Hoa xác chết tự làm nóng tới 37 độ C và phát ra mùi thối để thu hút côn trùng tới giúp chúng thụ phấn.

"Hoa có thể tự làm nóng tới 37 độ C để thu hút côn trùng như bọ hung ủi phân, ruồi trâu... Côn trùng sẽ bị đánh lừa bởi mùi hương, màu sắc và nhiệt độ của hoa, bay tới rồi rời đi, mang theo phấn hoa dính ở chân. Quá trình này đảm bảo sự thụ phấn cho cây được hoàn thành", Tim Pollak, chuyên gia của Vườn bách thảo Chicago, Mỹ, trao đổi với Live Science.

1

Theo Pollak, các chất hóa học gây mùi mà hoa xác chết phát tán ra gồm: dimethyl trisulfide có mùi hành tây và pho mát nấu chín; dimethyl disulfide mang mùi tỏi, trimethylamine có mùi cá thối hoặc nước tiểu; isovaleric acid, hóa chất gây ra mùi hôi chân; benzyl alcohol có mùi hoa nhài và lục bình; phenol giống mùi thuốc xịt họng và indole có mùi băng phiến.

Hoa xác chết có thể đạt tới chiều cao 2,4 mét với tán lá rộng 4 mét. Theo sách kỷ lục thế giới Guinness, cây hoa xác chết cao nhất nở vào ngày 18/6/2010 với chiều cao đo được là 3,1 mét, tại Winnipesaukee Orchids, New Hampshire, Mỹ.

Hoa xác thối là tập hợp của nhiều hoa cái và hoa đực nhỏ phát triển từ chung một cuống, trên một cấu trúc giống như bông mo của hoa hồng môn. Nếu được thụ phấn, bông này sẽ phát triển thành một cụm hạt giống lớn màu đỏ cam.

Tuy nhiên, loài thực vật này rất hiếm khi nở hoa, khoảng 7 năm một lần, cá biệt có vài loài hoa xác chết vài thập kỷ mới nở hoa một lần và chỉ kéo dài vài ngày. Vì thế mỗi khi hoa nở đều thu hút các nhà khoa học và những người đam mê thực vật. Năm 2016, đã có 20.000 người xếp hàng vào xem hoa xác chết nở ở vườn bách thảo Chicago.

cong-dung-cua-mui-thit-thoi-rua-tu-hoa-xac-chet

Hoa xác thối tí hon trong rừng mưa Philippines. Ảnh:Edwino S. Fernando

Loài cây này được nhà thực vật người Italy Odoardo Beccari phát hiện lần đầu năm 1878 trong các vùng nhiệt đới châu Á. Nó hiện được xếp vào nhóm "dễ bị tổn hại" trong danh sách các loài thực vật bị đe doạ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Hiện nay, các khu rừng nhiệt đới ở Sumatra, Indonesia đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi nạn phá rừng và khai thác gỗ để lấy đất trồng cọ, khiến môi trường sống tự nhiên của hoa xác thối bị thu hẹp. Ước tính khoảng 72% rừng mưa nhiệt đới ở Indonesia đã biến mất và quy mô phá rừng vẫn tiếp tục ở mức báo động.