Cuốn sách Nhượng Tống - Bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX vừa ra mắt của Yên Ba chính là tác phẩm đầu tiên khảo về ông cho đến thời điểm này.
Nhượng Tống tên thật Hoàng Phạm Trân, sinh 1906 tại Ý Yên, Nam Định. Ông học chữ Hán từ nhỏ, sau đó học trường Tây, 16 tuổi đã bắt đầu viết báo. Ngày 25-12-1927 ông tham gia hội nghị thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) tại Hà Nội. Ban chấp hành lâm thời được bầu ra gồm 15 người, trong đó Nguyễn Thái Học làm chủ tịch đảng, Nguyễn Thế Nghiệp phó chủ tịch, Nhượng Tống làm Trưởng ban tuyên huấn. Ngay lập tức ông ra chương trình hành động dịch sách báo về phương pháp cách mạng Đông Tây để tìm đường lối. Ông cũng là Trưởng ban Tu thư của đảng phụ trách in ấn sách vở, tài liệu.
Mới hoạt động được chừng đôi năm thì Pháp bắt Nhượng Tống, tháng 8-1929 ông bị đày ra Côn Đảo đến tận tháng 4-1933 mới được thả về, rồi bị quản chế thêm 5 năm tại Hà Nam. Như vậy Nhượng Tống không tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái tuy tan tác nhưng lẫy lừng xảy ra vào tháng 2-1930. Nếu không, có thể ông đã lên máy chém cùng với Nguyễn Thái Học và các đồng chí khác.
Nhưng nếu ông ở lại, liệu ông có ngăn Nguyễn Thái Học phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái hay không? Bởi trong đảng, ông luôn giữ quan điểm ôn hòa, càng ít manh động càng tốt. Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn, Nhượng Tống vẫn duy trì quan điểm ôn hòa. Trong tiểu luận Hỗ trợ thảo luận viết năm 1943, ông thừa nhận chiến tranh lúc này là tình thế bắt buộc nhưng vẫn khẳng định đó không thể là đường lối lâu dài để phát triển đất nước. Theo ông, “Cạnh tranh là một thú tính.” Muốn đất nước giàu mạnh thanh bình thì “phải mở rộng luật hỗ trợ”, tức là luật của sự tương thân tương ái. Hỗ trợ là gốc của luân lý, gốc của pháp luật.
Những tháng ngày lưu đày ở nhà tù Côn Đảo khắc nghiệt, Nhượng Tống chứng kiến mâu thuẫn giữa VNQDĐ với những người cộng sản, vốn bắt đầu từ trước, dấy lên gay gắt. Khác biệt Quốc-Cộng về chủ trương, chính sách, phương thức đấu tranh, trong không gian nhà tù chật chội trở nên cực đoan, tạo thành hố thẳm ngăn cách hai phe, “ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến lịch sử hoạt động chính trị ở Việt Nam sau này cũng như số phận của những cá nhân như Nhượng Tống” - Yên Ba viết.
Hết quản chế, cuối năm 1944, Nhượng Tống trở lại Hà Nội hoạt động, vẫn với vị trí then chốt trong ban chấp hành VNQDĐ, rất tích cực. Khi Việt Minh lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thì mâu thuẫn Quốc-Cộng đã trở thành sống còn. Các thành viên cộm cán của VNQDĐ lần lượt bị bắt giữ sau ngày 19-8-1945. Nhượng Tống vẫn khá năng nổ ở thời điểm năm 1946, nỗ lực gây dựng lại lực lượng đảng mình. Nhưng rồi ông nản, nhận thấy đảng mình chỉ còn là một “nắm cát rời”. Yên Ba tìm được một đoạn hiếm hoi trên báo Tia Sáng năm 1948 tả chân dung Nhượng Tống, khi ấy đã chán ngán chính trường, chủ yếu tập trung bốc thuốc ở hiệu thuốc của mình tại số 138 Phố Huế:
“Trán cao, rộng và dám (hói?) một bên, cặp mắt hiền từ, nụ cười lạc quan, tóc ít chịu làm quen với lược, cổ sơ mi soạc hai bên, nhường chỗ cho một chiếc ‘phu la’ bạc mầu, quấn tròn ở trước cổ, áo quần lệch lạc bất chấp cả giặt lẫn là.”
Ông từ chức và rút lui khỏi đảng vào tháng 3-1949. Nhưng rút không có nghĩa là xong.
Ngày 8 (?)-9-1949, một cậu bé đến hiệu thuốc xin ông đi chữa bệnh cho bố, vì địa chỉ không xa nên ông và cậu bé này đi bộ. Ra khỏi nhà chừng năm trăm mét thì một người đạp xe phía sau bắn ông xuyên gáy chết tại chỗ. (Một số tờ báo viết là bắn vào ngực.) Câu hỏi ai hay đảng phái nào ám sát Nhượng Tống không có manh mối nào về sau. Nhưng dù là ai thì Nhượng Tống cũng đã chết một cái chết vô cùng bi thảm.
Trở lại khoảng thời gian từ năm 1934 đến năm 1944 khi bị quản thúc tại Hà Nam, Nhượng Tống bốc thuốc, dịch sách, sáng tác văn chương. Dù là tù nhân trở về nhưng đời sống của ông khá sung túc vì có nghề bốc thuốc. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã xây hai cái nhà lớn, một trong làng Đô Hoàng, một ở chợ Bình Cách, tầng dưới là hiệu thuốc, tầng trên được gọi bằng một cái tên phong tình là Phong mãn lâu - lầu đầy gió, nơi ông cho ra đời hầu hết những tác phẩm văn học dịch và sáng tác của mình.
Đây cũng là quãng thời gian ông lấy vợ, có một người con gái với bà vợ đầu, tên là Hoàng Lương Minh Viễn. Sau ông có thêm hai vợ nữa nhưng không có con. Yên Ba đã gặp và phỏng vấn bà Minh Viễn để có thêm nhiều thông tin thú vị cho cuốn sách này.
Đọc lại những phần khảo tác phẩm dịch của Nhượng Tống, tôi mới biết mình chịu ơn ông nhiều, do xưa đọc sách chẳng mấy khi nhớ tên dịch giả. Ông đã dịch Tây Sương ký, Ly tao, Thơ Đỗ Phủ, Sử ký Tư Mã Thiên, Nam hoa kinh, Thượng thư, mà dịch tài hoa, sắc sảo, kỹ càng. Tôi đặc biệt thích phần khảo của Yên Ba về chuyện Nhượng Tống có dịch Thủy hử hay không, cực kỳ hấp dẫn như một phóng sự điều tra, lắt léo với những phân tích và nút thắt…
Nhượng Tống có một tiểu thuyết có tiếng, Lan Hữu, đã được tái bản năm 2015. Ông cũng làm thơ nhưng chắc cũng tản mác. Tôi thích bài thơ Trong ngục mưa gió ông viết Lúc mới bị bắt ở Hà Nội, mang đầy tráng khí của những tráng sĩ trong văn học cổ điển:
Một giọt mưa sa, một giọt sầu;
Tình người cảnh vật xiết thương đau.
Lưng trời vỡ tổ, chim kêu thảm,
Dậy đất hờn thu, lá rụng mau.
Xa tít quê nhà mê chẳng tới,
Buồn tênh đêm tối thức càng lâu.
Ba thu dồn lại năm canh vắng,
Đừng trách chàng Phan chẳng bạc đầu.
Trên góc độ văn hóa, Nhượng Tống chưa được ghi nhận rộng rãi. Nhưng may sao cũng đã có một số nhà nghiên cứu nhìn ra giá trị sự nghiệp của ông. Mới đây nhất năm 2015, TS Trần Trọng Dương có một đánh giá đáng kể: “Đóng góp quan trọng nhất của Nhượng Tống là ở lĩnh vực dịch thuật, bởi ông không chỉ là dịch giả mà còn là ‘nhà kiến tạo văn hóa’, vì tiếng Việt của Nhượng Tống là một thứ tiếng Việt tinh hoa.”
Cuốn sách đã khảo khoảng 50 tài liệu sách, báo - sớm nhất từ năm 1933 - với kỳ vọng “phác họa được những nét chính yếu để người đọc có thể hình dung tương đối về Nhượng Tống” – theo lời Yên Ba, dù tác giả đã mong “có nhiều tư liệu hơn để có thể viết về cuộc đời Nhượng Tống chi tiết hơn, về hoạt động cách mạng, về nghề thuốc của ông, về hoạt động văn chương, báo chí của ông và cả về đời sống cá nhân nữa.”