Các nhà khoa học đã tìm thấy một thành phố cổ của Đế quốc Khmer bị khuất lấp dưới rừng rậm dày đặc trong nhiều thế kỷ.
Những phế tích của nền văn minh Angkor luôn là đề tài hấp dẫn giới nghiên cứu. Ảnh: Flickr.
Mahendraparvata, còn được mệnh danh là 'thành phố bị thất lạc của Campuchia', là một trong những thủ đô đầu tiên của Đế chế Khmer, một đế chế Phật giáo-Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á, kéo dài từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15 sau Công nguyên.
Các nhà khảo cổ học và sử học đã biết về sự tồn tại của Mahendraparvata trong nhiều thập kỷ, nhưng bằng chứng khảo cổ còn sót lại của thành phố thuộc đế chế Angkor cho đến nay vẫn vô cùng ít ỏi.
Trong một bài báo mới đây – thu thập kết quả của một chiến dịch nghiên cứu đầy tham vọng, kéo dài nhiều năm – một nhóm nghiên cứu quốc tế đã công bố những thông tin, mà theo họ là rõ ràng nhất về thủ đô thời kỳ đầu của Đế quốc Angkor, nhờ công nghệ quét laser trên không (Lidar). Sử dụng Lidar kết hợp với khảo sát dưới mặt đất, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ mạng lưới đô thị mở rộng mà theo họ là đã có từ thế kỷ thứ 9, nằm ở cao nguyên Phnom Kulen, về phía đông bắc của đô thành Angkor (kinh đô chính của Đế chế Khmer theo ghi chép lịch sử).
"Vùng núi Phnom Kulen cho đến nay rất ít được chú ý", các nhà nghiên cứu, do nhà khảo cổ học Jean-Baptiste Chevance thuộc Quỹ Khảo cổ học và Phát triển Anh đứng đầu, giải thích trong bài báo nghiên cứu của mình. "Thành phố này gần như biến mất hoàn toàn trong các bản đồ khảo cổ, ngoại trừ một số điểm được phân bố rải rác, biểu thị vị trí một số ngôi đền bằng gạch còn lại."
Trong những nỗ lực nghiên cứu bắt đầu vào năm 2012 và kéo dài đến năm 2017, nhóm nghiên cứu đã khởi động một loạt các chuyến bay khảo sát bằng công nghệ Lidar phía trên khu vực này, xây dựng một bản đồ rộng lớn gồm hàng ngàn di chỉ khảo cổ mới được phát hiện mà trước đó ẩn mình khỏi sự quan sát của con người – do hàng thế kỷ bị rừng che phủ.
"Người Khmer xưa đã cải tạo cảnh quan địa lý, định hình các công trình ở quy mô rất lớn – ao, hồ trữ nước, kênh đào, đường, đền đài, ruộng lúa,…" ông Chevance nói với Newsweek. "Nhưng việc khảo sát vô cùng khó khăn, bởi các tán rừng rậm rạp đã che phủ những khu vực cần tìm kiếm.”
Tuy nhiên, nhờ vào công nghệ Lidar từ trên không, nhóm nghiên cứu đã có thể có dữ liệu chụp xuyên qua thảm thực vật và bùn đất, những thứ đã che giấu Mahendraparvata khỏi tầm nhìn con người, từ đó khám phá ra một mạng lưới đô thị phức tạp gồm các công trình của thành phố được thiết kế theo hình ô bàn cờ và có diện tích lên tới 50km2.
Các nhà nghiên cứu giải thích: "Nhiều yếu tố khác của cảnh quan nhân tạo kết nối với mạng lưới rộng lớn này, cho thấy sự quy hoạch tổng thể đô thị công phu."
Mạng lưới đô thị phức tạp gồm các công trình của thành phố được thiết kế theo hình ô bàn cờ. Ảnh: Antiquity.
"Đập, tường hồ trữ nước và các bức tường bao quanh những đền đài, khu dân cư và thậm chí là cung điện hoàng gia tiếp giáp hoặc trùng khớp với các đường kẻ bao quanh."
Dù được thiết kế và xây dựng một cách công phu, kỹ lưỡng, thành phố cũng không tồn tại được lâu. Trong những năm sau đó, Đế quốc Khmer đã chuyển trung tâm quyền lực của mình sang một thành phố mới, Angkor, có lẽ vì nơi này có những điều kiện thuận lợi hơn để canh tác lương thực: ít đồi núi và khí hậu cũng thuận lợi hơn.
"Thành phố này có thể đã tồn tại trong thời gian không quá vài thế kỷ, hoặc thậm chí chỉ vài thập kỷ", một thành viên trong nhóm nghiên cứu, Damian Evans thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ, chia sẻ với New Scientist. "Nhưng giá trị văn hóa và tôn giáo của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay."