Các nhà khoa học tại Công ty CP Cốt sợi Polyme FRP Việt Nam (ĐH Xây dựng Hà Nội) mới đưa ra một dòng sản phẩm bê tông cốt sợi thủy tinh nhẹ, cho phép nông dân có thể tự mình lắp ghép các ao nuôi tôm tròn tại bất kỳ vị trí thuận lợi nào. Điều này sẽ giảm đáng kể chi phí đào ao và giúp việc xử lý, tái sử dụng nước thải nuôi tôm dễ dàng hơn.

Các hộ nuôi tôm ở Đông Java, Indonesia đã triển khai mô hình nuôi ao tròn. Ảnh: Thefishsite
Các hộ nuôi tôm ở Đông Java, Indonesia đã triển khai mô hình nuôi ao tròn. Ảnh: Thefishsite

Ao nổi trên mặt đất.

Khi canh tác tôm, bà con thường có thói quen đào ao xuống đất từ 1-2m, sau đó lót bạt và bơm nước vào. Cứ sau mỗi vụ, bà con lại phải tháo nước đi, làm vệ sinh ao sạch sẽ và phơi khô để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh.

“Đây là một công việc mất sức”, anh Giang, chủ ao tôm tại Hà Tĩnh cho hay, “Nói chung, tôm cần nước sạch nên việc thoát nước và xử lý nước là cực kỳ quan trọng. Vì nuôi trong ao tù nên thức ăn thừa của tôm và bùn đất hay bị lắng xuống đáy, dễ gây bệnh. Ao ở dưới thấp hơn nên khi bơm nước lên sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khi mưa lũ, ngập lụt thì nước trong ao rất dễ bị ảnh hưởng”.

‘Nuôi nước trước nuôi tôm’ là câu châm ngôn truyền miệng của những người nuôi tôm như anh Giang. Họ quan niệm, kiểm soát được chất lượng nước chính là kiểm soát được tới 70% rủi ro trong nuôi tôm. Đó là lý do mà anh quyết định đầu tư vào các ao nổi trên mặt đất để “tiện xử lý nước hơn”.

Từ năm 2020, anh đã lắp đặt thêm ba ao tròn nổi, đường kính mỗi ao chừng từ 10-15m, chiều cao 1,2m, xung quanh được dựng bằng khung sắt kiên cố, trong lót bạt. “Một ao lắng để trữ nước sạch, một ao nuôi tôm và một ao xử lý nước thải, nơi chúng tôi nuôi kèm cả cá rô phi để chúng ăn chất thải và cải thiện chất lượng nước. Nước tại các ao có thể tuần hoàn và tái sử dụng sau khi xử lý”, anh nói. Nhìn từ xa, những chiếc ao này giống như các hòn đảo nổi. Con gái bảy tuổi của anh gọi chúng là những đĩa thạch rau câu dưới nắng.

Nuôi tôm trong ao nổi đem lại nhiều thuận lợi cho việc xử lý nước và quản trị rủi ro. Ảnh: Internet
Nuôi tôm trong ao nổi đem lại nhiều thuận lợi cho việc xử lý nước và quản trị rủi ro. Ảnh: Internet

Vì diện tích ao nuôi nhỏ nên anh dễ quản lý các biến động của môi trường nước. Cấu tạo hình tròn khiến cho máy quạt nước tạo ra dòng chảy hướng tâm, gom tất cả các chất thải rắn như xác tôm chết, thức ăn thừa, phân tôm,v.v vào lỗ thoát giữa đáy, thuận tiện cho việc thu gom và xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt đáy được thiết kế có độ dốc nhỏ, dạng hình phễu khiến cho việc mở van thoát nước dễ dàng hơn.

Là một người có kinh nghiệm dùng ao tròn, anh Giang muốn phổ biến mô hình này tới nhiều người. Trên thực tế, mô hình nuôi tôm trong ao tròn nổi đã bắt đầu được các cơ quan khuyến nông tại nhiều địa phương giới thiệu trong vài năm gần đây. Chi phí đầu tư ao nuôi không quá cao. Tùy từng hộ nuôi, có người chọn chất liệu là sắt, thép, xi măng, thùng composite, có người chỉ cần làm bằng gỗ, thân cây tre rào lại.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường ao nuôi tôm tròn nổi, ThS. Nguyễn Văn Khánh, giảng viên Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng thời là Giám đốc công ty khởi nghiệp FRP Vietnam, đã triển khai một dự án lắp ghép các ao tôm từ những vật liệu bền nhẹ do chính họ sản xuất.

“Chúng tôi sử dụng bê tông nhẹ Nucewall[1] với lõi là thanh polyme cốt sợi thủy tinh FRP[2] thay cho cốt sắt để tạo ra các khối lắp ghép dạng mô-dun. Cả hai vật liệu này đều là kết quả nghiên cứu khoa học và cải tiến công nghệ của các thầy cô trong trường. Chúng rất nhẹ và bền, lại chịu lực tốt. Mỗi tấm như thế không quá 50kg, bà con ở vùng sông nước hoàn toàn có thể đặt lên thuyền để chở đi. Chúng có thể tháo lắp dễ dàng như lắp ghép Lego. Khi người ta chán đặt ao ở chỗ này, họ có thể dỡ ao ra để chuyển sang một nơi khác phù hợp và an toàn hơn”, Ths. Khánh chia sẻ.

Đi tìm đối tác


Việc sản xuất các ao tôm di động hiện đã sẵn sàng. Tại nhà máy FRP ở Hà Nội, các thanh thanh polyme cốt sợi thủy tinh được tạo ra với công suất 1km/ngày. Chúng có thể được chuyển đến nhà máy Nucewall ở Hưng Yên, một doanh nghiệp khởi nghiệp khác của trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nơi sản xuất các tấm bê tông nhẹ đúc sẵn. Các khối cấu kiện bê tông nhẹ cốt polyme này được chất trong kho, sẵn sàng vận chuyển đến các trang trại bất kỳ lúc nào. Quá trình hành thi công lắp ghép vật liệu lại với nhau ở trang trại cũng tương đối đơn giản, không cần nhân công tay nghề cao.

Ao tôm lắp ghép thử nghiệm đặt bên ngoài nhà máy sản xuất tại Hưng Yên. Ảnh:FRP Việt Nam
Ao tôm lắp ghép thử nghiệm đặt bên ngoài nhà máy sản xuất tại Hưng Yên. Ảnh:FRP Việt Nam

Ths. Khánh kể lại rằng đã có một nhà hai bố con trực tiếp tới mua vật liệu của họ và chỉ mất vài ngày để dựng xong một ao nổi di động đường kính 10m, cao 1,5m. Chi phí cho ao này vào khoảng 35 triệu, bằng một nửa so với đào ao mới. Họ dự kiến sẽ dựng tiếp một ao ở vị trí thấp hơn để chuyển một ít tôm sinh trưởng sang ao mới thông qua hệ thống ống nước.

Công ty FRP nhắm đến những người nông dân có vốn và đất đai hạn chế để làm đối tác của mình. Theo đội ngũ phát triển thị trường, ưu điểm của mô hình ao tròn là sử dụng đất hiệu quả hơn, thiết thực hơn và phù hợp với các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Các ao tròn bằng bê tông nhẹ có đường kính từ 10 mét. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể mở rộng thành các ao đường kính từ 20-40m. Để có hiệu suất tối ưu, ao 40 mét cần ba cánh khuấy để duy trì mức oxy hòa tan.

Việc dùng ao tròn nổi nuôi tôm đã trở nên phổ biến tại Indonesia và chẳng mấy chốc sẽ lan rộng tại Việt Nam. Trong 3-4 năm qua, số lượng hộ nuôi tôm áp dụng ao tròn nổi tại các thôn, xã ở nhiều địa phương tại Việt Nam đã dần tăng lên, từ vài chục đến vài trăm ao. Điều này cũng được chính phủ ủng hộ.

Cái khó của các nhà nghiên cứu bây giờ là nhiều người chưa biết đến vật liệu độc đáo của họ. Có rất nhiều bên cung cấp các giải pháp tạo ra ao nổi tương tự, nhưng không ai có được những vật liệu nhẹ và bền như vậy.

“Do trọng lượng nhẹ nên các tấm bê tông Nucewall có thể mang đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Cốt polyme sợi thủy tinh FRP trong đó có khả năng chống được ăn mòn với axit, kiềm và nước mặn. Do vậy, người ta có thể triển khai các ao nổi di động trong môi trường khác nhau. Những ao lắp ghép này cũng có thể dùng làm hồ chứa nước ngọt cho những tháng mùa khô, bị hạn hán, xâm nhập mặn”, Th.S Khánh nhận xét.

Các tấm bê tông nhẹ có thể dễ dàng vận chuyển và lắp ghép. Ảnh: FRP Việt Nam
Các tấm bê tông nhẹ có thể dễ dàng vận chuyển và lắp ghép. Ảnh: FRP Việt Nam

Những người điều hành công ty biết rằng họ cần phải nhanh chóng giới thiệu sản phẩm tới những đối tác có nhu cầu. Họ có kế hoạch xây 1-2 ao mẫu miễn phí cho bà con nuôi tôm ở Ninh Bình hoặc Nam Định để mọi người có cái nhìn trực quan với sản phẩm. Dĩ nhiên, là một doanh nghiệp khởi nghiệp từ một trường đại học công lập, công ty của Th.S Khánh không có quá nhiều kinh phí để mở rộng hoạt động xây lắp thử. Th.S Khánh quyết định phải tìm kiếm những đối tác mới, những người có thể đồng hành cùng họ để đem mô hình ao tôm di động lắp ghép tới các hộ nông dân.

“Đây sẽ là hành trình vất vả. Chúng tôi muốn làm việc với cả khu vực công – như các chương trình của Bộ NN&PTNT – và đối tác tư nhân quan tâm để đưa mô hình ao tôm lắp ghép này trở nên phổ biến”, ông cho biết.

_________________

Chú thích:

[1] Bằng độc quyền sáng chế số 35932 về “Bê tông nhẹ cốt liệu rỗng chịu lực sử dụng polystyren tái chế kết hợp cenosphere với nano silic oxit và phương pháp chế tạo bê tông nhẹ cốt liệu rỗng này”, cấp ngày 04/05/2023

[2] Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2032 về “Thanh polyme cốt sợi gia cường và quy trình sản xuất thanh polyme cốt sợi này”, cấp ngày 09/04/2019