Giả thuyết SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán vẫn tiếp tục nóng lên trong suốt mấy tuần qua. Mới đây, tạp chí Nature đã xem xét tổng quan cơ sở khoa học cho giả thuyết này.

Cho đến nay hầu hết các nhà khoa học cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên, lây từ động vật sang người. Tuy nhiên, vẫn chưa loại trừ khả năng một vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm và nhiều người đã kêu gọi điều tra sâu hơn về giả thuyết virus thoát ra từ Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán (WIV).

Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán đã tiến hành nghiên cứu trên coronavirus nhiều năm, vì đây là mầm bệnh phổ biến trong khu vực xung quanh. Ảnh: Kyodo News/Getty

Ngày 26/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã giao nhiệm vụ cho cộng đồng tình báo Hoa Kỳ tham gia tìm ra nguồn gốc SARS-CoV-2, và báo cáo lại sau 90 ngày. Australia, EU và Nhật Bản cũng kêu gọi một cuộc điều tra đủ thẩm quyền về nguồn gốc Trung Quốc của SARS-CoV-2. WHO vẫn chưa cho biết thông tin cụ thể về giai đoạn II của cuộc điều tra, nhưng Trung Quốc lại yêu cầu tiến hành tại các quốc gia khác. Sự thiếu nhiệt tình và quá khứ che đậy thông tin đã làm dấy lên nghi ngờ về giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm (trước đó, các nhà quản lý y tế công cộng của Trung Quốc đã từng giấu dữ liệu quan trọng khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và trong suốt đợt dịch SARS 2002-2004).

Chưa có bất kỳ bằng chứng đáng kể

Bởi các nhà khoa học chưa đủ bằng chứng loại trừ giả thuyết này, và họ cũng chưa chứng minh được một cách đầy đủ cho giả thuyết virus có nguồn gốc tự nhiên. Hầu hết các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm đều đồng ý kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus đã tiến hóa tự nhiên rồi lây sang người trực tiếp hoặc thông qua vật chủ trung gian như dơi. Hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới nổi như HIV, Ebola, SARS và MERS đều có chung cách thức lây tương tự.

Có một số manh mối chỉ ra nguồn gốc tự nhiên của virus. Dơi là vật chủ mang nhiều loại coronavirus và tháng ba năm 2020 các nhà khoa học đã giải trình tự gene và tìm thấy bộ gene của SARS-CoV-2 tương đồng nhất với gene của coronavirus RATG13 được tìm thấy trên loài dơi móng ngựa (Rhinolophus affinis) ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc năm 2013. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng trống, ở chỗ: bộ gene của RATG13 chỉ giống 96% với SARS-CoV-2, có thể một trung gian gần hơn với SARS-CoV-2 còn chưa được biết đến.

Như vậy, khả năng SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm vẫn còn bỏ ngỏ. Trước đây chưa từng có bệnh dịch nào do virus từ phòng thí nghiệm gây ra, nhưng việc bị lây lan ở mức độ nhỏ lẻ thì đã từng xảy ra trong quá khứ. Năm 2004, tại phòng thí nghiệm virus tại Bắc Kinh, một nghiên cứu viên nhiễm virus SARS và lây cho bảy người khác, rất may là sự việc đã được khống chế kịp thời.

Các nhà khoa học tìm ra họ hàng gần nhất của SARS-CoV-2 là RATG13, loại coronavirus trên dơi móng ngựa. Ảnh: Shutterstock

Các luận điểm chính ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là gì?

Về mặt lý thuyết, COVID-19 có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm theo một số cách. Các nhà nghiên cứu có thể thu thập SARS-CoV-2 từ động vật và bảo quản trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu, hoặc họ tạo ra SARS-CoV-2 nhờ công nghệ gene. Trong các tình huống này, giả sử một ai đó trong phòng thí nghiệm đã vô tình hoặc cố ý bị nhiễm virus, sau đó lây cho người khác, châm ngòi cho đại dịch. Hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh cho kịch bản này, nhưng không phải là không thể xảy ra.

Một số người phỏng đoán giả thuyết trên là đúng vì gần một năm rưỡi từ ngày đại dịch bùng phát, vẫn chưa tìm thấy SARS-CoV-2 trên động vật. Và không phải ngẫu nhiên mà nơi phát hiện đầu tiên là Vũ Hán, nơi đặt trụ sở của phòng thí nghiệm hàng đầu về nghiên cứu coronavirus là viện nghiên cứu virus Vũ Hán.

Một số khác chỉ ra những điểm bất thường trong trình tự gene của virus gợi ý nguồn gốc nhân tạo của nó. Và sự lây lan dễ dàng của virus là vì nó được tạo ra đúng với ý đồ muốn phát tán virus.

Một lập luận khác cho rằng SARS-CoV-2 bắt nguồn từ coronavirus trên dơi sống trong một khu mỏ bỏ hoang, nơi các nhà nghiên cứu của viện nghiên cứu virus Vũ Hán đến thu thập mẫu từ năm 2012 đến 2015.

Hãy tìm hiểu xem các nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và các nhà sinh học tiến hóa nói gì về những lập luận này.

Vật chủ trung gian lây truyền SARS-CoV-2?

Các cuộc điều tra nguồn gốc dịch bệnh thường mất nhiều năm mà không phải lúc nào cũng tìm ra được thủ phạm. 14 năm sau dịch SARS, người ta mới biết virus này bắt nguồn từ dơi lây sang người có thể thông qua trung gian là cầy hương. Còn virus gây dịch Ebola những năm 2013-1016 vẫn chưa từng được phân lập hoàn chỉnh trong mẫu lấy từ động vật.

Các cuộc điều tra như vậy thường rất khó khăn vì các đợt bệnh dịch trên các loài vật chủ trung gian truyền bệnh, chẳng hạn như cầy hương, thường là các trường hợp lẻ tẻ. Các nhà nghiên cứu phải tìm ra vật chủ trung gian phù hợp trước khi nó chết hoặc khỏi bệnh. Xét nghiệm dương tính thôi chưa đủ, họ còn phải tìm cách để giải trình tự toàn bộ gene của virus, điều vốn rất khó khăn vì hạt virus thường đã bị phân hủy trong mẫu nước bọt, phân hoặc máu.

Trong cuộc điều tra tìm hiểu về nguồn gốc SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã đạt được một số tiến bộ mới. Một bản thảo nghiên cứu đăng trên cơ sở dữ liệu bioRxiv ngày 27/5 vừa qua cho thấy coronavirus có tên RmYN02 trên dơi ở miền nam Trung Quốc có thể liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2 hơn cả RATG13.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu trên 80,000 loài động vật hoang dã và thuần hóa. Nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số loại động vật ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đã thu hẹp phạm vi tìm kiếm, chọn lọc thí nghiệm trên các loài động vật dễ bị nhiễm bệnh nhất và những loài tiếp xúc gần với con người. Họ cũng đề xuất xét nghiệm kháng thể để xác định con vật đã bị nhiễm virus trước đó. Kết quả: không có trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.

Điều đáng ngờ ở Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán?

Theo nhà virus học Vincent Munster từ Phòng thí nghiệm Rocky Mountain, Montana thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, các phòng thí nghiệm virus có xu hướng chuyên nghiên cứu các virus ở xung quanh. Nên Phòng thí nghiệm virus Vũ Hán tập trung vào coronavirus, loại được tìm thấy nhiều tại Trung Quốc, cũng là chuyện bình thường, tương tự các phòng thí nghiệm về cúm ở châu Á, về sốt xuất huyết ở châu Phi và châu Mỹ latinh.

Các nhà khoa học lưu ý Vũ Hán là thành phố rộng lớn, với hơn 11 triệu cư dân, cũng là nơi trước đây từng tìm thấy coronavirus. Thành phố có sân bay, ga tàu, nên hàng hóa và động vật hoang dã từ các chợ được vận chuyển khắp nơi trong khu vực. Có nghĩa là virus có thể từ nơi khác xâm nhập vào Vũ Hán rồi lây lan nhanh chóng.

Virus có mang các đặc tính cho thấy nó được tạo ra từ phòng thí nghiệm hay không?

Một số nhà nghiên cứu đã xem xét khả năng SARS-CoV-2 được con người tạo ra nhờ công nghệ sinh học. Một nghiên cứu do Kristian Andersen, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Scripps, California dẫn đầu cho rằng điều này không thể xảy ra, vì thiếu những dấu hiệu xác thực cho thao tác chỉnh sửa gene.

Một số ý kiến ủng hộ giả thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm cũng đặt câu hỏi rằng hỏi liệu vị trí cắt furin của virus – giúp chúng xâm nhập tế bào, có phải là bằng chứng của tác động nhân tạo hay không, bởi họ hàng gần nhất của c không có đặc điểm này. Vị trí cắt furin rất quan trọng vì thuộc protein spike, giúp virus bám và xâm nhiễm tế bào.

Nhưng thực tế, virus “anh em họ” khác của SARS-CoV-2 trong họ corona gây cảm lạnh cũng có vị trí cắt furin. Stephen Goldstein, nhà virus học tại Đại học Utah, Salt Lake hiện tượng tiến hóa hội tụ - các sinh vật có quan hệ họ hàng (tuy không quá gần gũi) độc lập tiếp hóa và có cùng một đặc tính để thích ứng với môi trường tương tự nhau – là cực kỳ phổ biến.

Một điểm khác thu hút sự chú ý thảo luận đó là sự kết hợp các đơn vị nucleotide mã hóa cho vị trí cắt furin: bộ ba CGG mã hóa amino acid arginine. Có một bài viết đã dẫn lời giáo sư David Baltimore, người đoạt giải Nobel vào năm 1975 nói rằng virus thường không mang trình tự mã hóa arginine, trừ khi con người cố tình khiến nó như vậy. Thông tin này như mồi thuốc súng làm bùng lên nghi ngờ nguồn gốc nhân tạo của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Andersen nói Baltimore đã sai về chi tiết đó. SARS-CoV-2 mang 3% trình tự di truyền mã hóa cho arginine, còn virus gây bệnh SARS là 5%. Tạp chí Nature đã trao đổi với giáo sư David Baltimore về ý kiến phản biện này, Baltimore nói Andersen có thể đúng về sự tiến hóa của SARS-CoV-2, nhưng ông lưu ý rằng “còn có những khả năng khác cũng cần được xem xét cẩn thận”.

Có đúng là SARS-CoV-2 được chế tạo theo cách tối ưu để gây đại dịch?

Nhiều nhà khoa học nói không. Virus lây lan dễ dàng ở người không có nghĩa nó được thiết kế để làm vậy. Vì nó cũng phát triển mạnh trên chồn và lây sang các loài động vật ăn thịt có vú khác. Vào giai đoạn đầu của đại dịch, virus cũng chưa lây lan mạnh như hiện nay. Chỉ đến khi xuất hiện biến chủng B.1.617.2 (delta) từ Ấn Độ mang đột biến mã hóa vị trí cắt furin thì chúng mới có khả năng lây lan mạnh. Virus không hề mang các đặc tính “tối ưu để gây ra đại dịch” như lời đồn.
Liệu SARS-CoV-2 đã được thu thập từ một khu mỏ?

Nghi ngờ đổ dồn lên các nhà nghiên cứu của Viện virus Vũ Hán vì cho rằng họ đã thu thập hàng trăm mẫu từ những con dơi trú trong một khu mỏ những năm 2012-2015, sau khi một số thợ mỏ mắc một bệnh hô hấp chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 trên các thợ mỏ này vào năm ngoái cho kết quả âm tính, có nghĩa là họ không mắc COVID-19 từ trước. Trong gần 300 mẫu coronavirus được thu thập nêu trên, chỉ có thể giải trình tự gần một chục mẫu và không có SARS-CoV-2. Trong cuộc điều tra đầu năm 2021, các nhà nghiên cứu của Viện virus Vũ Hán đã nói với đoàn công tác của WHO rằng họ chỉ nuôi cấy 3 coronavirus tại đây và không có loài nào liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2.

Mặc dù các nhà điều tra của WHO không sàng lọc các tủ đông của Viện virus Vũ Hán để xác nhận lại, nhưng một viện nghiên cứu lớn như Viện virus Vũ Hán chỉ nuôi cấy được một ít loại virus là điều không làm các nhà virus học ngạc nhiên. Bởi vì rất khó tách coronavirus nguyên vẹn từ dơi. Nồng độ virus thường thấp ở động vật, và hạt virus thường bị phân hủy trong mẫu nước bọt, phân và máu. Ngoài ra, một thử thách trước khi nghiên cứu và thao tác gene là họ phải tìm được loại tế bào động vật thích hợp làm môi trường sống cho virus (và phiên bản nhân tạo của nó).

Vì vậy, nếu thực sự SARS-CoV-2 xuất phát từ khu mỏ này và bị rò rỉ từ Viện virus Vũ Hán, các nhà nghiên cứu ở đây phải vượt qua một số thách thức kỹ thuật nghiêm trọng, và họ sẽ kiên quyết giữ bí mật thông tin trong nhiều năm, cũng như đánh lừa các nhà điều tra của WHO.

WHO đang xem xét tổ chức giai đoạn II cho nghiên cứu nguồn gốc COVID-19, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Nguồn: Nature