Ngoài tiêm chủng, vẫn chưa rõ các liệu pháp điều trị COVID-19 hiện nay có giúp giảm nguy cơ bị COVID kéo dài hay không.
Nhiều nhóm đang nghiên cứu tác động lâu dài của các phương pháp điều trị đối với COVID-19.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của COVID kéo dài: các ổ chứa virus còn tồn tại trong cơ thể, hệ miễn dịch tự tấn công cơ thể, hoặc tình trạng đông máu. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng các yếu tố này kết hợp với nhau gây ra các di chứng kéo dài hơn ba tháng sau khi khỏi bệnh.
Đến nay, vaccine vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa COVID kéo dài bởi vì vaccine làm giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 ngay từ đầu; và một số nghiên cứu, dù có kết quả không nhất quán, vẫn cho thấy vaccine có xu hướng làm giảm khoảng một nửa nguy cơ COVID kéo dài nếu nhiễm bệnh sau khi tiêm chủng. Ví dụ, theo một nghiên cứu mới, vaccine làm giảm 41% nguy cơ phát triển các triệu chứng hậu COVID ở hơn 3.000 người tham gia tiêm hai mũi vaccine và sau đó nhiễm COVID-19.
Ngoài tiêm chủng, vẫn chưa rõ các liệu pháp điều trị COVID-19 hiện có ảnh hưởng đến nguy cơ COVID kéo dài hay không.
Về lý thuyết, nếu một loại thuốc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh thì có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các di chứng. Nhưng COVID kéo dài không phải lúc nào cũng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính, một số người bị suy nhược nghiêm trọng, dù bệnh nhẹ hoặc gần như không triệu chứng.
Hiện đang có một số nghiên cứu tìm hiểu tác dụng của việc điều trị sớm bằng thuốc chống virus đối với COVID kéo dài. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng có tên PANORAMIC kiểm tra tác dụng của thuốc kháng virus đường uống Molnupiravir do Merck sản xuất. Tác dụng chống COVID kéo dài không phải là mục tiêu chính của nghiên cứu, nhưng PANORAMIC thu thập dữ liệu từ những người tham gia vào thời điểm 3 tháng và 6 tháng sau khi điều trị bằng thuốc. Tương tự, thử nghiệm thuốc Paxlovid của Pfizer cũng có giai đoạn theo dõi 6 tháng. Thử nghiệm SOLIDARITY của WHO sẽ sớm có kết quả theo dõi những bệnh nhân COVID-19 nhập viện và được điều trị bằng thuốc chống virus Remdesivir, thời gian theo dõi là một năm. Tất cả những thử nghiệm này sẽ giúp xác định liệu các loại thuốc trên có tác dụng chống COVID kéo dài hay không.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học lâm sàng Kari Tikkinen Đại học Helsinki, nhà khoa học tham gia thử nghiệm SOLIDARITY, cảnh báo, không thử nghiệm nào trong số nêu trên có đủ người tham gia để đưa ra câu trả lời rõ ràng về tác dụng chống COVID kéo dài của thuốc. Chẳng hạn, thử nghiệm Remdesivir của nhóm Tikkinen chỉ có khoảng 350 bệnh nhân tham gia.
Một thử nghiệm lớn hơn ở Anh, có tên là HEAL-COVID, đang thử nghiệm hai loại thuốc nhắm vào hệ thống tim mạch ở những người đã nhập viện vì COVID-19. Một là chất chống đông máu apixaban. Loại còn lại là atorvastatin, thuốc giảm cholesterol được cho là có tác dụng giảm viêm trong các mạch máu. HEAL-COVID sẽ kiểm tra tác động của hai phương thuốc này đến số lần tái nhập viện và tử vong trong một năm sau khi bệnh nhân COVID-19 xuất viện lần đầu tiên.
Các triệu chứng hậu COVID nghiêm trọng đến mức trong vòng 6 tháng sau lần xuất viện đầu tiên, gần 1/3 số bệnh nhân phải tái nhập viện, và 12% tử vong, theo các nhà nghiên cứu thực hiện thử nghiệm HEAL-COVID. Nhóm HEAL-COVID cho rằng các vấn đề liên quan đến đông máu, tim và phổi là các nguyên nhân có khả năng gây tái nhập viện và tử vong cao nhất.
Các nhà nghiên cứu lạc quan, sắp tới sẽ có thêm nhiều kết quả về thuốc điều trị và COVID kéo dài, nhưng nhấn mạnh không nên suy luận quá nhiều dựa trên các thử nghiệm nhỏ, vì kết quả có thể không có ý nghĩa thống kê.
Nguồn: