Tháng 3/2020, khi đại dịch trở thành câu chuyện thời sự lớn nhất trên thế giới, nhiều nhà khoa học trở thành những cái tên quen thuộc chỉ sau một đêm. Nhưng nhiều người cũng trở thành mục tiêu của các hành vi quấy rối và đe dọa nghiêm trọng chưa từng thấy.

Cố vấn Y tế Trưởng Chris Whitty của Vương quốc Anh bị hai người tấn công trong một công viên ở London. Nhà sinh thái bệnh học Peter Daszak của EcoHealth Alliance nhận được một lá thư có chứa chất bột màu trắng nghi chứa bào tử bệnh than. Nhà virus học người Bỉ Marc Van Ranst và gia đình được cảnh sát chuyển đến một ngôi nhà an toàn sau khi bị một cựu binh sĩ đe dọa.

Để hiểu rõ hơn về mức độ đe dọa đối với các nhà khoa học, tạp chí Science đã khảo sát gần 9.600 nhà nghiên cứu từng xuất bản các công trình về COVID-19. Trong số 510 người trả lời, 38% cho biết gặp phải ít nhất một kiểu tấn công, từ lăng mạ đến dọa giết, qua phương tiện truyền thông xã hội, qua email hoặc điện thoại, hoặc thậm chí trực tiếp.

Hầu hết các nhà nghiên cứu nói chuyện với Science về vấn đề này đều từ chối bình luận về tác động của việc quấy rối và đe dọa đối với cuộc sống của họ, vì lo ngại thúc đẩy thêm hành vi quấy rối. Nhưng trong khảo sát, các nhà nghiên cứu bị quấy rối thường cho biết họ căng thẳng, lo lắng, sợ mất an toàn và mất năng suất làm việc. Các tác động khác, cực đoan hơn, bao gồm lạm dụng chất kích thích hoặc chấn thương tâm lý liên quan đến căng thẳng.

Ảnh minh họa.

Kết quả này nhìn chung phù hợp với các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi quấy rối đang ảnh hưởng đến khoa học và y tế. Theo một khảo sát tương tự doNaturecông bố vào tháng 10/2021, 81% trong số 321 nhà khoa học thường xuyên thảo luận về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông cho biết bị quấy rối. Khác biệt là lần nàySciencekhảo sát cả các nhà nghiên cứu COVID-19 không tiếp xúc với phương tiện truyền thông, và kết quả chỉ ra, số nhà khoa học bị quấy rối vẫn nhiều, nhưng ít hơn so với kết quả từ Nature.

Hơn một nửa số nhà nghiên cứu COVID-19 bị quấy rối trong khảo sát của Science cho biết đây là lần đầu tiên họ gặp phải tình trạng này, và 31% cho biết đại dịch đã làm tăng tình trạng quấy rối. Từ các kết quả nêu trên, có thể thấy các trường hợp quấy rối có xu hướng tăng khi các nhà khoa học tiếp xúc nhiều hơn với truyền thông trong thời gian xảy ra đại dịch.

Các cá nhân không thể tự giải quyết vấn đề bị quấy rối hoặc đe dọa. “Chúng ta có xu hướng nhận thức sai đây là một vấn đề cá nhân, khi nó hoàn toàn là một vấn đề xã hội hoặc một vấn đề công cộng,” Alice Marwick, nhà nghiên cứu giao tiếp tại Đại học Bắc Carolina, người đã làm việc với các nạn nhân bị quấy rối, nói. Các trường đại học khuyến khích nhà nghiên cứu tiếp xúc với truyền thông cần hiểu rằng đây là một môi trường có thể có nhiều tác động, Marwick nói thêm, trong khi đó các tổ chức thường không hỗ trợ các nhà nghiên cứu bị quấy rối.

Khảo sát của Science cho thấy chưa đến 10% các nhà nghiên cứu COVID-19 bị quấy rối nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý, công nghệ, an ninh hoặc sức khỏe tâm thần từ người sử dụng lao động của họ. Những người được hỏi cho biết họ hy vọng - nhưng không nhận được - sự giúp đỡ từ các văn phòng báo chí của trường đại học. Nhiều người còn cho biết họ muốn được hỗ trợ về mặt tinh thần: được đảm bảo rằng họ không có lỗi và công việc của họ là có giá trị. “Các tổ chức đã không đầu tư nguồn lực để bảo vệ những người là trung tâm của các nỗ lực khoa học," nhà khoa học xã hội tính toán J. Nathan Matias tại Đại học Cornell, nói.

Các nhà khoa học cũng cho rằng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Twitter có thể làm được nhiều hơn hiện nay trong việc kiểm duyệt các nội dung quấy rối. Chẳng hạn, khi một nhà khoa học phản hồi các bình luận quấy rối, thuật toán sẽ càng có xu hướng cho họ tiếp xúc với các nội dung tương tự. Một số nhà khoa học bị quấy rối cho biết việc chặn người dùng quấy rối không có hiệu quả, vì càng gây thù ghét và người quấy rối sẽ tiếp tục lập tài khoản ảo. Nhiều người phải tự tìm cách bảo vệ bản thân bằng cách xóa hoàn toàn các tài khoản mạng xã hội, tránh tiếp xúc truyền thông, không đưa ra lời khuyên về chính sách hoặc tăng cường an ninh tại nhà.

Nhưng xét cho cùng, sự lạm dụng bắt nguồn từ các vấn đề xã hội khác, theo Kolina Koltai, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch tại Đại học Washington. Khi đại dịch xảy ra, một số đông người dân mất niềm tin vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe và chính phủ. “Nếu không giải quyết những vấn đề xã hội lớn khiến mọi người cảm thấy như họ không được lắng nghe, bị gạt bỏ, hoặc cảm thấy như họ bị đối xử không tương xứng, chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ được sự quấy rối mà các nhà khoa học phải đối mặt," Koltai nói.

Nguồn: