Nhắc đến Monsanto, người ta nhớ tới một tập đoàn chuyên cung cấp các hạt giống biến đổi gene của Mỹ; nhưng điều khiến cái tên đó ăn sâu vào tâm tưởng những người liên quan là chính sách bảo hộ hạt giống khắc nghiệt của công ty.

Chính sách bảo hộ giống của Monsanto

Rất nhiều nông dân trên thế giới đang sử dụng hạt giống biến đổi gene của Công ty Monsanto bởi các giống này đem lại năng suất cao, lại không đòi hỏi quá nhiều thời gian cho việc làm cỏ, cày bừa.

Monsanto là một trong 3 công ty nắm giữ thị phần hạt giống lớn nhất thế giới (cùng với Du Pont và Syngeneta). Sự lớn mạnh của họ một phần là nhờ chính sách bảo hộ giống đầy tai tiếng. Monsanto giải thích trên website chính thức: “Thông thường, Monsanto phải mất từ 8-12 năm để phát triển và thương mại hóa một loại giống rau mới. Trong khi đó, với một vài loại rau như diếp, đậu tương, hạt thu được từ rau có đặc tính y hệt hạt giống. Việc bảo hộ và sử dụng văn bằng, chứng chỉ về bảo hộ giống cho phép chúng tôi bảo vệ được thời gian, ý tưởng cũng như đầu tư dành để phát triển các sản phẩm này”.

Darren Wallis - người phát ngôn của Monsanto - cho biết: “Mỗi ngày Monsanto chi tới 2 triệu USD (số liệu khác là 2,6 triệu USD) cho nghiên cứu để tìm kiếm, kiểm nghiệm, phát triển và mang các công nghệ cũng như hạt giống mới giúp đem lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân ra thị trường”.


Chi nhiều tiền nên Monsanto tìm mọi cách để thu lại phí tổn. Công ty không chỉ bảo hộ các giống, công nghệ tạo giống (tới năm 2013 họ đã có 674 bằng sáng chế công nghệ sinh học) mà còn bảo hộ những tính trạng mới, không được tìm thấy trong tự nhiên - những thứ chỉ được tìm ra sau khi phí tổn rất nhiều thời gian và nguồn lực. “Chẳng hạn, chúng tôi đã phát triển một loại dưa chuột có khả năng kháng được bệnh mốc sương và chúng tôi bảo hộ nó” - Darren Wallis nói.

Monsanto luôn yêu cầu những nông dân mua hạt giống của họ ký kết một thỏa thuận. Theo đó, nông dân chỉ được phép dùng hạt giống mua về để sản xuất cho một mùa vụ, không được để giống lại cho vụ sau hoặc bán cho người khác. Nếu làm trái, họ đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ và Monsanto sẽ khởi kiện.

Quyền lực của Monsanto càng khủng khiếp khi công ty mở rộng phạm vi bảo hộ ra các loại cây trồng thông dụng như lúa mì, rau xúplơ... thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập các công ty chuyên về hạt giống truyền thống.

Một cuộc biểu tình của nông dân Mỹ phản đối Công ty Monsanto. Ảnh: PBS
Một cuộc biểu tình của nông dân Mỹ phản đối Công ty Monsanto. Ảnh: PBS

Giàu có nhờ tiền bồi thường bản quyền

Với chính sách bảo hộ kể trên, Công ty Monsanto thường xuyên tiến hành các vụ kiện nông dân. Theo Corpwatch, từ đầu năm 2003, Monsanto đã thành lập một văn phòng gồm 75 nhân viên với quỹ 10 triệu USD chỉ để làm công việc duy nhất là kiện những nông dân vi phạm các điều khoản đã ký với Monsanto về bảo hộ giống.

Số liệu của Trung tâm An ninh lương thực Mỹ cho thấy, tính tới năm 2013, chỉ riêng tại nước này, Monsanto đã khởi kiện 410 nông dân, 56 doanh nghiệp về nông nghiệp cỡ nhỏ và đều thắng. Công ty đã được bồi thường 24 triệu USD chỉ từ 72 vụ xử vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Theo ước tính của chuyên gia phân tích chính sách khoa học Bill Freese thuộc Trung tâm An ninh lương thực Mỹ, có khoảng 4.500 nông dân nhỏ không thể trả phí thuê luật sư đã bị buộc phải đồng ý với những thỏa thuận ngoài tòa.

“Theo tài liệu của Monsanto, những nông dân này đã phải trả khoảng từ 85-160 triệu USD cho thỏa thuận ngoài tòa” - Bill tiết lộ trên tờ Vanity Fair.

Cũng theo Vanity Fair, rất nhiều nông dân bị “tán gia bại sản” một cách tình cờ. Họ không hề mua hạt giống biến đổi gene của Monsanto nhưng hạt giống đã được mang tới ruộng của họ nhờ gió hoặc chim. Thậm chí, nhiều khi những người bán giống đã cố tình trộn hạt giống biến đổi gene của Monsanto và giống thường để bán (2 loại hạt này giống hệt nhau, chỉ có thể phân biệt trong phòng thí nghiệm) và người nông dân vô tình mua phải.

Dù trong tình huống nào, bạn cũng sẽ bị “cảnh sát hạt giống” Monsanto ghé thăm nếu thấy cây trồng trên ruộng bạn có những đặc tính của hạt giống thuộc về công ty này.

“Sau khi phát hiện, các điều tra viên của Monsanto sẽ tìm mọi cách gây sức ép là sẽ mua lại nông trang của bạn, hoặc lấy hết những gì giá trị của bạn. Họ thậm chí còn đưa ra những bức ảnh có hình người nông dân vừa bước ra từ cửa hàng hạt giống để cảnh báo rằng anh ta bị theo dõi ở khắp mọi nơi” - Bill kể.

Trong hầu hết trường hợp, người nông dân thường chịu thua thiệt và phải ký thỏa thuận ngoài tòa. Nếu họ không chịu, Monsanto sẽ tiến hành chiến thuật tiêu hao, cho đến khi hạ gục hoàn toàn đối thủ. “Tôi không hiểu sao một công ty lại lựa chọn kiện khách hàng của chính mình. Quả là một chiến lược kinh doanh kỳ lạ” - Joseph Mendelson - nhân viên tại Trung tâm An ninh lương thực - nói.