Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng chuyển hướng vào việc thúc đẩy các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), thì Việt Nam không ngoại lệ. Việc thúc đẩy ESG không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

.
.
Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa quen thuộc với ESG. Một ví dụ điển hình có thể thấy, dù dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực từng là điểm sáng với vị trí thứ hai thế giới nay phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn mà một trong nguyên nhân chính là do thiếu chuẩn bị đầy đủ cho ESG. Trong khi đó, đối thủ của Việt Nam là Bangladesh đã nhanh chóng vươn lên với 153 nhà máy đạt chuẩn LEED và 500 nhà máy đang theo đuổi chứng nhận này, đang đe dọa chiếm thị phần của Việt Nam.

Ví dụ điển hình tiếp theo là ngành xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam cũng gặp khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu giảm đến gần 30% trong năm 2023, chủ yếu do các quy định mới về nguồn gốc gỗ.Không chỉ gỗ phải truy xuất nguồn gốc, thị trường châu Âu sắp sửa áp hạn chế nhập khẩu cao su, cà phê trồng trên đất rừng (gọi tắt là EUDR), tạo ra thêm áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Những năm tới là thời điểm bản lề cho doanh nghiệp nâng cao năng lực để có thể bắt kịp cuộc chơi toàn cầu. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải đáp ứng được hơn 30 tiêu thức về ESG ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Người tiêu dùng cũng đang dịch chuyển, ưu tiên các sản phẩm có hàm lượng ESG cao.

Thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp, chúng ta sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi.

ESG - vẫn còn là bức tranh màu xám

Trong những năm gần đây, nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ chính phủ, và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao. Trong nhiều hội thảo cấp quốc gia mà tôi có dịp tham gia, trình bày, có thể thấy rõ các nhà quản lý đang nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệpáp dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các giải pháp hiệu quả.

Tôi cũng đã thấy một số điểm sáng, chẳng hạn trong nhiều vòng gọi vốn, các công ty khởi nghiệp đã cho nhà đầu tư thấy được những công nghệ tiên tiến như Trí thông minh nhân tạo, blockchain, IoT, v.v để giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể trong cộng đồng và doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, khi tham gia thực hành tiêu chuẩn ESG cũng tức là doanh nghiệp sẽ sử dụng chung “ngôn ngữ” quốc tế để bắt nhịp tăng trưởng xanh và bền vững.
Tuy vậy, nhìn toàn cảnh về bức tranh chuẩn bị cho ESG của doanh nghiệp Việt, vẫn còn nhiều màu xám. Trong khi từ nhiều năm trước các công ty đa quốc gia tại Việt Nam đã vạch ra lộ trình trung hòa carbon, và họ biết rõ chuẩn bị nguồn lực gì cho chuyển đổi, thì phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn rất bỡ ngỡ.

.
.
.

Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022, 66% doanh nghiệp cho biết đang triển khai chương trình ESG, 49% doanh nghiệp đã thiết lập cơ cấu quản trị các vấn đề ESG, 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị về các vấn đề ESG.Nhìn thoáng qua, có lẽ các doanh nghiệp đều có sự chuẩn bị. Nhưng nhìn sâu vào các con số, thực chất chỉ 28% doanh nghiệp có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai, 71% chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.

Trong quá trình cùng đội ngũ làm việc với các doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những thách thức mà các doanh nghiệp thường gặp phải khi chuẩn bị cho ESG:

Thiếu các quy định/ chính sách minh bạch: Việc thiếu các quy định rõ ràng và minh bạch là một thách thức không nhỏ đối với các công ty trong việc kết hợp các yếu tố ESG vào hoạt động của mình. Một kế hoạch ESG hiệu quả đòi hỏi nỗ lực phối hợp ở tất cả các cấp trong tổ chức. Bất kỳ lỗ hổng hoặc gián đoạn nào trong quá trình thực hiện ESG đều có thể lan truyền nhanh chóng trong xã hội, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin.

Khó khăn trong việc tích hợp ESG: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tích hợp các cân nhắc về ESG vào khuôn khổ doanh nghiệp hiện tại của họ. Việc thực hiện đánh giá và báo cáo ESG hàng năm theo các quy định đối với các công ty niêm yết đại chúng trên sàn chứng khoán sẽ phát sinh các khoản đầu tư về tài chính và nhân sự. Hơn nữa, để triển khai ESG hiệu quả, cần phải theo dõi và đánh giá liên tục các chỉ số hiệu suất để xác định vị trí của doanh nghiệp trên các thang đánh giá của ESG.

Thiếu kiến thức và năng lực: 60% doanh nghiệp chưa thực hiện bất kỳ cam kết ESG nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Sự hiểu biết và chuyên môn hạn chế về các vấn đề ESG đặt ra thách thức cho các công ty trong việc thực hiện hiệu quả các giải pháp môi trường.

Chất lượng Báo cáo ESG chưa rõ ràng, đáng tin cậy: Một số công ty gặp khó khăn trong việc khai báo thông tin đáng tin cậy liên quan đến các yếu tố ESG, ảnh hưởng đến uy tín và tính minh bạch của họ. Điều đó thường xuất phát từ vô vàn tiêu chuẩn khắt khe dành cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và thực hiện.

Để vượt qua những thách thức ấy, doanh nghiệp Việt nên hướng tới sự hiểu biết toàn diện về khuôn khổ ESG, phân bổ nguồn lực phù hợp và ưu tiên phát triển năng lực quản lý ESG.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hiện nay Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết về tính bền vững, được minh chứng bằng các sáng kiến như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và các cam kết được đưa ra tại COP26. Trong bối cảnh đó đã có chính sách liên quan đến thực hành ESG ra đời, như Thông tư số 96/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành yêu cầu báo cáo ESG đối với các công ty đại chúng và niêm yết tại Việt Nam.

Chính sách này vừa là “nguy cơ” nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, vươn mình ra thị trường rộng lớn hơn, khi mà sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm kiếm giải pháp bền vững ngày càng tăng. Ước tính hơn 3.800 quỹ đầu tư trên thế giới đang huy động được khoảng 121.000 tỷ USD để đầu tư vào các tài sản ESG.
Ngoài ra, việc hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và đối tác doanh nghiệp tập trung vào các sáng kiến ESG cũng có thể giúp các doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận và tác động của họ.

Việc nắm bắt các chính sách và xu hướng điều chỉnh thuế carbon tại các quốc gia châu Âu và các quốc gia phát triển cũng là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần. Mặc dù các quy định và chỉ thị này chủ yếu nhắm vào các công ty có trụ sở tại EU nhưng chúng cũng có thể tác động đến các công ty Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch tham gia vào chuỗi cung ứng của châu Âu. Cần phải nhận được thông tin về chỉ thị và tác động của họ, cũng như tham gia vào các diễn đàn thảo luận có liên quan ở giai đoạn đầu.

Bằng cách chủ động chuẩn bị và cung cấp dữ liệu cần thiết liên quan đến ESG cho các công ty châu Âu, các công ty Việt Nam có thể củng cố lợi thế cạnh tranh của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính xanh. Có thể kể một số chính sách “Xanh” của châu Âu mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt có thể theo dõi, nghiên cứu và nắm bắt cơ hội:

● Cam kết của EU trong việc chống biến đổi khí hậu được thể hiện rõ trong Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal). Kế hoạch toàn diện này đặt ra mục tiêu táo bạo là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C.

● Taxonomy Regulation - Nguyên tắc phân loại của EU và khuôn khổ tài chính bền vững rộng hơn hỗ trợ các thực thể xây dựng các kế hoạch và chiến lược chuyển đổi bền vững.

● Disclosure Framework - Khung công bố thông tin: Cơ chế công bố thông tin dành cho cả công ty tài chính và phi tài chính nhằm mục đích cung cấp cho nhà đầu tư thông tin cần thiết để đưa ra các quyết định đầu tư bền vững sáng suốt. Nền tảng của khuôn khổ này là Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững của Doanh nghiệp (CSRD). Các công ty niêm yết phải tuân thủ các quy định mới này từ năm tài chính 2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết phải tuân thủ đến năm tài chính 2026.

● Investment Tools - Công cụ đầu tư: EU đã xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn và nhãn hiệu cho các sản phẩm tài chính. Những công cụ này nâng cao tính minh bạch trên thị trường và giúp tổ chức tài chính điều chỉnh chiến lược đầu tư của họ phù hợp với các mục tiêu về khí hậu và môi trường của EU.

Theo quan sát của tôi, ESG là tiêu chuẩn hàng đầu hiện nay được các doanh nghiệp chú trọng theo sát các tiêu chuẩn báo cáo của quốc tế và cũng là tiêu chí đánh giá quan trọng của các nhà đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới của sự phát triển Xanh.Thông qua tận dụng những thế mạnh và lợi thế hiện có, các công ty hoàn toàn có thể khai thác thị trường đang phát triển cho những đổi mới tập trung xoay quanh ESG.
-----
Ths Huỳnh Công Thắng, Đồng sáng lập & CEO InnoLab Asia