Mỹ thuật Ứng dụng đang gặp phải những khó khăn trong việc thu hút được sự tham gia của các nhà thiết kế và các nghệ nhân trong nước. Tất cả những khó khăn này đều quy về một rào cản cần được giải quyết trước hết, đó chính là tên gọi của lĩnh vực này: Mỹ thuật Ứng dụng

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 tại Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 tại Bảo tàng Hà Nội.

Đó chính là điều mà các đại biểu đã trao đổi cùng nhau tại buổi tọa đàm “Mỹ thuật Ứng dụng ở Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức vừa qua.

Tranh cãi thiết kế hay design

Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, nêu rõ: “Mỹ thuật Ứng dụng: Là nhóm ngành, nghề đào tạo tập trung vào việc ứng dụng mỹ thuật vào thiết kế các công trình dân dụng và công nghiệp và các loại hình nghệ thuật.” tách bạch với nhóm ngành nghề Mỹ thuật, “là nhóm ngành, nghề đào tạo tập trung vào lý thuyết, lịch sử và thực hành mỹ thuật bằng các hình thức, phương tiện, trên các chất liệu khác nhau.”

Thế nhưng cái tên “Mỹ thuật Ứng dụng” lại chính là rào cản đầu tiên hạn chế sự phát triển của lĩnh vực này. Theo ông Ngô Anh Cơ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, điều này ảnh hưởng đến việc thu hút các cơ sở sản xuất, các trung tâm thiết kế đến tham dự buổi triển lãm. Bởi lẽ tên gọi triển lãm này không đủ khả năng hấp dẫn những người làm nghề thiết kế và nghệ thuật thủ công, họ không hiểu thuật ngữ “Mỹ thuật Ứng dụng” là dành cho những đối tượng nào.

Ông đề xuất phương án giải quyết: “Tôi nghĩ nên đổi cái tên này, bước đầu thì chúng ta có thể chia đôi ra. Trong triển lãm lần tới, chúng ta sẽ có một ‘Triển lãm Thiết kế’ riêng, hay chúng ta có thể gọi với cái tên đã được quốc tế hóa, đó là ‘Design’, và ‘Triển lãm về nghệ thuật thủ công’. Bởi vì khi chúng ta đặt ra hai cái tên triển lãm như vậy, chúng ta sẽ không chỉ thu hút được những đối tượng cụ thể, mà còn xây dựng được bộ tiêu chí rất rõ ràng.”

Cần thiết phải có một bộ tiêu chí rõ ràng đối với từng lĩnh vực, bởi những yêu cầu đối với thiết kế khác hẳn với những yêu cầu khi thẩm định một sản phẩm thủ công, thậm chí là có phần đối chọi nhau. Cái đẹp của thủ công mỹ nghệ là khai thác được chất liệu, kỹ năng tinh xảo và nghệ thuật trang trí, cũng như bộc lộ được sức sáng tạo của nghệ nhân ở trong đó. Sản phẩm công nghiệp thì đặt công năng lên hàng đầu, kèm với đó là sự tiện dụng trong quá trình sử dụng, dễ chế tạo và tối giản. “Có thể cái tên không đồng nghĩa với việc là tạo ra được một cú hích, nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đã lúng túng với cái tên này được 10 năm, thì tôi nghĩ việc đổi tên là cần thiết, vì cái tên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này.” – ông Ngô Anh Cơ chia sẻ.

Cùng quan điểm với ông Ngô Anh Cơ về việc đổi tên như là một cách để góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này, nhưng một đại biểu lại đề xuất tên gọi khác: “Nhắc đến mỹ thuật mà không nói đến các nhà sản xuất là một điều thiếu sót. Tôi không đồng tình với việc dùng từ ‘design’ của nước ngoài rồi áp vào cho Việt Nam, mà tôi thấy từ ‘thẩm mỹ công nghiệp’ là phù hợp hơn bởi vì nó cân bằng được giữa nghệ thuật và kỹ thuật.”

Thêm vào đó, việc phải đổi tên thuật ngữ này không chỉ bởi sự nhập nhằng trong các lĩnh vực nhỏ hơn, mà còn vì nó sẽ gây ra những nhầm lẫn về mặt khái niệm. “Chúng ta đang bị giới hạn ở thuật ngữ Mỹ thuật Ứng dụng. Khi nói đến Mỹ thuật Ứng dụng thì chúng ta nghĩ ngay đến việc mỹ thuật có trước và đang ứng dụng nó vào trong các lĩnh vực khác, và điều này hoàn toàn trái với thực tế.” – họa sĩ, chuyên gia Thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều cho biết.

Để thay đổi một tên gọi đã tồn tại nhiều năm, chắc chắn các chuyên gia trong lĩnh vực này cần phải trao đổi thêm để có thể tìm ra được một phương án hợp lý nhất. Nhưng trong thời gian sắp tới, khi vẫn chưa có được một tên gọi chính thức, chúng ta cũng cần phải có một phương án tạm thời. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), cho biết sẽ cân nhắc tất cả những ý kiến mà các đại biểu đã đưa ra trong buổi tọa đàm. Đồng thời, ông đề xuất: “Nếu vẫn chưa thể thống nhất được một tên gọi khác, thì trong triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc kế tiếp, chúng tôi sẽ làm một triển lãm chuyên đề về design và sẽ có một triển lãm chuyên đề về thủ công mỹ nghệ.”

Cần có sự thay đổi về mặt nhận thức

Khi đã tách bạch giữa các mảng trong lĩnh vực này, đòi hỏi cần có một văn bản cụ thể để có thể đưa ra được những định hướng phát triển một cách lâu dài. Bởi, hiện nay việc quản lý lĩnh vực thiết kế liên quan đến rất nhiều ban ngành: từ Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến Phòng Thương mại và Phát triển Việt Nam… Thế nhưng, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào đề cập đến vai trò và vị trí của thiết kế trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Ông Ngô Anh Cơ cho biết: “Chúng ta chưa bao giờ đề cập đến design trong vấn đề phát triển. Các hiệp hội thiết kế Hàn Quốc có cả những hiệp hội đang làm ở Việt Nam, và các doanh nghiệp FDI của họ đều có phòng thiết kế riêng. Tức là họ đề cao rất rõ vai trò của thiết kế trong vấn đề phát triển. Vậy mà chúng ta hoàn toàn ‘trắng tay’ với việc đó. Chúng ta thiếu sự quy tụ, tập hợp lại những người làm trong lĩnh vực này. Chúng ta đang bị vướng ở cơ chế.”

Cần có sự kết hợp để thay đổi được nhận thức của những người hoạt động trong lĩnh vực này cũng như những nhà lãnh đạo. Theo ông Vi Kiến Thành, rất nhiều năm ông muốn đề xuất làm Luật Mỹ thuật, trong luật này sẽ bao hàm tất cả các lĩnh vực của mỹ thuật, trong đó có mỹ thuật tạo hình, thiết kế, thủ công. “Về mặt lý thuyết, chúng ta phải có cơ sở pháp lý, văn bản quản lý nhà nước để thể hiện được sự chỉ định, quan tâm của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Cái khó nhất là chúng ta phải làm sao để Quốc hội nhận thức được vai trò của mỹ thuật, cho thấy được lĩnh vực này rất cần Bộ luật.”

Chính vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của mỹ thuật, nên việc triển khai, áp dụng cũng gặp phải một số vấn đề. Một khi đã có được Bộ luật, rất nhiều vấn đề nan giải trong lĩnh vực này sẽ được giải quyết phần nào, một trong số đó là việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” và “Nghệ nhân ưu tú”... Cho đến nay, việc phong tặng vẫn đầy nhập nhằng, khi mà cả Bộ VHTT&DL và Bộ Công thương cùng nhau trao tặng danh hiệu này.

Ông Vũ Hy Thiều chia sẻ: “Tôi kiến nghị rất nhiều lần rằng việc khen thưởng nghệ nhân nên tập trung giao về cho Bộ VHTT&DL. Theo quan niệm cũ, có hai cách khen thưởng cho người thợ thủ công. Thứ nhất là huy chương Bàn tay Vàng cho những thợ cực kỳ giỏi về tay nghề. Còn thứ hai, nếu người thợ giỏi có năng lực sáng tạo, sáng tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì lúc đó mới được phong nghệ nhân. Thế nhưng rất tiếc vì lúc đó Bộ Văn hóa không giao việc này cho Cục Mỹ thuật, mà lại giao cho Cục Di sản, Cục Di sản thì cứ bám vào khái niệm vật thể và phi vật thể. Thế là các nghệ nhân liền bảo: ‘Tôi sống sờ sờ đây mà lại bảo tôi là di sản!’ Sau đó, Bộ Công thương cũng kiến nghị rằng thủ công mỹ nghệ thuộc lĩnh vực sản xuất, và thế là Bộ Công thương cũng được tham gia vào việc xét tặng. Có một điều tôi không đồng tình, đó là hội đồng xét nghệ nhân do Bộ Công thương tổ chức, không có một họa sĩ nào cả!”

Cũng theo các đại biểu, họ không tán thành với cung cách của hội đồng xét duyệt khi đến thăm nhà nghệ nhân. Bởi một tác phẩm được các nghệ nhân làm đầy tỉ mỉ trong vòng 6, 7 tháng trời, thế nhưng, khi các thành viên hội đồng xét duyệt đến thì chỉ đến trong 10 phút và đáp lại nghệ nhân bằng một cái lắc đầu, hoặc một cái gật đầu. “Cả một cái đẹp đâu nằm trong từng đấy phút đâu.” – một đại biểu chia sẻ.

Các đại biểu mong rằng trong thời gian tới, việc phong tặng nghệ nhân sẽ được trao cho Cục Mỹ thuật tiến hành. Bởi lẽ, họ sẽ có những cách đánh giá tác phẩm toàn diện hơn trên phương diện mỹ thuật, cũng như dành cho các nghệ nhân một sự tôn trọng trên phương diện là những người cùng sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật.

Cũng trong buổi tọa đàm, các đại biểu đã đặt câu hỏi về vai trò của Hiệp hội Design, vì dường như lĩnh vực này đang bị buông thả, không có một đơn vị nào tham gia quản lý. Ông Vi Kiến Thành cho biết: “Thực ra chức năng và nhiệm vụ của Hiệp hội này khi được thành lập thì rất lớn, và có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống của Mỹ thuật Ứng dụng. Nhưng 8 năm qua, từ khi thành lập, đúng là họ chưa làm được gì đáng để nói đến cả. Cần tăng cường, củng cố vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Design trong lĩnh vực Mỹ thuật Ứng dụng.”