Thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo bao trùm, hay đổi mới sáng tạo hướng tới những phân khúc khách hàng chưa được quan tâm phục vụ, các trường đại học có thể phát huy tốt nhất vai trò cộng đồng của mình.


Một khái niệm biến hóa


Khác với khái niệm “đổi mới sáng tạo”, khái niệm “đổi mới sáng tạo bao trùm” (Inclusive Innovation) còn ít được biết đến. Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 mới đây, PGS.TS. Trần Ngọc Ca - Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã cắt nghĩa các cách hiểu linh hoạt, biến hóa về sự “bao trùm”. Chẳng hạn, trong bối cảnh nông thôn, nó được gọi là “đổi mới sáng tạo nông thôn” (Rural Innovation); còn đối với các thị trường mới nổi, nó lại là “đổi mới sáng tạo tiết kiệm” (Frugal Innovation). Đôi khi, tính “bao trùm” cũng có thể được nhìn nhận từ khía cạnh xã hội (Social Innovation) hoặc trách nhiệm cộng đồng (Responsible Innovation). Tựu trung, “đổi mới sáng tạo bao trùm” bao hàm những phát minh, sáng kiến “hướng tới cái đáy thấp nhất của xã hội, tức sự đổi mới sáng tạo dành cho người nghèo”, PGS. Trần Ngọc Ca kết luận.

Để dễ hình dung, ở Ấn Độ, các chương trình đổi mới sáng tạo nông thôn vào những năm 2000-2010 tạo ra một loạt sản phẩm tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho cộng đồng dân cư - từ máy bơm nâng nước vận hành bằng tay, máy gặt đậu tương, máy phun thuốc bán tự động vận hành bằng bò kéo, máy làm thảm Kouna, máy cắt chanh, bếp không khói di động, tủ lạnh không điện, máy diệt muỗi năng lượng mặt trời, xà phòng nổi, thuốc nhuộm thực vật v.v

Trong khi đó, các chương trình đổi mới sáng tạo tiết kiệm liên quan đến việc loại bỏ những tính năng không cần thiết của một sản phẩm để bán nó ở các nước đang phát triển với giá rẻ hơn. Các dịch vụ và sản phẩm như vậy không hẳn là kém chất lượng nhưng bắt buộc phải được cung cấp với giá thấp. Thí dụ, điện thoại Nokia 1100 được thiết kế cho các nước đang phát triển với những tính năng rất cơ bản và bền bỉ - nghe, gọi, nhắn tin, đèn pin, báo thức. Hãng Nokia đã bán được hơn 200 triệu chiếc chỉ trong bốn năm, kể từ khi ra mắt vào năm 2003, khiến nó trở thành một trong những điện thoại bán chạy nhất mọi thời đại.

Nhiều dịch vụ khác - ví dụ như ngân hàng di động, tài chính vi mô, gọi điện thoại 1 xu mỗi phút v.v - cũng ra đời dựa trên triết lý “tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn, từ nguồn lực ít hơn, cho nhiều người hơn” (Mashelkar, 2011). Sự thành công về thị trường của những sản phẩm này nằm ở chỗ chúng chạm tới những phân khúc khách hàng không được phục vụ - những nhóm người có ít tiền và ít tài nguyên nhất, thường chiếm số đông, nhưng không được các công ty truyền thống coi là người tiêu dùng và do đó luôn bị bỏ qua.

Đại học Ateneo de Manila (Phillipines) giới thiệu các hệ thống lọc nước sạch năng lượng mặt trời giá rẻ cho các cư dân vùng sâu vùng xa. Ảnh: Ateneo, 2020
Đại học Ateneo de Manila (Phillipines) giới thiệu các hệ thống lọc nước sạch năng lượng mặt trời giá rẻ cho các cư dân vùng sâu vùng xa. Ảnh: Ateneo, 2020

Trong ASEAN, khái niệm đổi mới sáng tạo bao trùm đã được triển khai với nhiều mức độ khác nhau, tích cực nhất phải kể đến Philippines. Các trường đại học của nước này đi tiên phong về đổi mới sáng tạo bao trùm, chẳng hạn, Đại học Ateneo de Manila thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ateneo để triển khai công nghệ lọc nước chi phí thấp ở vùng sâu, vùng xa và kiểm soát chất lượng thủy sản nhằm đối phó với bệnh dịch của cá. Hay như Đại học De La Salle triển khai dự án phát triển trạm thủy điện nhỏ cho các xã miền núi.

Trường đại học - cái nôi của đổi mới sáng tạo bao trùm

Mặc dù đổi mới sáng tạo bao trùm là một xu hướng mới xuất hiện gần đây ở Việt Nam, nhưng lý luận về phát triển xã hội hài hòa và chia sẻ lợi ích phát triển trên cơ sở công bằng cho tất cả mọi người luôn chiếm ưu thế. Chúng nằm trong các chính sách lớn của quốc gia như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình tam nông, chương trình giáo dục cho mọi người, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các dự án hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học cho các vùng nông thôn miền núi phối hợp giữa Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT v.v

Đại học, nơi tạo ra tri thức và cung cấp công nghệ, vốn dĩ phải là cái nôi của đổi mới sáng tạo bao trùm.

Nhưng, “Khi nói đến các đổi mới sáng tạo từ trường đại học, chúng ta nghe nhiều đến các công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo AI, trợ lý ảo chatbot, blockchain, in 3D, xe tự lái, thực tế ảo VR/AR hơn là những sản phẩm như nhà cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, điện mặt trời cho vùng nông thôn hay thảo dược từ các bài thuốc dân gian,” PGS. Trần Ngọc Ca nhận xét. “Điều này cũng dễ hiểu vì tư duy ‘high-tech’ để tạo ra sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế kiểu OECD luôn hấp dẫn và lấp lánh hơn nhiều.”

Đổi mới sáng tạo bao trùm giống như một nhánh rất cụ thể của đổi mới sáng tạo, dù mô hình hoạt động của chúng hơi khác. Trong khi đổi mới sáng tạo tập trung phát triển những ý tưởng mới, thì đổi mới sáng tạo bao trùm chú trọng việc đảm bảo rằng những ý tưởng này có thể tiếp cận và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Vì những đổi mới sáng tạo bao trùm liên quan mật thiết đến bối cảnh và người dân địa phương nên tác giả của các đổi mới sáng tạo đó phải có sự gắn kết với cộng đồng rất lớn. Do vậy, quá trình thực hiện các đổi mới sáng tạo bao trùm không theo khuôn mẫu và phải lặp đi lặp lại với sự tham gia của nhiều bên liên quan khác nhau. Ngược lại, quá trình của đổi mới sáng tạo đi theo lộ trình tuần tự, bắt đầu từ việc tạo ra ý tưởng đến triển khai và thương mại hóa.

Đổi mới sáng tạo được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tính mới, tính sáng tạo và tiềm năng thương mại. Nhưng đổi mới sáng tạo bao trùm cần được đánh giá dựa trên các tiêu chí bổ sung, chẳng hạn như tính bao trùm, tính công bằng và tác động xã hội. Cuối cùng, đổi mới sáng tạo có thể được áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực nào; còn đổi mới sáng tạo bao trùm tập trung vào các lĩnh vực có tác động xã hội cao như giáo dục, y tế, và môi trường.

Lấy một ví dụ cụ thể, một nhóm nghiên cứu có thể chiết xuất những hoạt chất tốt nhất trong bài thuốc cổ truyền của người Dao đỏ để tạo ra các sản phẩm gel mới dễ vận chuyển và sử dụng hơn. Đó là một đổi mới sáng tạo đáng ca ngợi. Nhưng khi nhóm nghiên cứu đó bắt tay với cộng đồng địa phương để thiết lập nên các vùng trồng tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân bản địa về giống và công nghệ trồng trọt, xây dựng một công ty chung mà cổ đông của nó gồm cả người dân trong cộng đồng và chính quyền địa phương để sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, đồng thời đăng ký tài sản trí tuệ để bảo vệ cộng đồng dân tộc thiểu số đó khỏi bị ảnh hưởng bởi những bên sao chép đang khai thác giá trị của những bài thuốc mà không có sự đền đáp xứng đáng cho cộng đồng - đó là một nỗ lực đổi mới sáng tạo mang tính bao trùm. Và đây chính xác là những gì mà nhóm nghiên cứu của TS. Trần Văn Ơn và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Dược Hà Nội đã lặng lẽ thực hiện trong gần 10 năm qua. Bằng cách đưa cộng đồng bản địa vào chuỗi giá trị sản phẩm thảo dược - trong đó có cây thuốc tắm - các nhà nhiên cứu không chỉ thúc đẩy được lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương mà còn thúc đẩy cả những giá trị xã hội và văn hóa cốt lõi của cộng đồng.

Nhóm nghiên cứu của TS Trần Văn Ơn cùng người Dao đỏ ở Sapa đi điều tra tái sinh cây thuốc tắm. Nguồn: daospamama.net
Nhóm nghiên cứu của TS Trần Văn Ơn cùng người Dao đỏ ở Sapa đi điều tra tái sinh cây thuốc tắm. Nguồn: daospamama.n

Trong làn sóng đổi mới sáng tạo đang lên, các trường đại học đang muốn bước ra ngoài “tháp ngà học thuật” có thể chọn chiến lược đổi mới sáng tạo bao trùm bằng cách tập trung vào những ứng dụng gần gũi với đời sốngvà có tiềm năng tạo ra tác động tích cực cho các cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, có nhiều thách thức phải vượt qua khi theo đuổi hướng đi này.

Trước hết, nếu lãnh đạo không nhận thức đầy đủ về đổi mới sáng tạo bao trùm, họ sẽ không tạo ra được các chính sách và quy trình rõ ràng để khuyến khích. Như đã phân tích, đổi mới sáng tạo bao trùm có tính chất xã hội phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác lâu dài giữa các bên liên quan, do vậy chúng cần có mô hình tài trợ và văn hóa tổ chức phù hợp để cho phép tất cả các bên liên quan tham gia vào quan hệ đối tác công - tư - cộng đồng.

Thứ hai, các giảng viên thường không dư dả thời gian cho nghiên cứu hoặc tương tác cộng đồng bởi họ phải chịu sức ép về số giờ đứng lớp. Kết quả là nhiều hướng nghiên cứu của họ phần lớn bắt nguồn từ mong muốn cá nhân hơn là từ sự hiểu biết về nhu cầu thực tế của cộng đồng.

Cuối cùng, nhiều trường đại học chưa có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương, và chưa tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề xã hội. Bởi vậy, họ cần một cú hích lớn từ bên “đặt hàng”. Các nhà quản lý có thể phải thay đổi mô hình tài trợ cho nghiên cứu hoặc hoạch định chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hướng sự tập trung vào tính chất bao trùm này. Ví dụ như tăng ngân sách đầu tư cho các chương trình KH&CN nông thôn - miền núi và các chương trình mục tiêu phát triển bền vững, hoặc đấu thầu/đặt hàng với từng bài toán riêng lẻ của cộng đồng. Các tổ chức phi chính phủ là một nguồn đặt hàng quan trọng khác, vì họ thường quan tâm tới các khía cạnh xã hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, họ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới chuyên gia để giúp các trường tiếp cận nhanh hơn với các cộng đồng.



Tài liệu tham khảo:

[1] A. Glennie, J. Ollard, I. Stanley, R. K. Vidra (2020). Strategies for supporting inclusive innovation: insights from South-East Asia, UNDP & NESTA, https://www.undp.org/publications/strategies-supporting-inclusive-innovation

[2] Lim, C., & Fujimoto, T. (2019). Frugal innovation and design changes expanding the cost-performance frontier: A Schumpeterian approach.Research Policy,48(4), 1016-1029. https://doi.org/10.1016/j.respol.2018.10.014

[3] Mashelkar, R.A. (2011). Inclusive Innovation: Getting More from Less for More. National Chemical Laboratory, Pune, India. https://mashelkar.com/research-papers/

[4] R.K. Vidra, A. Glennie, C.S. Lawrence. (2022). Inclusive Innovation (Routledge studies in innovations, organizations and technology), Book, Routledge; 1st edition https://www.inclusiveinnovation.io/

[5] Trần Ngọc Ca (2024). Đổi mới sáng tạo bao trùm cho phát triển địa phương: Vai trò của các trường đại học, Kỷ yếu diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024, Hà Nội, (tr.11)

Bài đăng số 1295 (số 23/2024) KH&PT