Trong khi các đối thủ lo lắng về cuộc tranh giành nhân sự, nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch săn người này rất có lợi cho khoa học.
Chiến lược mới của Alphabet
Hai đồng sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page từng nhấn mạnh rằng Google sẽ không trở thành công ty chăm sóc sức khỏe, một phần bởi các quy định liên quan rất phức tạp. Nhưng ngày nay, ba trong số các công ty lớn của Alphabet đang tập trung nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực trị giá 3.000 tỷ USD này. Chưa hết, hai công ty liên doanh của họ là GV (trước đây là Google Ventures) và CapitalG (trước đây là Google Capital) cũng đang đầu tư nhiều về y tế.
Trong số các công ty con của Alphabet, Sidewalk Labs gây ngạc nhiên lớn nhất. Được Alphabet đổ vốn để đầu tư công nghệ nhằm giải quyết “các vấn đề của đô thị lớn” nhưng vừa rồi, Sidewalk Labs đã đăng tải danh sách việc làm mới cho các vị trí thuộc ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm các kỹ sư, giám đốc y tế (bác sĩ chăm sóc ban đầu) và giám đốc phụ trách về vấn đề sức khỏe cộng đồng cho một dự án gọi là “Care Labs”. Hiện không có nhiều thông tin về Care Labs ngoài một bài báo trên tờ Medium cho biết đây là dự án có tầm nhìn lớn, có thể giúp hình dung “cách giao hàng và chăm sóc khách hàng trong kỷ nguyên số”.
Các bác sỹ sử dụng kính Google Glass trong một phòng thí nghiệm giả lập.
Ảnh: Fastcompany
Calico - công ty nghiên cứu và phát triển thuốc tập trung vào mục tiêu kéo dài tuổi thọ của Alphabet, và Verily - công ty về khoa học sự sống của tập đoàn này - cũng đã thuê rất nhiều chuyên gia về hai lĩnh vực kể trên trong thời gian qua. Theo Yahoo, danh sách các tài năng mới được chiêu mộ gồm nhiều cái tên sáng giá như Arthur D. Levinson - cựu giám đốc điều hành của Genentech và chủ tịch của Apple - người hiện là giám đốc điều hành của Calico; Tom Insel - cựu giám đốc của Viện Y tế tâm thần quốc gia Mỹ, người hiện làm ở Verily; và Jessica Mega - một nhà tim mạch học của trường Y Harvard, hiện cũng làm cho Verily...
Alphabet đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhân tài cho các vị trí như nhà sinh học máy tính, chuyên gia về robot sinh học, nhà nghiên cứu học thuật hàng đầu. Đây là những vị trí phải cạnh tranh mạnh mẽ mới có thể tuyển dụng được.
Khoa học được lợi
Các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp khoa học sự sống có thái độ khác nhau về vấn đề tuyển dụng của Alphabet. “Trong số các công ty công nghệ cao, Alphabet nổi bật nhất vì việc thành lập các dự án mới trong lĩnh vực khoa học sự sống” - Cynthia Yee, người đứng đầu tập đoàn chuyên về sức khỏe Windham Venture Partners, cho biết. “Trong tương lai ngắn hạn, chúng ta sẽ thấy một số công ty công nghệ sinh học và sức khỏe phải đấu tranh để có thể đáp ứng mức lương và chế độ đãi ngộ mà Alphabet cung cấp”.
Cynthia Yee cho biết, một số startup trong danh mục đầu tư của công ty bà đã mất những tài năng nổi bật nhất vào tay Alphabet. Bà Yee cho rằng, nếu Alphabet tiếp tục những động thái tích cực để có được các công ty khởi nghiệp về khoa học sự sống hoặc bắt đầu hợp tác với họ thì điều đó có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp này trong dài hạn.
Steve Kraus - một nhà đầu tư công nghệ sinh học tại Bessemer Venture Partners - nói trên CNBC rằng ngành công nghiệp khoa học sự sống sẽ phải lo lắng nhiều hơn nếu Alphabet bắt đầu tuyển dụng rất nhiều nhân tài của đối thủ, dẫn đến cuộc chiến về nhân sự. Ông cũng lo lắng về việc các công ty của Alphabet có trụ sở tại thung lũng Silicon chứ không phải ở Boston và Cambridge - nơi các công ty khoa học cuộc sống có mối quan hệ sâu rộng với các trung tâm khoa học và kỹ thuật của Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts. “Tôi lo về cuộc chiến tranh giành tài năng khi Alphabet bắt đầu ra tay thực sự” - ông nói.
Những người khác, như nhà di truyền học Sabah Oney - Giám đốc công nghệ sinh học của Alector - tin rằng sự quan tâm của Alphabet đến các vấn đề khoa học sự sống xét một cách tổng thể là tích cực. “Rất nhiều nhà khoa học nhận được lời mời của Google đã hỏi ý kiến tôi xem liệu có nên đến đó làm việc hay không vì thu nhập rất cao. Hiện các nhà khoa học có thu nhập quá thấp và bị đánh giá thấp. Thế nên, tôi nghĩ sự cạnh tranh chỉ có mang đến điều tốt mà thôi”.