NGND.GS.TS Phạm Phụ là một nhà lý luận về giáo dục đại học có nhiều phát biểu, bài viết, đặc biệt trong lĩnh vực còn mới nhưng hết sức quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam là tài chính đại học.

Ngày 13/10/2022, ông qua đời tại nhà riêng ở TPHCM, thọ 85 tuổi. Bài viết dưới đây nhằm điểm lại một số chủ đề giáo dục đại học mà ông dành nhiều tâm huyết nghiên cứu trong nhiều năm.

GS Phạm Phụ phát biểu tại hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 25/12/2017. Ảnh: thanhnien.vn

GS Phạm Phụ sinh năm 1937 tại Quảng Ngãi, là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội khóa đầu (1956).

Năm 1976, ông từ miền Bắc vào giảng dạy về thủy lợi, thủy điện tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM.Giai đoạn 1991 - 1996, ông giữ vị trí trưởng khoa đầu tiên của Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa TPHCM.Từ năm 1999 - 2008, ông lần lượt làm giám đốc chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho giảng viên Swiss-AIT-VietNam (SAV); và giám đốc chương trình Maastricht MBA, hợp tác với Maastricht School of Management (Hà Lan) - một trong những chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam.

Ông cũng từng giữ các vị trí: chuyên viên biệt phái của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong (1986-1988); đại biểu Quốc hội (1992 – 1997); thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục (1995 – 2007); chủ tịch hội đồng quản trị Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao TPHCM (1997 – 1999).

Ông nghỉ hưu từ năm 2008 nhưng vẫn đóng góp nhiều ý kiến về giáo dục đại học Việt Nam thông qua các sự kiện, diễn đàn, báo chí...

GS Phạm Phụ qua đời đêm 13/10/2022 tại nhà riêng ở TPHCM.

GS Phạm Phụ bắt đầu tham gia góp ý, phản biện về các chính sách quản lý và phát triển hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) từ giai đoạn đầu đổi mới giáo dục đại học (1996) cho đến nay. Các vấn đề quan tâm của ông về GDĐH Việt Nam rất đa dạng.

Năm 1996, ông nêu 9 đề nghị cải cách GDĐH về các chủ đề ưu tiên, trong đó có: xã hội hóa GDĐH; xây dựng hệ thống GDĐH cân đối giữa mức độ tinh hoa và đáp ứng nhu cầu đại trà; phân cấp chất lượng đào tạo GDĐH; đại học công lập phải đóng vai trò là nơi đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa cho hoạt động quản lý, nghiên cứu sáng tạo tri thức và cung cấp nguồn nhân lực cho một số ngành nghề đặc thù; hạn chế sự quản lý của nhà nước vào hoạt động của các cơ sở GDĐH; quản lý quy mô đào tạo của các cơ sở GDĐH; đào tạo nguồn nhân lực có khả năng về công nghệ trong ngắn hạn…

Các phản biện và góp ý về chính sách phát triển GDĐH tiếp tục được ông thực hiện trong suốt giai đoạn từ năm 1996 đến 2005. 50 bài báo, phản biện của ông về chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam về các chủ đề liên quan đến GDĐH được tập hợp trong cuốn sách “Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam” xuất bản năm 2005.

Một số kiến nghị của ông vẫn còn phù hợp với thực trạng GDĐH Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, về chất lượng GDĐH, theo ông, trong xu thế phát triển và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, giáo dục đại trà là tất yếu và khi đó buộc phải chấp nhận sự sụt giảm tạm thời của chất lượng đào tạo bình quân (1998). Chất lượng phải được xem xét trên một “phổ” trình độ chất lượng được thiết lập phù hợp với mục đích, yêu cầu được đặt ra cho chương trình đào tạo như tính chất chương trình hay thời gian đào tạo (2001). Ông đề nghị đánh giá và nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam theo 5 đặc điểm: chuyển đổi cơ cấu GDĐH; đánh giá chất lượng giáo dục đại học trong quản lý “hiệu quả và trách nhiệm xã hội”; đánh giá chất lượng theo chương trình đào tạo; phù hợp với mục đích; và đánh giá chất lượng từ bên ngoài và đánh giá đồng cấp (2004).

Một chủ đề khác cũng được ông quan tâm là xã hội hóa GDĐH. Theo ông, GDĐH là một loại hàng hóa dịch vụ công đặc biệt “có nhiều đặc trưng tập thể/Nhà nước hơn là đặc trưng thị trường” (2001) và “cần có sự can thiệp của nhà nước” nhằm đảm bảo “ý nghĩa nhân văn” của GDĐH (2004, 2005). Thị trường hóa GDĐH là xu thế tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi từ GDĐH tinh hoa sang đại trà, áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho GDĐH ngày càng tăng, và xu thế toàn cầu hóa khiến sức ép cạnh tranh trong GDĐH mang tính chất toàn cầu. Vấn đề cần quan tâm nhất trong hoạt động thị trường hóa GDĐH là phải đánh giá được “chi phí” đào tạo của GDĐH và mức độ đóng góp của các thành phần liên quan - gồm Nhà nước, cộng đồng, gia đình cũng như bản thân người học. Để đảm bảo được “ý nghĩa nhân văn” hoặc một cách đơn giản hơn là công bằng xã hội, giảm bất bình đẳng trong GDĐH, cần có chính sách học phí, học bổng “đa dạng, phù hợp”, “thu phí theo khả năng đóng góp để thực hiện chính sách phân phối lại” thì “GDĐH Việt Nam mới phát triển được và xã hội Việt Nam mới có được sự bình đẳng cao hơn trong GDĐH” (2004).

Về quản lý GDĐH, theo ông cần đổi mới “cơ cấu hệ thống quản lý nhằm nâng cao tính hiệu quả của nền GDĐH” và “đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và trách nhiệm xã hội của các trường đại học”. Về phía nhà nước, cơ cấu hệ thống quản lý nên được sắp xếp lại, với Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò quản lý vĩ mô và giám sát hệ thống, còn hoạt động tổ chức, giám sát trực tiếp một phần các cơ sở GDĐH ngoài công lập hoặc các cơ sở GDĐH chỉ có chức năng giảng dạy, các trường cao đẳng đào tạo nghề có thể chuyển về cấp tỉnh quản lý. Ở cấp độ nhà trường, cần tăng tính tự chủ cho các trường, thành lập Hội đồng trường và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH. Ngoài ra, có thể chuyển đổi mô hình quản lý trong các trường đại học sang hình thức “công ty cổ phần” hoặc “doanh nghiệp tự quản”, “cho phép xây dựng các công ty của các trường đại học” nhằm mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu, chia sẻ gánh nặng chi phí GDĐH với nhà nước và sinh viên; “tổ chức trung tâm tư vấn sinh viên ở các trường đại học” cũng như hỗ trợ sinh viên không chỉ ở các vấn đề học tập, cơ hội nghề nghiệp mà còn ở các vấn đề xã hội hoặc các vấn đề cá nhân có tính chất riêng tư (2004).

Từ 2006 cho mãi đến gần đây, ông tiếp tục đề xuất các khuyến nghị và phản biện chính sách liên quan đến hoạt động quản lý GDĐH, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH cũng như vai trò của Hội đồng trường trong phát triển GDĐH. Theo ông, ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn quan niệm về tự chủ đại học chính là tự chủ tài chính mà bỏ qua các khía cạnh khác trong vấn đề tự chủ. Vai trò mờ nhạt của Hội đồng trường trong hoạt động quản lý đã hạn chế hiệu quả hoạt động tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH, bên cạnh những vấn đề về mặt chính sách và quản lý nhà nước (2017).

Người thầy chưa một lần gặp

Năm 2009, khi bắt đầu với hướng nghiên cứu về tài chính giáo dục, tôi có đọc được bài viết về chính sách “hai cao” - học phí cao, hỗ trợ cao - của GS Phạm Phụ. Trong đó, Giáo sư cho rằng, đầu tư của nhà nước thấp cộng với học phí thấp sẽ dẫn đến chất lượng giáo dục đại học không được đảm bảo và vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cũng không được giải quyết.

Tôi không chắc GS Phạm Phụ có phải là người đầu tiên ở Việt Nam nêu ý tưởng này hay không - một ý tưởng có thể xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế - vì nó còn được chia sẻ bởi vài ba nhà nghiên cứu cùng thời khác như GS Lâm Quang Thiệp hay TS Lê Viết Khuyến… Tại thời điểm xuất hiện, ý tưởng “hai cao” hết sức mới mẻ, và giờ đây, khi quy mô của giáo dục đại học ngày càng phình đại, trong khi vấn đề học phí và hỗ trợ cho sinh viên (tín dụng, học bổng) vẫn là nút thắt, nó lại càng được thảo luận nhiều hơn.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, GS Phạm Phụ từ một giảng viên về kỹ thuật, có công thành lập Khoa Quản lý công nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM)… rồi chuyển sang làm giảng dạy và nghiên cứu về quản lý, trong đó có quản lý giáo dục. Có thể nói, ông thuộc thế hệ “tay ngang” chuyển sang nghiên cứu khoa học giáo dục. Đây là một vấn đề lịch sử: phần lớn những người cùng thế hệ với GS Phạm Phụ được đào tạo bài bản về giáo dục ở nước ngoài đều học về sư phạm, tâm lý học đường, hay phát triển chương trình; trong khi rất hiếm người học về quản lý giáo dục, chính sách giáo dục, kinh tế giáo dục, quản trị đại học. May mắn thay, cộng đồng khoa học giáo dục có thêm sự tiếp sức của nhóm các nhà khoa học từ các ngành khác như GS Phạm Phụ (vốn xuất thân từ lĩnh vực thủy lợi), GS Lâm Quang Thiệp (vật lý), PGS Vũ Cao Đàm (cơ học)…, để cùng nhau tạo ra nền tảng cho khoa học giáo dục hiện đại ngày nay.

GS Phạm Phụ không chỉ tham gia thảo luận vấn đề tài chính giáo dục mà ở nhiều vấn đề khác như tự chủ đại học, hội đồng trường, trách nhiệm giải trình…, ông đều để lại dấu ấn qua các phát biểu, trình bày, bài viết tư vấn chính sách - bản thân ông có một thời gian là đại biểu quốc hội - hay những báo cáo kỹ thuật làm cho các tổ chức trong và ngoài nước.

Giáo sư cũng là tác giả người Việt đầu tiên nhắc đến phương pháp đối sánh với GDP đầu người để tính toán chi phí đơn vị cho giáo dục đại học. Dựa trên dữ liệu của World Bank, ông đưa ra được phép tính về chi phí đơn vị đào tạo sinh viên ở Việt Nam - tất nhiên phép tính này giờ đây có lẽ cần cập nhật thêm dữ liệu. Còn tại thời điểm năm 2009, theo tính toán của ông, con số chi phí đào tạo hợp lý ở bậc đại học ở Việt Nam đâu đó vào khoảng 1.200 USD/sinh viên/năm (tương đương 120% GDP đầu người).

Dù chưa một lần gặp mặt ngoài đời nhưng tôi tự nhận là học trò của GS Phạm Phụ. Giới học thuật có một phép giao tiếp đặc biệt: không nhất thiết phải gặp nhau mà vẫn có thể hiểu nhau. Chúng tôi “gặp” nhau trên tác phẩm, đọc bài của nhau, phản biện và trích dẫn lẫn nhau. Các bài viết của GS Phạm Phụ mà tôi đọc được từ năm 2009 truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng theo đuổi hướng nghiên cứu tài chính giáo dục đại học. Sau đó, tôi tiếp tục đọc và trích dẫn ông trong nhiều công bố của mình, cả trong nước cũng như quốc tế. Theo nghĩa mình là hậu sinh, trích dẫn bài và đi theo hướng tiếp cận của tiền bối, tôi gọi ông là thầy.

Nghĩ về GS Phạm Phụ, tôi không khỏi thán phục tinh thần tự học để chuyển sang một lĩnh vực mới của ông. Trong điều kiện ngặt nghèo cách đây mấy chục năm, thế hệ những người như ông có thể đã phải từ bỏ con người cá nhân của mình để theo đuổi những vấn đề nghiên cứu sát sườn quốc kế dân sinh - khác với thế hệ chúng tôi bây giờ, có nhiều cơ hội để chạy theo những chủ đề riêng mà chúng tôi quan tâm. Bởi sự kiên nhẫn phục vụ xã hội của những người như ông trong nhiều năm qua, những tư tưởng tiên tiến của giáo dục hiện đại thế giới đã dần được đưa vào Việt Nam.

TS Hiệp Phạm

(Ngọc Nhu ghi)

Nguồn tham khảo:

1. GS Phạm Phụ: Tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính, https://vnuhcm.edu.vn/su-kien_33356864/gs-pham-phu-tu-chu-dai-hoc-khong-chi-la-tu-chu-ve-tai-chinh/3838346864.html

2. Phạm Phụ. Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam. NXB Đại học Quốc gia TPHCM, 2005