Bên trong một phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đang cho ra đời một loại vật liệu đặc biệt làm từ vỏ tôm, có thể cắt may để tạo nên những bộ quần áo với nhiều kiểu hoa văn trên bề mặt.


Hai mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của nhà thiết kế Peter Do, được làm từ loại vải đặc biệt do TômTex sản xuất. Ảnh: Dezeen
Hai mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của nhà thiết kế Peter Do, được làm từ loại vải đặc biệt do TômTex sản xuất. Ảnh: Dezeen

Sải bước trên sàn diễn trong Tuần lễ Thời trang New York 2022, hai người mẫu mặc trên mình mẫu thiết kế mới trong bộ sưu tập Xuân Hè 2023 của Peter Do. Điều gây ấn tượng cho khán giả không chỉ nằm ở kiểu dáng hay màu sắc của nó, mà còn ở chính chất liệu: vải sinh học có nguồn gốc từ vỏ tôm và sợi nấm.

Làm thế nào mà từ những chất liệu có thể xem là phụ phẩm của ngành nông nghiệp, nhà thiết kế có thể tạo ra chiếc áo và quần dài có bề mặt đặc biệt trông giống như chất liệu da như vậy? Bí quyết đằng sau loại vải đặc biệt này là một hành trình mày mò dài không chỉ của Uyên Trần mà còn của startup do cô thành lập với cái tên vô cùng đặc biệt: TômTex.

Phụ phẩm nông nghiệp


Sinh ra tại Đà Nẵng, năm 2012, Uyên Trần đến Mỹ để theo học ngành thiết kế thời trang tại San Francisco. Sau đó cô tiếp tục làm việc cho các thương hiệu lớn như Ralph Lauren và Alexander Wang.

Làm việc trong ngành thời trang, cô hiểu rõ tác động của ngành công nghiệp này đối với môi trường. Đặc biệt, với chất liệu da thuộc, mỗi sản phẩm da thuộc được hình thành đồng nghĩa với lượng nước lớn được tiêu thụ. Sau quá trình thuộc da, lượng nước này đã nhiễm vô số những chất cặn bẩn, thậm chí cả hóa chất độc hại.

Làm thế nào để tạo ra được một loại vải có thể phân hủy sinh học, mà quá trình sản xuất nên nó cũng không gây hại cho môi trường? Câu hỏi này đã thôi thúc Uyên Trần mày mò các loại vật liệu khác nhau để tạo nên vải. Ban đầu, cô thử nghiệm với các loại vải làm từ tảo, sau đó cô dần suy nghĩ đến việc tái chế phụ phẩm của ngành thực phẩm để sản xuất nên vải bền vững. “Thế giới đang cạn kiệt nguyên liệu thô, vì vậy tôi muốn tái sử dụng những chất thải này thành vật liệu sinh học mới”, Uyên giải thích [1].

Cô nhận thấy mình có thể tận dụng vỏ tôm, cua, vảy cá, để chiết xuất một loại polymer sinh học gọi là chitin. Chất này thường được tìm thấy trong vỏ của côn trùng và động vật giáp xác, khiến chúng vừa cứng vừa dẻo dai. Từ chất này, có thể chiết xuất được “Chitosan” – một polymer tự nhiên có cấu trúc vừa bền vừa linh hoạt với nhiều tính năng độc đáo, đặc biệt khả năng phân hủy sinh học và kháng khuẩn.

Để tạo hoa văn bề mặt mô phỏng da rắn, da cá, nhà thiết kế tự làm khuôn thủ công bằng đất sét hoặc in 3D theo yêu cầu. Ảnh: Dezeen
Để tạo hoa văn bề mặt mô phỏng da rắn, da cá, nhà thiết kế tự làm khuôn thủ công bằng đất sét hoặc in 3D theo yêu cầu. Ảnh: Dezeen

Từ chitosan thô, cô tạo ra một loại chất lỏng màu nâu nhớt, sau đó bổ sung một loại “nước xốt bí mật” cùng các nguyên liệu như than củi, cà phê và đất son để tạo ra nhiều lựa chọn màu sắc. Hỗn hợp sau đó được đổ vào khuôn để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng trong hai ngày. “Quá trình này không cần nhiệt, do đó nó tiết kiệm nhiều năng lượng hơn và giảm lượng khí thải carbon”, Uyên mô tả với tờ Dezeen.

Từ đây, một loại da mới thay thế cho da bò đã ra đời, có thể phân hủy sinh học, có thể tái chế, bền, thoáng khí, giá cả phải chăng. Và thậm chí có thể ăn được, “nhưng mà nó không ngon đâu”, người cộng sự của Uyên - Ross McBee, đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học của TômTex tiết lộ rằng với Wired mình đã thử ăn loại vật liệu này. Hợp chất được tạo ra có thể tùy chỉnh để giống với da, cao su hay nhựa bằng cách điều chỉnh tỷ lệ và cách sản xuất. [2]

Mỗi năm, có tới 8 triệu tấn vỏ hải sản phế thải và 18 triệu tấn bã cà phê thải ra từ ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Có thể xem đây là “một mũi tên trúng hai đích”, Uyên đã tạo ra một loại vật liệu có thể phân hủy sinh học, vừa tận dụng nguồn phụ phẩm đầy tiềm năng.

Đó là cách TômTex ra đời. TômTex được ghép từ chữ “tôm” trong tiếng Việt và chữ “tex” viết tắt của “textile” (dệt may). Công ty đã huy động thành công 1.7 triệu USD cho vòng tiền hạt giống. Hiện tại họ đang chuẩn bị cho giai đoạn hạt giống để phát triển kinh doanh. Loại vải này cũng nhận nhiều giải thưởng lớn trong làng thời trang như LVMH Innovation Award, CFDA K11 Innovation, Biodesign Challenge, Techstyle for Social Good, Surface Design Association Creative Promise Award…

Tiếp tục cải tiến


Dù là một vật liệu an toàn với môi trường, nhưng sẽ rất khó để ứng dụng vào thực tế nếu nó không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Hiểu được điều đó, đội ngũ của TômTex vẫn chưa vội sản xuất với số lượng lớn, mà vẫn đang tiếp tục phát triển sản phẩm của mình.

TômTex hiện đang chuyển từ một phòng thí nghiệm nhỏ ở Newlab sang một không gian sản xuất thử nghiệm lớn hơn ở Navy Yard. Kể từ khi mẫu vải sinh học đầu tiên vào năm 2020, thương hiệu này đã có những cải tiến vượt bậc đối với các đặc tính và thành phần của vật liệu để cải thiện độ bền và tính thẩm mỹ của nó.

Để tạo hoa văn bề mặt, nhà thiết kế tự làm thủ công bằng đất sét hoặc in 3D theo yêu cầu. “TômTex có thể tái tạo bất kỳ bề mặt kết cấu nào. Chúng tôi có thể tùy chỉnh công thức để tạo ra vật liệu giống da, giống cao su hoặc giống nhựa, tùy theo nhu cầu sử dụng”, công ty cho biết.

“Ví dụ, bằng cách điều chỉnh một cách tinh tế công thức, chúng tôi đã có thể tăng hơn gấp ba lần độ bền, độ dai của nó mà không cần bổ sung thêm bất kỳ loại nhựa nào – thực tế, loại da này 100% là chất sinh học,” Uyên khẳng định. “Tương tự như vậy, chúng tôi đã thay đổi quy trình và công thức của mình để cải thiện bề mặt của vật liệu, tăng thêm độ mềm mại và mượt mà”.

Một khó khăn lớn mà công ty gặp phải, đó là làm thế nào để tăng khả năng chống nước của vật liệu. Mất một quãng thời gian dài, đội ngũ công ty phát hiện ra rằng nếu phủ thêm một lớp sáp ong, sản phẩm của TômTex sẽ có khả năng chống nước. Khi đó, họ mới có đủ tự tin để bắt đầu chia sẻ vật liệu thay thế da này với các thương hiệu lớn hơn.

Để kéo dài vòng đời của vật liệu, McBee cho biết họ đã thử nấu chảy các mẫu cũ và biến chúng thành các mẫu mới. “Vật liệu sinh học TômTex tái chế có hiệu suất và chất lượng cao như sản phẩm ban đầu, vì vậy chúng ta có thể tối đa hóa vòng đời của sản phẩm đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, Uyên giải thích thêm. “Hơn nữa, tôi không tin vào việc mình có thể thiết kế thứ gì đó tồn tại mãi mãi. Nếu sản phẩm TômTex bị đưa ra bãi rác, nó sẽ phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên trong vài tháng, và thậm chí có thể dùng làm phân bón cho cây trồng.”

Đã có một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu da sinh học thuần chay “thân thiện với môi trường”, nhưng về cơ bản chúng vẫn được bao phủ bởi một lớp màng nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch, vẫn tạo ra vi nhựa không tốt cho môi trường. Nhiều người cho rằng về cơ bản sản phẩm của TômTex cũng không hơn gì, khi đây không phải là vật liệu thuần chay, vì chitosan vẫn được chiết xuất từ vỏ thủy hải sản. Với những khách hàng như vậy, TômTex có phiên bản làm từ sợi nấm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc trồng hoặc tìm nguồn cung ứng nấm khó khăn và đắt đỏ hơn nhiều so với việc tận dụng phế phẩm tôm.

Hiện tại, TômTex đã hợp tác cùng VietnamFood (VNF) đảm bảo nguồn Chitosan ổn định từ phế phẩm vỏ hải sản. Khi đã đảm bảo được nguồn nguyên vật liệu, công ty hy vọng có thể thương mại hóa vào năm 2024. Uyên cho biết đã có khoảng 500 nhãn hàng thời trang, nội thất, thiết bị công nghệ và xe hơi liên lạc yêu cầu hỗ trợ sản phẩm. Tại cơ sở nghiên cứu của TômTex, các thành viên của công ty đã treo một tấm bảng trắng liệt kê một số tập đoàn thời trang lớn nhất thế giới với số lượng sản xuất bên cạnh. Song, công ty kỳ vọng sẽ mở rộng việc kinh doanh và lấn sân sang các lĩnh vực công nghiệp khác như hàng tiêu dùng công nghệ, thiết bị nội thất và bao bì.

TômTex sẽ phải đẩy nhanh việc thương mại hóa, trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm các vật liệu xanh ngày càng trở nên cấp thiết.

Chú thích: