Đại dịch COVID-19 đã mở ra một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD từ lĩnh vực y tế…

Đầu năm ngoái, ông Stephen Klasko, giám đốc điều hành của công ty Jefferson Health chuyên quản lý các bệnh viên ở Philadelphia đã trò chuyện với một ông chủ ngân hàng và được nhà tài chính nói rằng 20 năm trước, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe là hai ngành duy nhất chưa nắm bắt được cuộc cách mạng kỹ thuật số nhưng giờ đây chỉ còn lại nganhd chăm sóc sức khỏe mà thôi.

Một bác sĩ ở Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, sử dụng công nghệ y học từ xa được hỗ trợ 5G để siêu âm cho một bệnh nhân tại phòng khám nông thôn cách đó vài km. Ảnh: Tan Yunfeng/China Daily

Nhận định của ông chủ ngân hàng kia không phải là không có lý. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, khi nói đến số hóa, ngành chăm sóc sức khỏe thực sự đã tụt lại phía sau không chỉ lĩnh vực ngân hàng mà còn cả du lịch, bán lẻ, sản xuất ô tô và thậm chí hàng hóa đóng gói. Ở Mỹ, khoảng 70% bệnh viện vẫn sử dụng fax và gửi hồ sơ bệnh nhân qua đường bưu điện. Tại Tây Ban Nha, một giám đốc điều hành tại bệnh viện lớn ở Madrid cho biết hầu như không có bất kì việc chia sẻ hồ sơ điện tử nào trên khắp đất nước khi làn sóng COVID-19 đầu tiên quét qua vào mùa xuân.

Bằng việc phơi bày những thiếu sót kỹ thuật số, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi trong ngành y tế. Khi phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn và đóng cửa, các bác sĩ đã chấp nhận sử dụng những phương thức liên lạc và phân tích vốn được sử dụng thường xuyên trong những ngành công nghệ khác. Bệnh nhân cũng ngày càng trở nên thoải mái hơn với việc chẩn đoán và điều trị từ xa có sự hỗ trợ của máy tính. Và nhiều doanh nghiệp táo bạo – từ công ty khởi nghiệp, bệnh viện, hãng bảo hiểm, nhà thuốc cho đến những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Apple và Google - đã nhanh chóng tranh giành quyền cung cấp các dịch vụ đó.

McKinsey ước tính rằng doanh thu y tế số toàn cầu sẽ tăng từ 350 tỷ USD năm 2019 lên 600 tỷ USD năm 2024, bao gồm doanh thu từ tất cả dịch vụ: y tế từ xa, hiệu thuốc trực tuyến, thiết bị y tế đeo tay v.v. Thị trường chăm sóc sức khỏe của Mỹ đang được tân trang bằng số hóa, điều tương tự cũng đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.

Một lượng tiền khổng lồ đang đổ vào những doanh nghiệp có tương lai hàng nghìn tỷ USD. Theo CB Insights, trong quý III/2020, khoản vốn đầu tư kỷ lục 8,4 tỷ USD đã chảy vào túi những kẻ nắm giữ các công cụ y tế số, gấp đôi so với số tiền năm trước đó. Các “kỳ lân” chưa niêm yết trong ngành này ước tính có tổng giá trị hơn 110 tỷ USD.

Vào tháng 9/2020, AmWell, một startup cung cấp dịch vụ y tế từ xa từng được Google đầu tư 100 triệu USD đã huy động thêm 742 triệu USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Giá trị vốn hóa thị trường của AmWell hiện khoảng 6 tỷ USD. Vào tháng 12/2020, JD Health, nhà thuốc điện tử liên kết với trang thương mại trực tuyến khổng lồ JD.com của Trung Quốc, đã thu được 3,5 tỷ USD trong đợt IPO tại Hồng Kông.

Không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư quay cuồng. Nhu cầu về y học kỹ thuật số đã tăng lên đột biến. Một công ty của Pháp mang tên Doctolib cho biết những cuộc tư vấn sức khỏe qua video của họ tại châu Âu đã tăng từ 1.000 cuộc mỗi ngày lên 100.000 cuộc mỗi ngày trong năm 2020. Nghiên cứu trên khoảng 16 triệu người Mỹ mới xuất bản tại tạp chí JAMA Internal Medicine chỉ ra rằng việc sử dụng điều trị từ xa (telemedicine) của họ đã tăng gấp 30 lần trong khoảng thời gian từ tháng một đến tháng 6/2020. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet và ứng dụng di động cho những nhu cầu y tế khác nhau.

Can thiệp tim mạch cho bệnh nhi bằng hệ thống máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số 2 bình diện (DSA) tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Kỷ nguyên mới của công nghệ

Như với nhiều lĩnh vực công nghệ đang lên, một số công nghệ trong đó đã bị cường điệu. Các nhà phân tích tỉnh táo tại Gartner đã tạt gáo nước lạnh vào những tuyên bố phóng đại của những người ủng hộ cá thể hóa “y học chính xác” và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhưng họ cũng thừa nhận rằng không phải tất cả mọi sự phấn khích trong lĩnh vực này đều quá đáng. Những công nghệ như cảm biến, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu đang trở nên chính xác tới chuẩn mực y tế. Trong tình hình nguy cơ lây nhiễm COVID-19, bệnh viện và phòng khám trở nên dễ dàng trong việc chấp nhận sử dụng công nghệ hơn.

Những công ty chuyên môn như Livongo và Onduo đang sản xuất các thiết bị theo dõi liên tục bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác. Gần một nửa số bác sĩ Mỹ được khảo sát đã sử dụng các thiết bị như vậy; trong đó 71% bác sĩ coi các dữ liệu là hữu ích về mặt y tế, theo kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford.

Vào tháng 6/2020, Mayo Clinic, một nhóm bệnh viện phi lợi nhuận có uy tín, đã hợp tác với công ty khởi nghiệp có tên là Medically Home để cung cấp “dịch vụ chăm sóc tại nhà theo tiêu chuẩn bệnh viện”, từ truyền dịch, chụp phân tích hình ảnh cho đến phục hồi chức năng. Ngay cả Apple Watch cũng chứng minh rằng sản phẩm của mình có thể dự đoán được hiện tượng rối loạn nhịp tim rung nhĩ của người dùng trong một thử nghiệm lâm sàng.

Quan trọng hơn, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang thúc ép những nhà cung cấp dịch vụ mở cửa hệ thống dữ liệu cát cứ của mình. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số. EU đang thúc đẩy tiêu chuẩn điện tử cho các hồ sơ ý tế. Vào tháng 8/2020, Chính phủ Ấn Độ đã tiết lộ một kế hoạch về định danh y tế số lấy khả năng tương tác thông tin làm cốt lõi.

Đại diện từ quỹ đầu tư Qiming nói rằng Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng vượt qua những kháng cự về bệnh án điện tử từ những bệnh viện vốn sợ mất bệnh nhân vào tay đối thủ cạnh tranh. Còn đại diện quỹ đầu tư Sinovation Ventures nói rằng Yidu Cloud, nhà cung cấp nền tảng dữ liệu lớn cho bệnh viện của Trung Quốc có thể đã trở thành kẻ nắm giữ bộ dữ liệu y tế lớn nhất thế giới.

Gã khổng lồ Apple, với danh tiếng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cũng đang ủng hộ một tiêu chuẩn chung [về dữ liệu]. Ông Aneesh Chopra, cựu giám đốc công nghệ của Nhà Trắng, nhận định rằng sự kết hợp giữa những nỗ lực này với các áp lực pháp lý báo trước một “kỷ nguyên mới” cho y học kỹ thuật số.

Đồng ý với quan điểm đó, bà Judy Faulkner, chủ hãng sản xuất phần mềm hàng đầu Epic System chuyên quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho biết khoảng 40% dữ liệu do công ty bà quản lý đã được chia sẻ với những bên không phải là khách hàng. Trong khi đó ông Kris Joshi, người điều hành công ty Change Heathcare chuyên xử lý các yêu cầu bảo hiểm y tế của Mỹ trị giá hơn 1,5 ngàn tỷ USD mỗi năm thấy rằng tiềm năng tương tác của lĩnh vực này còn nhiều hơn nữa, ít nhất là giữa các doanh nghiệp với nhau.

Tất cả đang giúp ngành y tế phát triển từ chỗ là một “ngành khoa học lâm sàng được dữ liệu hỗ trợ” trở thành một “ngành khoa học dữ liệu được các bác sĩ lâm sàng hỗ trợ”, bà Pamela Spence thuộc công ty tư vấn EY nhận xét. Liệu điều này có biến việc chăm sóc sức khỏe trở thành cuộc chơi của những công ty công nghệ lớn?

Quả thực, đã có những dấu hiệu tham gia của các hãng công nghệ như vậy. Amazon muốn trợ lý ảo Alexa của mình phân tích tiếng ho và báo cho người dùng biết họ có mắc bệnh hay không. Vào tháng 11/2020, gã khổng lồ trực tuyến này ra mắt một nhà thuốc số để đảm nhận việc liên kết và phân phối thuốc giữa các công ty dược phẩm, trung gian và nhà bán lẻ thuốc tại Mỹ.

Trong khi đó, AliHealth trực thuộc Alibaba đang phá vỡ thị trường dược phẩm truyền thống của quốc gia với doanh thu trong sáu tháng giữa năm ngoái tăng 74%, đạt mức 1,1 tỷ USD. Tương tự, có thể kể đến hãng công nghệ Apple với sản phẩm đồng hồ thông minh và kho 50.000 ứng dụng sức khỏe sử dụng được trên iPhone; hay công ty mẹ của Google mới phát triển một phân khúc về khoa học đời sống mang tên Verily.

Theo ông Shubham Singhal tại McKinsey, những đột phá trước kia của các gã khổng lồ công nghệ vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thất bại bởi họ đi một mình. Y tế là một bãi mìn quy chế với những người đương nhiệm mạnh mẽ, do vậy mô hình kinh doanh phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo của các công ty công nghệ lớn tỏ ra không phù hợp.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã sáng tỏ rằng những nhà cung cấp y tế hiện hành với phần cứng lỗi thời và chi phí dịch vụ đắt đỏ khó có thể cải thiện sức khỏe đầu ra cho người dân. Nếu một thế hệ công nghệ kỹ thuật số mới được phát triển, nó phải “cải thiện sức khỏe mà không làm tăng chi phí”, đại diện của Verily cho biết. Công ty này đang chuyển từ cách tính phí dịch vụ người dùng sang việc trả tiền dựa trên rủi ro, nghĩa là khách hàng sẽ trả tiền khi kết quả của họ được cải thiện, chẳng hạn như bệnh nhân tiểu đường kiểm soát được lượng đường trong máu dưới mức nhất định.

Điều này chỉ ra một tương lai hợp tác - nơi những công ty ở thung lũng Silicon sẽ bắt tay chặt chẽ hơn với những công ty chăm sóc sức khỏe truyền thống. Giờ đây, công ty Epic System đang sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói từ doanh nghiệp khởi nghiệp Nuance để các bác sĩ có thể gửi ghi chú tới những chuyên gia bên ngoài. Họ cũng hợp tác với hãng gọi xe Lyft để đưa đón bệnh nhân tới bệnh viện.

Công ty công nghệ y tế lớn của Đức Siemens Healthineers cũng đang làm việc với chuỗi bệnh viện Geisinger của Mỹ nhằm mở rộng việc theo dõi bệnh nhân từ xa. Trong khi đó, bệnh nhân tại bệnh viện Apollo của Ấn Độ có thể sử dụng một phần mềm app để mua thuốc khi hết, nhận tư vấn sức khỏe và chẩn đoán từ xa, thậm chí còn có thể đảm bảo một khoản vay y tế vì bệnh viện của họ liên kết với ngân hàng HDFC.

Tại Philadelphia, ông Klasko cũng đang chấp nhận cách tiếp cận mới để chứng minh lời nhận xét ban đầu của người bạn ngân hàng là sai. Ông đã hợp tác với quỹ mạo hiểm General Catalyst, một công ty đặt cược sớm vào nhiều startup sức khỏe kỹ thuật số trong đó có Livongo, để đem họ tới làm việc cùng một nhóm đổi mới sáng tạo của mình. Các bên đã dần nhận ra rằng họ phải thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp chứ không chỉ làm ra hàng trăm ứng dụng không kết nối được với nhau.