Trong suốt thế kỉ 20, tuổi thọ của người Mỹ nói chung có xu hướng thay đổi phụ thuộc vào nền kinh tế. Song, điều này không có nghĩa là nền kinh tế càng phát triển, tuổi thọ càng tăng.

Cuộc Đại Khủng hoảng là giai đoạn khó khăn và làm thay đổi vận mệnh của vô số người dân Mỹ, khi hàng triệu người phải vật lộn để tìm việc làm. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của người Mỹ lại tăng lên trong thời điểm này. Trên thực tế, nghiên cứu lịch sử cho thấy rằng trong thế kỷ 20, tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ thường tăng lên trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, và ngược lại, giảm bớt trong thời kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng kinh tế.

Trong vài năm đầu tiên sau sự kiện thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929, theo giáo sư chính trị học Jose A. Tapia Granados, tự tử là yếu tố gây tử vong chính. Ngoài ra, Tapia phát hiện rằng trong hoảng thời gian từ 1930 đến 1932 - giai đoạn đen tối nhất của cuộc khủng hoảng, các ca tử vong do bệnh tim mạch và thận có tỉ lệ ổn định hơn, trong khi số ca tử vong do tai nạn giao thông, bệnh lao, cúm và viêm phổi cũng giảm rõ rệt.

Kết quả là, tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã tăng từ xấp xỉ 57 tuổi vào năm 1929 lên 63 tuổi vào năm 1933. Trong cả hai thập kỷ, người da màu có tuổi thọ trung bình thấp hơn người da trắng. Tuy nhiên, khi khủng hoảng ập đến, tuổi thọ trung bình của người da màu tăng nhanh hơn hẳn so với người da trắng, tương đương 8 năm trong giai đoạn 1929-1933.

Nhà đầu tư Walter Thornton cố gắng bán chiếc xe roadster sang trọng của mình đổi lấy 100 đô la tiền mặt trên đường phố New York sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929. Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images.

Dù không có trả lời chắc chắn về lý do tại sao người Mỹ sống lâu hơn trong thời kỳ đen tối này, song các học giả vẫn đưa ra một số gợi ý như sau. Lấy ví dụ về các ca tử vong do tai nạn giao thông, trong những năm 1920, tỉ lệ sử dụng xe hơi tăng rõ rệt sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới số tai nạn giao thông. Còn trong năm thập niên 30, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đồng nghĩa với ít người tham gia giao thông hơn, ít người có khả năng sở hữu ô tô. Bức ảnh trên là một ví dụ điển hình cho việc các nhà đầu tư phá sản do thị trường chứng khoán phải bán đi mọi tài sản có thể, bao gồm chiếc xe ô tô.

Một nghiên cứu cũng cho rằng, trong quá trình tăng trưởng kinh tế, số người hút thuốc lá nhiều hơn, gặp nhiều căng thẳng hơn và ngủ ít hơn, và tất nhiên, gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Điều này không chỉ hợp lý trong hoàn cảnh cuộc Đại suy thoái, mà còn với những cuộc suy thoái kinh tế khác trong thế kỷ 20. Năm 2018, Tapia đã tham gia nghiên cứu dữ liệu về ba cuộc suy thoái diễn ra trong giai đoạn 1985-2011 và phát hiện rằng những suy đoán thông thường về nhóm người thất nghiệp do khủng hoảng kinh tế lại không hề chính xác. Mặc dù những người thất nghiệp trong nghiên cứu có mức độ trầm cảm cao hơn, nhưng họ có huyết áp trung bình thấp hơn, hút thuốc hoặc uống rượu ít hơn những người có việc làm. Lịch sử cũng đã chứng minh, doanh thu thuốc lá tăng vọt khi kinh tế phát triển và đi theo hướng ngược lại khi gặp khủng hoảng.

Tuổi thọ dài hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế được ghi nhận sớm nhất vào những năm 1920, khi William Ogburn và Dorothy Thomas phân tích dữ liệu của Mỹ và Anh. Vào năm 1977, Joseph Eyer đã làm khơi dậy lại lý thuyết này với một bài báo có tựa đề giật gân: “Thịnh vượng và vai trò gây chết người”. Ngày nay, các học giả đã quan sát được xu hướng tương tự ở châu Âu và nảy ra một số cuộc tranh luận về ý nghĩa của nó.

Một lập luận cho rằng, sự tăng và giảm tỷ lệ tử vong do nền kinh tế phản ánh một giai đoạn chuyển giao. Theo đó, tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn trong một nền kinh tế tốt vì điều kiện sức khỏe kém mà mọi người trải qua trong thời kỳ suy thoái trước đó. Và khi khủng hoảng xảy ra, tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn trong một nền kinh tế sụp đổ bởi vì quá trình phát triển kinh tế trước đó tạo nhiều điều kiện tốt đẹp cho con người.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một nền kinh tế “tốt” không có nghĩa là điều kiện sống của con người cũng vậy. Năng suất kinh tế tăng thường gây ra nhiều ô nhiễm, gây bất lợi cho những đối tượng có ít cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế và nhà ở an toàn. Đặc biệt, trẻ sơ sinh là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi điện môi trường kém; do đó, các yếu tố như ô nhiễm không khí gia tăng cũng có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Thực chất, việc lý giải một cách đơn giản về hiện tượng này là không thể, song nhờ vậy, các giả định rằng sức khỏe của người dân trong một quốc gia yếu đi khi nền kinh tế chuyển biến xấu đã có lý do để bị bác bỏ.

Nguồn: https://www.history.com/news/great-depression-economy-life-expectancy