Nhìn vào những khó khăn, thách thức mà nền khoa học Trung Quốc đang phải đối diện như được nêu trong bài báo gần đây của Adam Minter đăng trên Bloomberg, chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.


Bài báo của Minter mở đầu với việc chỉ ra một thực tế về khoa học Trung Quốc, đó là giống như trong rất nhiều lĩnh vực khác, quốc gia này đang tìm cách đóng vai trò hàng đầu trong khoa học thế kỷ 21 bằng vũ khí quen thuộc: tiền. Ví dụ điển hình là những sáng kiến “khoa học lớn” nhằm tăng cường uy tín quốc gia và tạo ra các công nghệ spinoff giàu tiềm năng, mà gần đây nhất là dự án máy va chạm hạt năng lượng cao lớn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng năm 2025, với chi phí có thể lên tới ba ngàn tỷ USD, nằm trong một khuôn viên dài tới hơn 90 km.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những khoản đầu tư khổng lồ trên của Trung Quốc cho thấy, họ nhìn ra cơ hội nắm bắt vị trí tiên phong khoa học toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh khi tiền cho nghiên cứu cơ bản ở Mỹ và châu Âu ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, theo Minter, nếu Trung Quốc thực sự muốn gặt hái lợi nhuận từ đầu tư choáng ngợp của mình, chính phủ cần phải làm điều gì đó căn bản hơn việc xây dựng một máy va chạm hạt cơ bản khổng lồ: Họ cần phải suy nghĩ lại về vai trò trung tâm của họ trong nghiên cứu tại Trung Quốc.

Lệch lạc trong quản lý và sự thiếu tôn trọng nhà khoa học

Minter chỉ ra mặt hạn chế của việc dùng tiền từ ngân sách nhà nước cho khoa học ở Trung Quốc, đó là các chi phí thường vượt quá lợi ích mang lại, do sự quan liêu của nền hành chính, khiến các cơ sở khoa học Trung Quốc từ lâu phải chịu đựng tình trạng lợi dụng quen biết, tham nhũng và gian lận tràn lan. Chúng không chỉ làm hỏng uy tín học thuật của đất nước, quan trọng hơn, còn góp phần thúc đẩy tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra mà không có sự hào phóng tài chính nào của chính phủ có thể ngăn chặn.

Mặc dù mối quan hệ giữa khoa học và nhà nước được chính trị hóa và trở nên phức tạp ở mọi quốc gia, Mỹ cũng không phải ngoại lệ, nhưng hệ thống quản lý kiểu từ trên xuống của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm vấn đề này, đơn cử như để thăng tiến nhanh trong sự nghiệp, nhiều nhà khoa học Trung Quốc cần biểu lộ thái độ trung thành với chính phủ hơn là đóng góp những phát kiến khoa học. Minter nhận xét văn hóa “ít trọng dụng nhân tài’’ đã trở thành thâm căn cố đế trong Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - một cơ quan khổng lồ với 60.000 nhân viên, quản lý 104 đơn vị nghiên cứu hàng đầu và chiếm hầu hết các chi tiêu nghiên cứu phi quân sự của Trung Quốc.

Lệch lạc trong phân bổ kinh phí nghiên cứu là một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc. Bài báo lấy ví dụ từ ý kiến của Yi Rao, một học giả Trung Quốc được mời từ Đại học Northwestern (Mỹ) về để quản lý Khoa Khoa học Sự sống tại Đại học Bắc Kinh, trình bày trong một bài báo năm 2010 trên tờ Science: “Để có được khoản tài trợ lớn ở Trung Quốc, có một bí mật công khai là làm tốt nghiên cứu không quan trọng bằng bôi trơn quan chức và các phụ tá gần gũi của họ.” Đồng thời, những nhà nghiên cứu may mắn nhận được tài trợ thường chịu sự can thiệp hành chính và những đòi hỏi phi thực tế về kết quả trong thời gian ngắn.

Bài báo cho biết tình trạng “quen biết’’ xâm nhập cả vào việc bổ nhiệm tại các đơn vị học thuật. Chức danh khoa học cao nhất của Trung Quốc - viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học - trong những năm gần đây cũng vướng nhiều bê bối do được trao cho các cá nhân ít thành tựu học thuật.

Trong khi đó, người ta lại từ chối trao chức danh này cho những nhà nghiên cứu lừng lẫy như Yi Rao (tin rộng rãi là để trả đũa cho bài báo trên Science của ông) và, đáng chú ý nhất là Tu Youyou, người đoạt giải Nobel Y học 2015. Khi được hỏi tại sao bà không được công nhận Viện sĩ sau nhiều lần đăng ký, Tu trả lời: “Đây là chuyện phức tạp.” Các hành xử thiên vị như vậy được cho là được mở rộng xuống tận việc bổ nhiệm các vị trí giáo sư và giảng viên, bước khởi đầu của sự nghiệp nghiên cứu.

Theo Minter, những mặt trái trên đây chính là nguyên nhân khiến các cộng đồng khoa học Trung Quốc phải chấp nhận những nghiên cứu chắp vá và xoàng xĩnh. Bài báo cho biết trong tháng 10 năm 2013, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc ước tính rằng một nửa của tất cả các quỹ nghiên cứu đã bị “sử dụng sai”, nghiêm trọng tới mức cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc phải vào cuộc, bắt giữ hơn 50 cán bộ (trong đó có Giám đốc Sở khoa học tỉnh Quảng Đông) vào tháng Hai năm 2014, và đến mùa thu cùng năm, bắt giữ bảy nhà nghiên cứu hàng đầu của năm trường đại học.

Tờ South China Morning Post tường thuật về các vụ bắt giữ ở Quảng Đông với nhận xét ráo hoảnh: “Các nhà phân tích cho rằng những vụ tham nhũng có thể cho cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao việc đầu tư cao của nhà nước vào khoa học và nghiên cứu ít mang lại kết quả.”

Ít nhất từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn giải quyết những vấn đề này, nhưng theo Minter, cũng như những cam kết cải cách các doanh nghiệp nhà nước yếu kém và không hiệu quả, đây chỉ là những lời hứa suông, bởi tình trạng trì trệ hiện tại gắn với rất nhiều những lợi ích riêng tư, gây cản trở khả năng thực hiện một cơ chế năng động dài hạn và rộng rãi hơn.

Giải pháp: thanh lọc hội đồng và tăng cường hợp tác quốc tế

Minter cho rằng Trung Quốc nên bắt đầu thay đổi từ các trường đại học: Chính phủ nên xây dựng một cơ chế tuyển dụng dựa thực sự trên năng lực thay vì đảm bảo việc làm cho hầu hết những người vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo các cấp. Đồng thời, Viện Hàn lâm Khoa học và các tổ chức tài trợ khác cần phải loại bỏ các quan chức trong quá trình xét tài trợ và triển khai một hệ thống đánh giá dựa trên năng lực, thông qua quá trình phản biện bởi đồng nghiệp (peer-review) do những chuyên gia thực hiện, trong đó xung đột lợi ích - bao gồm cả các mối quan hệ cá nhân - là căn cứ để loại bỏ những người không phù hợp tham gia hội đồng.

Trên hết, Trung Quốc nên tăng cường hợp tác quốc tế trong các dự án khoa học lớn nhất của họ, để các nhà nghiên cứu quốc tế hàng đầu có thể cung cấp những kinh nghiệm của họ và chia sẻ những thông lệ hoạt động tốt nhất. Nếu không, thử nghiệm khoa học lớn của Trung Quốc sẽ nhiều khả năng thất bại.