Các giải thưởng khoa học dành cho giai đoạn đầu sự nghiệp ít thiên lệch về giới tính, nhưng các giải thưởng danh giá nhất vẫn thường dành cho các nhà khoa học nam.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Quantitative Science Studies phân tích 141 giải thưởng khoa học hàng đầu được trao trong hai thập kỷ qua cho thấy, tỷ lệ phụ nữ giành các giải thưởng khoa học hàng đầu ngày càng tăng, nhưng vẫn không tương xứng với tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm vị trí giáo sư. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020, 28% giáo sư là nữ giới, nhưng chỉ có 19% các giải thưởng khoa học hàng đầu được trao cho các nhà khoa học nữ.

Kể từ năm 2001 đến nay, khoảng cách giới tính ngày càng thu hẹp, nhưng vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các giải thưởng danh giá nhất. Khoảng cách giới lớn nhất là trong giải thưởng của các ngành khoa học đời sống, khoa học máy tính và toán học.

Tỷ lệ giáo sư nữ tăng theo thời gian, nhưng tỷ lệ giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ không gia tăng tương ứng. (Màu vàng nhạt: Tỷ lệ giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ; Màu cam: Tỷ lệ giáo sư nữ)
Tỷ lệ giáo sư nữ tăng theo thời gian, nhưng tỷ lệ giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ không tăng tương ứng. (Màu vàng nhạt: Tỷ lệ giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ; Màu cam: Tỷ lệ giáo sư nữ)

Không được công nhận tương xứng

Tác giả nghiên cứu, nhà khoa học thông tin Lokman Meho tại American University of Beirut, Lebanon, đã xác định 141 giải thưởng khoa học hàng đầu - bao gồm Giải Nobel, Giải Fields cho toán học và Giải Robert Koch cho khoa học y sinh - được trao cho 2.011 nam giới và 262 phụ nữ từ năm 2001 đến năm 2020.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 2/3 trong 141 các giải thưởng danh giá này đã ít nhất một lần vinh danh các nhà khoa học nữ, tăng từ 30% trong giai đoạn 2001 - 2005. Số giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ chiếm 19% tổng số giải thưởng trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ 19% này thấp hơn so với tỷ lệ giáo sư nữ trong cùng thời kỳ, Meho nhận thấy, cho thấy nhà khoa học nữ không được đại diện một cách tương xứng trong các giải thưởng khoa học hàng đầu.

Và kể từ năm 2001 đến nay, vẫn còn 16% các giải thưởng, tương đương 22 trong số 141 giải, chưa từng vinh danh nhà khoa học nữ; trong khi 2 trong số 22 giải thưởng nàyđược đặt tên theo các nhà khoa học nữ.

Tất cả 141 giải thưởng khoa học hàng đầu này thường trao dựa trên các đề cử và quyết định của một hội đồng giải thưởng gồm những người từng nhận giải trước đó. Mặc dù nghiên cứu không xem xét nguyên nhân của sự thiên lệch giới tính trong các giải thưởng, nhưng Miho cho rằng nguyên nhân không nằm ở chất lượng hoặc số lượng nghiên cứu của các nhà khoa học nữ, mà do sự thiên vị ngầm khiến cho các nhà khoa học nữ ít được nhìn nhận trong suốt quy trình đề cử và lựa chọn, cũng như việc các giải thưởng không chủ động nỗ lực giải quyết sự thiên vị ngầm này.

Những người chiến thắng tại Giải thưởng L'Oreal-UNESCO dành cho Phụ nữ trong Khoa học Quốc tế năm 2016. Từ trái sang phải: Jennifer Doudna, Hualan Chen, Andrea Gamarnik, Quarraisha Abdool Karim và Emmanuelle Charpentier.

Những phát hiện của Meho nhất quán với các nghiên cứu trước đây cho thấy các giải thưởng khoa học dành cho giai đoạn đầu sự nghiệp ít thiên lệch về giới tính, nhưng khi mức độ uy tín và danh giá của các giải thưởng tăng lên, khoảng cách giới tính cũng tăng theo. Các nghiên cứu đã có cũng cho thấy phụ nữ có tỷ lệ xuất bản và trích dẫn tương đương với nam giới, nhưng có xu hướng có sự nghiệp ngắn hơn và xuất bản ít bài báo hơn với tư cách là tác giả chính.

Vấn đề hệ thống

Bas Hofstra, nhà xã hội học tính toán tại Đại học Radboud ở Nijmegen, Hà Lan, nói rằng vấn đề này có gốc rễ sâu xa. Sự thiên lệch, đặc biệt là ở các cấp đánh giá cao nhất, củng cố một hệ thống ngầm đánh giá thấp phụ nữ cũng như các nhóm thiểu số khác. “Ngay từ đầu sự nghiệp của họ, phụ nữ ít được công nhận hơn," Hofstra nói.

Theo Nalini Joshi, nhà toán học tại Đại học Sydney, Úc, có thể cải thiện việc sắp xếp các hội đồng giải thưởng theo hướng đa dạng hơn, không chỉ bao gồm những người nhận giải thưởng trước đây, để tránh thiên lệch về giới tính.

Hans Petter Graver, chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương Na Uy ở Oslo, nơi quản lý Giải Abel về toán học và Giải Kavli về vật lý thiên văn, khoa học nano và khoa học thần kinh, cho biết kết quả nghiên cứu mới là "một tín hiệu nhắc nhở các tổ chức trao các giải thưởng khoa học uy tín phải hành động nhiều hơn để đảm bảo tính đa dạng”. Graver cho biết, các hội đồng giải thưởng Abel và Kavli đã đạt được sự bình đẳng về giới tính.

Nguồn: