Khi 40 nghìn người cùng thay đổi nếp sinh hoạt hằng ngày: giảm 1 giờ xem TV, ngưng mua một bộ quần áo mới… trong hai năm, đã giúp giảm được 2,5 triệu kg khí nhà kính, tương đương với trồng hơn 100 nghìn cây xanh.
Lượng hóa - chìa khóa để đạt được mục tiêu Liệu mỗi người có thể đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo cách nào? Prachi Shevgaonkar - nhà môi trường học người Ấn Độ, luôn đặt ra câu hỏi đó trong suốt quá trình hoạt động của mình. Bởi nhìn vào từng nỗ lực của cá nhân đơn lẻ thì không đáng kể, nhưng nhìn vào quy mô hàng tỉ người trên Trái đất cùng nỗ lực thì đóng góp ấy là khổng lồ. Nhưng để có cách thúc đẩy từng người giảm phát thải khí nhà kính thì bắt buộc phải tính toán được những hoạt động nào của chúng ta thải ra nhiều khí nhà kính nhất?
“Để giảm cân, chúng ta tính toán lượng calorie trong từng món ăn. Vậy tương tự, chúng ta có thể tính toán lượng khí thải nhà kính trong mỗi hoạt động của mình không?”, Prachi kể lại với KH&PT bên lề sự kiện chia sẻ về ứng dụng Cool The Globe, do PanNature tổ chức tại Hà Nội. “Việc lượng hóa đóng một vai trò quan trọng, bởi để thay đổi bất cứ thứ gì, để biết chính xác tăng hay giảm, trước tiên chúng ta cần có được một đo lường cụ thể về thứ đó”.
Đầu tiên, Prachi sử dụng bộ dữ liệu và công thức tính khí thải nhà kính do Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) ban hành để làm quy chuẩn tính toán. Từ bộ dữ liệu và công thức đó, ứng dụng Cool The Globe biến việc tính toán khí nhà kính trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn bằng cách gắn chúng vào các sinh hoạt thường ngày. Chẳng hạn, trong khi UNFCCC chỉ giúp ta tính lượng phát thải khí nhà kính khi lái một chiếc xe ô tô 4 chỗ (trong một quãng đường cụ thể), thì Cool The Globe sẽ giúp ta biết thêm: để đạt mục tiêu giảm 100 kg CO2eq/tháng, ta cần giảm đi bao nhiêu ngày sử dụng ô tô; hay cùng một quãng đường đó, ta sẽ giảm thiểu được bao nhiêu CO2eq/tháng nếu chuyển sang phương tiện khác như xe buýt, xe máy, xe đạp…
Kết quả các phép tính do Cool The Globe cung cấp chỉ đạt giá trị xấp xỉ (approximate), bởi để có được một kết quả chính xác tuyệt đối, sẽ đòi hỏi người dùng cung cấp nhiều thông tin chi tiết và phức tạp hơn.
Năm 2021, ứng dụng Cool the Globe của Prachi ra đời. Cho đến nay, Cool The Globe vẫn là ứng dụng miễn phí duy nhất có thể tính toán về lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động của người dùng.
Đối với người dùng, Cool The Globe được gói gọn trong ba bước: Lập mục tiêu, lựa chọn các hoạt động để thực hiện hằng ngày, và theo dõi kết quả đạt được. Đầu tiên, từ thông tin hiển thị về mức độ phát thải hằng ngày trong ứng dụng, người dùng sẽ theo dõi và tự thiết lập mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hằng tháng (và hằng năm) bằng một con số cụ thể. Tiếp đó, sẽ có gần 100 hoạt động thường nhật được gợi ý để giúp người dùng đạt được mục tiêu; các hoạt động này được phân loại làm bốn mục: Travel (Di chuyển), Home (Nhà), Materials (Vật dụng) và Aid/Social Responsibility (Sự giúp đỡ/Trách nhiệm xã hội). Ví dụ, ở mục Travel, người dùng có thể ước lượng được bao nhiêu khí thải nhà kính sẽ giảm nếu như đổi sang một phương tiện di chuyển “thân thiện” với môi trường hơn; hay ở mục Home, việc giảm thời gian sử dụng điều hòa, đèn, bình nước nóng… cũng sẽ đổi lại kết quả bằng con số cụ thể; ở mục Materials, từng sự thay đổi nhỏ trong đồ dùng: đồ nhựa, nylon, giấy, hay thậm chí là việc tiêu thụ thịt, cũng được quy đổi ra lượng khí nhà kính, v.v. Và cuối cùng, sau một tháng, dựa trên các thông tin do người dùng cập nhật mỗi ngày, ứng dụng sẽ cho biết tổng lượng khí thải nhà kính người đó đã giảm thiểu được.
Tính năng thiết thực nhất của Cool The Globe có lẽ là việc ứng dụng này giúp người dùng biết lượng khí nhà kính mình sẽ tránh được trước mỗi hành động. Chẳng hạn, nếu tối nay tắt TV sớm hơn hai tiếng so với tối qua, ta biết mình sẽ tiết kiệm được 2,3 kg CO2eq khí nhà kính; hoặc nếu một người phụ nữ Ấn Độ quyết định không may thêm hai chiếc saree mới (nặng khoảng 1 kg), cô ấy sẽ tiết kiệm được tới 10 kg CO2eq.
“Khi xây dựng nền tảng này, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ, để đạt được bất cứ điều gì, đầu tiên mình cần có một mục tiêu rõ ràng, và sau đó, việc có thể đo lường tiến độ sẽ giúp mình đạt được mục tiêu dễ dàng hơn. Đó cũng là cách Cool The Globe hoạt động” - Prachi chia sẻ.
Hành động của từng cá nhân thì có vẻ nhỏ bé, nhưng khi nhiều người cùng tham gia, kết quả có thể sẽ là một con số lớn. Để thể hiện tinh thần này, ở trang chủ của ứng dụng là một đồng hồ đo lường toàn cầu, nhằm cập nhật về lượng khí nhà kính mà tất cả người dùng đang cùng nhau giảm tránh được khi thay đổi các hoạt động của mình.
Sau hai năm ra mắt, ứng dụng Cool The Globe có hơn 40 nghìn người dùng từ 110 quốc gia. Cool The Globe cũng đã phát triển thành một công ty khởi nghiệp, đặt trụ sở tại Pune (Ấn Độ) - thành phố quê nhà của Prachi, với quy mô khoảng 10 nhân viên và 50 tình nguyện viên. Nếu các dữ liệu do người dùng cung cấp đều chính xác và trung thực thì tính đến tháng 8/2023, Cool The Globe đã giúp giảm thiểu được hơn 2 triệu kg khí nhà kính - tương đương với trồng hơn 100 nghìn cây xanh.
Năm 2021, Prachi được trao giải “Young Change-maker of the Year” (Nhà thay đổi trẻ của năm) từ Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ. Nhà sáng lập Cool The Globe cũng trở thành người Ấn Độ đầu tiên được bổ nhiệm vào ban cố vấn của Liên minh lãnh đạo khí hậu, cùng với cựu Thủ tướng Phần Lan Esko Aho và các nhà lãnh đạo toàn cầu khác.
“Tôi nghĩ, điều đã thành công với Cool The Globe là chúng tôi nói về biến đổi khí hậu bằng ngôn ngữ của mọi người, đặt nó vào trong cái bối cảnh mà tất cả chúng ta đều quan tâm, những điều chúng ta đều có coi là đáng để đấu tranh” - Prachi nói. “Cool The Globe đã cố gắng để việc giảm thiểu biến đổi khí hậu trở nên gần gũi, đưa nó vào trong các hoạt động mà ai cũng có thể thực hiện hằng ngày, và đồng thời đo lường được tác động của những hành động đó”.
Ứng dụng “bỏ túi” cho mọi ngườiNgoài các kết quả bằng con số, Prachi cho biết cô nhận được nhiều thư chia sẻ tích cực của người dùng, từ em bé 9 tuổi cho đến người phụ nữ 80 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những người dùng nêu lên các điểm hạn chế của Cool The Globe. Một bạn sinh viên ở Việt Nam nhận xét, việc Cool The Globe chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh là một hạn chế lớn, đòi hỏi người dùng phải thông thạo tiếng Anh, nếu không họ sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Một số ý kiến khác cho rằng ứng dụng vẫn “nặng” về nội dung, thiếu đi phần đồ họa hay các hình ảnh minh họa để làm cho mọi thứ thực sự gần gũi, thân thiện hơn. Dù vậy, Cool The Globe vẫn đem đến một không gian “sạch”, nơi người dùng không bị làm phiền hay ngắt quãng bởi các nội dung quảng cáo - như Prachi đã cam kết rằng ứng dụng của cô hoàn toàn phi lợi nhuận.
Nhà sáng lập Cool The Globe cũng chia sẻ, hiện ứng dụng này vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu - với những kết quả đã hoàn toàn vượt xa sự mong đợi của cô và đội ngũ - và sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai. Mục tiêu của Prachi là đạt đến 1 triệu người dùng, cũng như đưa Cool The Globe trở thành công cụ hỗ trợ cho các tổ chức khí hậu trên thế giới.
Tại Việt Nam, việc sử dụng ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường vẫn còn là một khái niệm lạ lẫm với nhiều người. Nhưng nếu nhìn vào cách các phong trào sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, hay những chiếc xe đạp công cộng TNGo ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố, thì việc một ứng dụng thiết thực và miễn phí như Cool The Globe có thể tiếp cận vào cuộc sống của người Việt cũng không phải là điều xa xôi.