Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm hơn 200.000 liều vắcxin phòng bệnh tai xanh đạt yêu cầu vô trùng và an toàn tuyệt đối với thời gian bảo vệ là 4 tháng. Dự kiến trong năm tới, sản phẩm này sẽ được đưa ra thị trường.

Vắcxin nội hiệu lực cao

Bệnh tai xanh - còn gọi là hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn - là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn, ảnh hưởng đến công tác chăn nuôi lợn nói chung và lợn nái nói riêng. Tiêm vắcxin là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tai xanh.

Tuy nhiên, một số loại vắcxin chế từ chủng virus của nước ngoài khi dùng ở Việt Nam lại chưa mang đến hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là chủng virus dùng để sản xuất vắcxin ở nước ngoài có đặc tính sinh học, đặc tính kháng nguyên khác với các chủng virus đang đang lưu hành tại Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, dự án khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia “Công nghệ sản xuất vắcxin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn” được triển khai, với sự chủ trì của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây là dự án nằm trong chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 - một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tiến sỹ Trịnh Đình Thâu đang nghiên cứu sản xuất chủng vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn. Ảnh: Phượng Hằng
Tiến sỹ Trịnh Đình Thâu đang nghiên cứu sản xuất chủng vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn. Ảnh: Phượng Hằng

Trong giai đoạn đầu (từ tháng 12/2014 đến tháng 1/2017), dự án đã tuyển chọn thành công 3 chủng virus cường độc (gồm KTY-PRRS-06, KTY-PRRS-07, KTY-PRRS-08) với độ vô trùng, thuần khiết đạt 100%. Vắcxin cũng đạt được sự ổn định về đặc tính sinh học và sinh học phân tử sau 5 lần cấy truyền trên môi trường tế bào, tính độc trên động vật thí nghiệm và tính kháng nguyên.

Ngoài ra, dự án cũng xây dựng thành công quy trình tạo chủng giống gốc virus tai xanh cường độc, tạo thành công 3 chủng tai xanh nhược độc (KTY-PRRS-04, KTY-PRRS-09 và KTY-PRRS-05).

Đặc biệt, dự án cũng đã đăng ký 9 trình tự gene các chủng giống virus tại Ngân hàng gene thế giới và sản xuất được 209.000 liều vắcxin có hiệu lực 80% (tức là ít nhất 80% số lợn được tiêm vắcxin sẽ chống lại được sự tấn công của virus) và thời gian thuốc có hiệu lực ít nhất là 4 tháng.

“Từ các chủng giống được tạo và chủng giống virus nghiên cứu được, nhóm nghiên cứu có thể sản xuất ra các loại vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn. Ưu điểm của nghiên cứu này là tạo ra chủng giống gốc để sản xuất vắcxin phân lập của Việt Nam, ổn định tất cả các mặt về đặc tính sinh học, đặc tính sinh học phân tử, đặc tính kháng nguyên... So với vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn do nước ngoài sản xuất, vắcxin trong nước có tỷ lệ tương đồng kháng nguyên với virus gây bệnh cao hơn” - tiến sỹ Trịnh Đình Thâu - Trưởng khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm đề tài - cho biết.

Vắcxin trên cũng đã được thử nghiệm ở chuột và lợn. Kết quả cho thấy, virus chọn ra được bảo đảm sự an toàn, thuần khiết và có tính suy yếu miễn dịch tốt, có khả năng bảo hộ tốt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với việc sản xuất sản phẩm vắcxin hiệu quả cao, đáp ứng được khả năng phòng, chống bệnh lợn tai xanh.


Hiệu quả kinh tế lớn

Về hiệu quả kinh tế, vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn do Việt Nam sản xuất có giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/liều; trong khi đó, vắcxin ngoại nhập có giá cao gấp 2-3 lần, từ 60.000-80.000 đồng/liều. Điều có ý nghĩa hơn cả của nghiên cứu này là từ đây, Việt Nam có thể chủ động được nguồn vắcxin phòng bệnh cho vật nuôi mà không phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu - vốn nhiều biến động.

Tiến sỹ Thâu nói thêm: “Hiện vắcxin phòng bệnh tai xanh đang trong giai đoạn sản xuất thử và chuẩn bị chuyển giao cho doanh nghiệp tự sản xuất. Dự kiến năm 2018, sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Sau nghiên cứu này, chúng tôi sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã đạt được để sản xuất thêm các loại mới như vắcxin tái tổng hợp”.

Theo các chuyên gia, việc sản xuất thành công vắcxin phòng bệnh tai xanh ở lợn mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi và ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần chủ động được nguồn vắcxin, giảm giá thành sản phẩm.