Bằng cách tận dụng thời gian rảnh của các bác sĩ và kết nối trực tuyến với người có nhu cầu tư vấn qua video call hoặc trò chuyện online, MedOn – một ứng dụng hỗ trợ thông tin y tế do MedLatec tài trợ, trở thành một giải pháp góp phần chẩn đoán và cung cấp kiến tức y tế cho người dân ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào.

Nếu đứng trước câu hỏi “người Việt quan tâm như thế nào đến sức khỏe?”, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Những con số thực tế thật đáng giật mình. Năm 2019, tổng số lượt thăm khám là 150 triệu lượt trên 97,3 triệu dân, nghĩa là trung bình mỗi người Việt chỉ thăm khám 1,5 lần/năm. Theo anh Lê Đức Nguyên – Giám đốc điều hành của MedOn, khi đặt cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản lần lượt là 16,6 lần, 12,6 lần mới thấy chúng ta đang lơ là sức khỏe đến như thế nào. Một ví dụ gần gũi hơn nữa anh Nguyên từng chứng kiến, cách đây một năm, người bạn của anh Nguyên vô tình đưa bố mẹ đi khám sức khỏe toàn diện thì phát hiện ra một vết polyp trong đại tràng. Nếu phát hiệm chậm, vết này có thể phát triển thành ung thư và việc phát hiện sớm thì xử lý lại vô cùng đơn giản.

Hình ảnh ứng dụng MedOn.

“Việc đi khám bệnh định kỳ sẽ giúp người dân giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình và áp lực cho cả một hệ thống y tế đang quá tải”, anh Nguyên nói.

Nhưng điều gì đã ngăn trở những người dân Việt đi khám sức khỏe định kỳ. Nguyên nhân thì có nhiều, như chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc khám chữa bệnh thường xuyên, thu nhập chưa cao, sự quá tải của hệ thống y tế, mỗi lần đi khám bệnh phải xếp hàng từ 3-4 giờ hay những người dân ở vùng sâu vùng xa, mỗi lần đi khám phải mất 1-2 ngày cả di chuyển đến tuyến trung ương… Hoặc đơn giản, nếu không có triệu chứng, người dân thường thậm chí cũng không biết phải đi khám cái gì, “không phải ai cũng quen bác sỹ để nhờ họ tư vấn” – anh nói và quả quyết: “MedOn sẽ khiến việc khám bệnh định kỳ của người dân trở nên giản dị chỉ bằng một cuộc gọi. Mỗi gia đình sẽ có một bác sỹ riêng cho mình, sẵn sàng tư vấn bất kỳ lúc nào và dành cho họ những lời khuyên”.

Giải pháp kết nối người bệnh và bác sỹ

Để phóng viên hiểu hơn về cách thức hoạt động của MedOn, anh Lê Đức Nguyên thực hiện một cuộc kết nối bằng hai điện thoại. Trong đó, phía bác sỹ cái đặt ứng dụng MedOn Doctor và phía người dùng cài đặt ứng dụng MedOn.

Tham gia vào ứng dụng này, bác sỹ sẽ tự chọn các khung giờ tư vấn theo lịch trình của mình. Khi đó, trên ứng dụng của bệnh nhân, danh sách các bác sỹ đang ‘available” hiện ra với đầy đủ tên tuổi, khung giờ tư vấn cũng như chuyên khoa để họ lựa chọn. Sau khi bệnh nhân lựa chọn khung giờ mà họ có thể “gặp” bác sỹ, hệ thống sẽ tự động gửi tin nhắn xác nhận tới bác sỹ. Đến đúng giờ hẹn, hệ thống gửi thông báo nhắc nhở để bác sỹ kết nối video call với người dùng. Trung bình mỗi cuộc tư vấn kéo dài tối đa 20 phút “khoảng thời gian vừa đủ để người dùng nêu các biểu hiện bất thường trong cơ thể và bác sỹ đưa ra các khuyến nghị” – anh Lê Đức Nguyên miêu tả.

Tuy nhiên, sau 20 phút này “hành trình trải nghiệm mới thật sự bắt đầu”. Bác sỹ sẽ tiến hành đánh giá cuộc gọi có thành công hay không, về mặt nội dung tư vấn lẫn chất lượng cuộc gọi. Một bản kết luận về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cùng với những tư vấn, khuyến nghị liên quan đến thực hiện xét nghiệm và đơn thuốc cũng được đưa ra. “MedOn được liên kết trực tiếp với toàn hệ thống xét nghiệm của MedLatec và nhà thuốc Long Châu trên cả nước. Sau khi kết luận được gửi tới, khách hàng sẽ quyết định có thực hiện các bước xét nghiệm và mua thuốc không. Nếu có, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ kết nối để nhân viên tới nhà lấy mẫu xét nghiệm và giao thuốc” – anh Nguyên giải thích và nói rằng “lâu nay chúng ta vẫn nghĩ nói chuyện với bác sỹ là xong, nhưng ở MedOn đây mới là điểm khởi đầu của hành trình trải nghiệm”.

Nếu người dùng tiến hành xét nghiệm, kết quả sẽ được gửi lên hệ thống để bác sỹ tiếp tục theo dõi và có những chỉ dẫn tiếp theo cho bệnh nhân. Hành trình này có thể kéo dài tới nhiều năm liền nếu khách hàng sử dụng thường xuyên và rõ ràng như thế “một bác sỹ gia đình” kiểu mới đã âm thầm xuất hiện, nắm rõ được tình trạng sức khỏe của người dùng trong thời gian dài và có những chỉ định khi cần thiết.

Thao tác xem chừng có vẻ đơn giản nhưng thực tế, để xây dựng được hệ thống này, anh Lê Đức Nguyên và đội ngũ của mình đã mất một thời gian dài để xây dựng và hiểu xem người dùng thật sự cần gì trong một cuộc trao đổi trực tuyến. Thậm chí, ngay cả để cuộc gọi “mượt” mà không bị ảnh hưởng bởi chất lượng đường truyền cũng là cả hành trình kéo dài tới hơn một năm. Trước khi trở thành người điều hành của MedOn, anh Lê Đức Nguyên đã từng là bác sỹ. Lợi thế này giúp anh hiểu được bác sỹ cần những tính năng nào khi giao tiếp với khách hàng hay khuyến nghị đơn thuốc, tư vấn các xét nghiệm cần thiết. Về phía người dùng, sau khi trò chuyện với bác sỹ cũng có thể đọc được kết luận từ bác sỹ, thời gian cuộc gọi và chỉ định thuốc khuyến nghị và được hướng dẫn tiếp theo từ nhân viên chăm sóc khách hàng.

Anh Lê Đức Nguyên nói: “MedOn trở thành một giao thức số hóa các trải nghiệm khám thông thường của người bệnh từ trực tiếp sang trực tuyến và đáp ứng 90% nhu cầu của người dùng. Trải nghiệm của người dùng khi trò chuyện với bác sỹ là thật, khuyến nghị, tư vấn và theo dõi của bác sỹ là thật, xét nghiệm cũng là thật. Đây là điều mà chỉ công nghệ mới có thể làm được bởi nó tận dụng được thời gian rảnh của bác sỹ mọi lúc mọi nơi và giúp năng suất lao động của họ tăng lên 1,2 -1,5 lần” .

“Chúng tôi không có công nghệ nào cao siêu cả”

Dù có thể xếp MedOn vào nhóm startup MedTech nhưng khi được hỏi, “các anh sử dụng công nghệ nào” thì anh Nguyên lập tức khẳng định “chúng tôi không có công nghệ nào cao siêu cả”. Cao siêu ở đây nghĩa là chuyện “ứng dụng này không sử dụng các công nghệ của cách mạng 4.0 như big data, AI… như nhiều người vẫn thường giới thiệu. Với bản chất là tạo ra cuộc kết nối trò chuyện giữa bác sỹ và người có nhu cầu tham vấn y tế, MedOn thực tế chỉ cần sự hỗ trợ của công nghệ video call mà nhà cung cấp là Stringee – giải pháp kết nối nhờ nền tảng (SDK/API) cung cấp tính năng Nghe - Gọi - Chat - SMS có thể tích hợp nhanh chóng vào ứng dụng (App/Web) của doanh nghiệp.

Trước khi sử dụng giải pháp của một nhà cung cấp trong nước, MedOn thực tế đã sử dụng giải pháp của nhà cung cấp đến từ Thụy Điển. Sau sáu tháng sử dụng, họ phát hiện ra, máy chủ của nhà cung cấp này ở nước ngoài nên mỗi khi cáp quốc tế có vấn đề, hệ thống trong nước sẽ chập chờn gián đoạn. Bởi vậy khi gặp Stringee, họ như “bắt được vàng”, dù rằng trong suốt một năm qua, cả hai bên đã có rất nhiều nỗ lực để điều chỉnh về công nghệ, qua đó giúp các cuộc gọi mượt mà hơn.

Anh Lê Đức Nguyên nói: “Cái may mắn của MedOn là có được nhà đầu tư thiên thần là Medlatech. Không chỉ dồi dào về vốn, hệ sinh thái và network của Medlatec cũng mang lại cho MedOn nhiều lợi thế”. Đơn cử như việc có thể tích hợp hệ thống xét nghiệm của doanh nghiệp cũng như nhà thuốc Long Châu đã là một điểm cộng không thể tốt hơn. Bởi lẽ, nếu hợp tác với các phòng xét nghiệm hay nhà thuốc nhỏ thì đơn giản nhưng việc hợp tác được với đơn vị uy tín, hệ thống phân phối lớn lại là cả một vấn đề, nhất là trong lĩnh vực y tế. “Hệ thống lớn tức là khả năng đáp ứng về chất lượng, quy trình dịch vụ, trải nghiệm dịch vụ trên toàn quốc được thực hiện chuẩn chỉ bài bản”, anh nói.

Tự nhận mình là người cầu toàn và thích trau chuốt cho sản phẩm, vị giám đốc điều hành của MedOn cho biết anh đang từng bước để người dùng làm quen với sản phẩm còn rất mới này, dù rằng mục tiêu của MedOn là nhóm khách hàng có hiểu biết về công nghệ, có thu nhập tốt và ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng…. “Để người dùng sẵn sàng khám bệnh trực tuyến không phải chuyện dễ, nên sản phẩm khi bung ra phải hoàn hảo, tôi không muốn đưa cho khách hàng một sản phẩm dở tệ. Phải làm sao để khách hàng dùng xong sẵn sàng đi giới thiệu cho những người khác” – anh Nguyên nói.

Với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái theo dõi và khám sức khỏe định kỳ, MedOn đang tiếp tục xây dựng các giải pháp liên quan như chat trực tiếp với bác sỹ, Q&A (hỏi và đáp) giữa người dùng với bác sỹ. Mọi thắc mắc của người dùng sẽ được trả lời gần như ngay lập tức. Để hiện thực hóa ý tưởng “cài MedOn là mỗi gia đình đã có một bác sỹ cho riêng mình”, startup này đang phát triển tính năng bác sỹ thân thiện. Nghĩa là khi người dùng cảm thấy hài lòng với một bác sỹ từng tư vấn trực tuyến có thể chọn là bác sỹ thân thiết. Bác sỹ này sẽ theo dõi và tư vấn cho cả gia đình người dùng trong một năm và đưa ra các tư vấn gần như ngay lập tức khi phát hiện bất thường.

“Chúng tôi dự kiến sẽ bán các gói tư vấn theo phút. Nếu như giá cho một cuộc tư vấn trung bình là 200.000 đồng thì các gói khám theo năm có thể là 1000 phút gọi giá 1 triệu đồng. Tình trung bình mỗi cuộc tư vấn là 20 phút thì tức là mỗi năm, một người dùng có thể thực hiện 50 cuộc tư vấn với bác sỹ” - anh Nguyên chia sẻ. Tuy nhiên hiện này, MedOn vẫn đang cung cấp dịch vụ tư vấn hoàn toàn miễn phí cho người dùng trong một năm đầu.

Y tế số trong câu chuyện của MedOn trở nên giản dị và bình dân. Có lẽ, đó cũng là điều mà MedOn hướng tới: đưa giải pháp y tế số cho mọi người, mọi nhà.