Mặc dù tác dụng điều trị của viên nang Crila từ trinh nữ hoàng cung đã được chứng minh nhưng để xuất khẩu sang Mỹ, tác giả mất thêm 4 năm nghiên cứu nhằm giảm liều dùng từ 8 viên xuống còn 4 viên mỗi ngày, đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này cho thấy, Việt Nam tuy dồi dào về tài nguyên dược liệu nhưng muốn kiếm tiền lớn từ nó, phải đầu tư rất lớn cho khoa học và công nghệ (KH&CN).

Đưa cây thuốc Việt tiếp cận chuẩn quốc tế

Tại hội nghị dược liệu Việt Nam 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, sản phẩm Crila do TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu được xem là một thành công điển hình trong việc sử dụng dược liệu Việt Nam. “Viên Crila đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ. Nhật Bản, Úc cũng đang tiến hành các thủ tục để nhập khẩu sản phẩm.

Điều đó chứng minh, dược liệu Việt Nam nếu được đầu tư nghiên cứu đúng mức sẽ cho ra những sản phẩm không thua kém hàng ngoại” - TS Trâm nói và khẳng định, việc xuất khẩu thành công Crila sang các thị trường khó tính là kết quả sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài của Bộ KH&CN, Bộ Y tế. Bản thân bà Trâm đã dành 40 năm nghiên cứu cây trinh nữ hoàng cung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm từ dược liệu tại hội nghị về phát triển dược liệu Việt Nam. Ảnh: Phượng Hằng

“Trong dự án sản xuất thử nghiệm của Bộ KH&CN, liều dùng là 8 viên/ngày. Chúng tôi làm việc cật lực trong 4 năm để cô đặc hoạt chất, giảm liều xuống còn 4 viên, đạt tiêu chuẩn quốc tế” - TS Trâm chia sẻ nhằm nhấn mạnh lần nữa vai trò của khoa học trong việc nâng tầm giá trị của cây dược liệu Việt Nam.Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, câu chuyện thực tế của cây trinh nữ hoàng cung cho thấy cần phải đầu tư cho KH&CN, phải sản xuất theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt thì mới thành công.

Hiện đại hóa công nghệ trong cả chuỗi sản xuất

Khẳng định ngành dược liệu chỉ thành công nếu được đầu tư khoa học bài bản, PGS-TS Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế - nói: “Nếu lương thực chỉ cần đáp ứng tiêu chí sạch và ngon thì dược liệu phải sạch, đủ hoạt chất. Để dược liệu thành hàng hóa cạnh tranh, từ khâu giống, nuôi trồng đến chế biến đều phải đúng quy chuẩn. Chuỗi sản xuất như vậy nếu dùng công nghệ cũ sẽ không cạnh tranh được”.

Cũng nói về nhu cầu đổi mới công nghệ, PGS-TS Trần Văn Ơn - Đại học Dược Hà Nội - nêu bài học lớn từ Trung Quốc: Cách đây 20 năm, quốc gia này đã quyết định hiện đại hóa y học cổ truyền với khẩu hiệu “hiện đại hóa hay là chết” và họ đã thành công.

Vườn dược liệu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc dự án của BioTrade - Trung tâm triển khai thương mai sinh học Việt Nam tại Phú Yên. Ảnh: Phạm Bình

PGS Ơn cũng đề cập đến thách thức về kỹ thuật trồng phù hợp với từng cây dược liệu: “Thời điểm, mật độ và quy cách trồng, cắt tỉa, chăm bón, thu hái... đối với từng loại cây vẫn là câu hỏi lớn của ngành dược liệu. Các tài liệu hiện có rất chung chung”. TS Trâm cũng khẳng định mỗi cây trồng cần một quy trình riêng: “Ngay việc xác định mùa thu hái cũng không dễ dàng, cần nghiên cứu từ 10-12 năm. Nông dân Long An từng bị trả lại 2 container dừa cạn do thu hái sai thời điểm, trong cây không còn hoạt chất vincristin”.

Công nghệ chiết xuất, bào chế tốt cũng là yếu tố quan trọng. PGS Khánh nói: “Xưa các thầy lang tự hái thuốc, sao tẩm ở nhà. Nay để y - dược cổ truyền trở thành ngành công nghiệp thì phải xây dựng quy chuẩn từ châm cứu, bấm huyệt đến nguyên liệu và từng bài thuốc. Thuốc thành phẩm cũng phải điều chế thành viên nang bằng công nghệ hiện đại. Để thuyết phục, cần có bằng chứng khoa học cho thấy thuốc có những hoạt chất tác dụng với từng loại bệnh, mẻ sau phải giống mẻ trước”.

Khảo nghiệm giống - Nhà nước cần đầu tư

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu giống, PGS Ơn cho biết ông đã gặp nhiều trường hợp giống kém nên không mọc đều, có năm không cây nào mọc. Mỗi loài cây có nhiều giống, khác nhau về thành phần hoạt chất, cần nghiên cứu xem đâu là giống chuẩn.

“Chúng ta không thể nghiên cứu giống của cả 5.000 cây dược liệu. Nên chọn ra 10 cây trọng điểm và nghiên cứu bài bản. Ví dụ, để xác định ba kích đạt tiêu chuẩn ở một vùng đất cụ thể, phải trồng khảo nghiệm ở mọi nơi, phân tích hoạt chất ở từng vùng rồi mới kết luận. Ở Trung Quốc, mỗi cây dược liệu được chi từ 2-3 tỷ đồng để khảo nghiệm xem trồng ở đâu tốt nhất. Giai đoạn này rất tốn kém nên Chính phủ cần đầu tư khoảng 10 cây đầu, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp” - ông Ơn nói.

Không đợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam đã chủ động nhập 14 giống từ Trung Quốc trồng khảo nghiệm ở Sơn La, Lâm Đồng và Lào Cai. Đại diện doanh nghiệp này cho biết khi tìm ra được giống thích hợp, công ty sẽ phát triển thành nguyên liệu nhằm hạn chế nhập khẩu.

Cây thông đất Alzheimer, loại cây này có thể điều trị bệnh Alzheimer (thoái hóa não bộ, gây sa sút trí tuệ, mất trí nhớ ở người già), người sau tai biến, đột quỵ, chấn thương não.
Ảnh: Phượng Hằng

Ở góc nhìn của nhà quản lý, theo PGS Khánh, ngoài vấn đề chọn tạo giống, nuôi trồng, chế biến... vốn cần sự đầu tư lớn, lâu dài ở cả cấp vĩ mô và doanh nghiệp, có một ngách nhỏ có thể sớm mang lại giá trị lớn, đó là tập trung phát triển những bài thuốc bí truyền đã được chứng minh hiệu quả trong thực tế.

“Dân gian từ bao đời đã để lại nhiều bài thuốc quý, nếu không bảo tồn thì sẽ rất dễ bị mai một. Ở nhiều nước, những bài thuốc bí truyền hiệu quả cao đều được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần kêu gọi những người sở hữu bài thuốc hay cung cấp cho một hội đồng đánh giá để lên quy chế bảo mật và khảo sát xem bài thuốc có hiệu quả ra sao, với đối tượng nào, trong giai đoạn nào, có an toàn với người bệnh không... Nếu giá trị bài thuốc được khẳng định thì sẽ đầu tư phát triển, quảng bá. Làm được điều này, chúng ta mới tăng được giá trị dược liệu, còn nếu chỉ bán nguyên liệu thì giá rất rẻ” - PGS Phạm Vũ Khánh nói.