụ, thuê ngoài. “Nhưng bây giờ khi thuê ngoài như vậy họ lại không có trách nhiệm với các cái điều kiện lao động, việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà họ thuê. Họ chỉ chịu trách nhiệm của họ nhưng không chịu trách nhiệm của các thành viên trong chuỗi đó, của các tầng thứ hai, thứ ba, thứ tư”, bà cho biết. “Trên thế giới hiện đã xây dựng luật thẩm định trong chuỗi, doanh nghiệp đầu chuỗi khi thuê ngoài một doanh nghiệp nào đó phải có đánh giá rủi ro, nguy cơ là doanh nghiệp này có thể vi phạm, sau đó có biện pháp xử lý đối với doanh nghiệp, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trước khi tham gia vào trong chuỗi”, TS. Phạm Thị Thu Lan cho biết. “Đã đến lúc Việt Nam cũng cần xây dựng luật như vậy”.