Trẻ sơ sinh có bố dùng Metformin trước thời điểm thụ thai có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với những trẻ khác, tùy theo dạng dị tật, theo một nghiên cứu lớn của Đan Mạch.
Việc sử dụng metformin, hợp chất tổng hợp làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy với insulin, đã tăng vọt cùng với bệnh béo phì và tiểu đường loại 2. Theo một
nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Pharmaceuticals, metformin là thuốc điều trị tiểu đường phổ biến nhất trên toàn thế giới, có mặt trong 45–50% số đơn thuốc tiểu đường và được hơn 150 triệu người sử dụng mỗi năm. Trước đây, người sử dụng metformin thường là người lớn tuổi, nhưng ngày càng có nhiều nam giới trong độ tuổi sinh sản mắc tiểu đường và sử dụng thuốc này. Tại Mỹ, chẩn đoán tiểu đường loại 2 ở người từ 18 đến 49 tuổi đã tăng từ dưới 2.200 vào năm 2000 lên 768.000 vào năm 2015.
Vì số người dùng lớn và không ngừng tăng, ngay cả khi tỷ lệ dị tật tăng nhẹ cũng có nguy cơ trở thành một nguồn phơi nhiễm rất lớn cho các thế hệ tiếp theo, theo Germaine Buck Louis, nhà dịch tễ học sinh sản tại Đại học George Mason, người đã viết một bài xã luận đi kèm với nghiên cứu mới trên
Annals of Internal Medicine.
Metformin được sử dụng từ những năm 1950, nhưng đây là nghiên cứu lớn đầu tiên phân tích tác động di truyền đối với dị tật bẩm sinh ở người. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Đan Mạch đã phân tích hồ sơ của hơn 1,1 triệu trẻ sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1997 đến năm 2016. Dữ liệu y tế của Đan Mạch cho phép kết nối dữ liệu về ca sinh, dị tật bẩm sinh và lịch sử đơn thuốc metformin của người bố.
Trong nhóm 1.451 trẻ sơ sinh có bố được kê đơn metformin trong 90 ngày trước khi thụ thai (thời kỳ tạo tinh trùng), tỷ lệ dị tật bẩm sinh là 5,2%. Trong khi đó, trong nhóm trẻ sơ sinh không phơi nhiễm, tỷ lệ dị tật bẩm sinh chỉ là 3,3%. Có nghĩa là tỷ lệ dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật bộ phận sinh dục, tiêu hóa, tiết niệu và tim, cao hơn 1,4 lần. (Kết quả đã được tinh chỉnh để loại trừ yếu tố tuổi của bố mẹ và các yếu tố khác.)
Một y tá đo lượng đường trong máu ở một người đàn ông mắc bệnh tiểu đường ở Paris.
Riêng đối với dị tật bộ phận sinh dục, tỷ lệ dị tật chỉ tăng ở bé trai sơ sinh, nhưng mức tăng rất lớn: trong nhóm bị phơi nhiễm, 0,9% bị dị tật bộ phận sinh dục - so với 0,24% ở nhóm không bị phơi nhiễm - có nghĩa là tỷ lệ dị tật bộ phận sinh dục cao gấp 3,39 lần.
Thuyết phục hơn nữa, tỷ lệ dị tật không tăng ở nhóm anh chị em ruột không bị phơi nhiễm của những trẻ sơ sinh phơi nhiễm metformin. Tỷ lệ dị tật cũng không tăng ở nhóm trẻ sơ sinh có người bố bị tiểu đường nhưng không sử dụng metformin. Tất cả những phát hiện đó góp phần khẳng định tác động của thuốc đối với quá trình hình thành tinh trùng, chứ không phải tác động của bệnh tiểu đường hoặc một yếu tố nội tại khác ở nam giới.
Đáng mừng là các nhà nghiên cứu không thấy tỷ lệ dị tật gia tăng ở trẻ sơ sinh có bố dùng metformin ngoài thời hạn 90 ngày sản xuất tinh trùng.
Tuy nhiên, Buck Louis và một số người khác đã đọc nghiên cứu này nhấn mạnh, những phát hiện mới đang ở mức sơ bộ, mang tính quan sát và cần được chứng thực. Vẫn có khả năng các yếu tố ngoài metformin đã ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, chẳng hạn như mức độ bệnh hoặc mức độ béo phì giữa những người dùng và không dùng metformin, hoặc giữa thời điểm dùng và không dùng thuốc.
Các nhà khoa học cũng chưa thể xác định chắc chắn cơ chế metformin ảnh hưởng đến tinh trùng. Các nghiên cứu trên cá và chuột cho thấy metformin có thể làm gián đoạn sự phát triển của cơ quan sinh sản nam giới, và một nghiên cứu nhỏ cho thấy metformin làm giảm nồng độ testosterone trong huyết thanh ở nam giới.
Vì những điểm chưa chắc chắn này, cần thận trọng khi rút ra kết luận từ nghiên cứu mới, theo các nhà nghiên cứu. Russell Kirby, nhà dịch tễ học dị tật bẩm sinh tại Đại học Nam Florida, cho biết: “Nghiên cứu này chỉ ra vấn đề, chứ không phải là kết luận. Chắc chắn sẽ cần các nghiên cứu bổ sung."
Những người đàn ông mắc bệnh tiểu đường không nên ngừng sử dụng metformin đột ngột trước khi có ý định sinh con. “Metformin là một loại thuốc an toàn, rẻ tiền và làm đúng chức năng của nó," Maarten Wensink, nhà dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Nam Đan Mạch, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết. “Bất kỳ sự thay đổi nào về sử dụng thuốc đều là một quyết định phức tạp và các cặp vợ chồng nên tham vấn bác sĩ."
Nguồn: