“Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính: Sự hình thành kinh tế học hành vi” (2015) là lời tự sự về câu chuyện “lập nghiệp” của Richard Thaler từ lúc ngành này còn bị các bậc “cha chú” hắt hủi đến ngày nó trở thành một hướng nghiên cứu kinh tế học chính thống và bản thân Thaler được trao giải Nobel Kinh tế vì đã thúc đẩy một lối tư duy hoàn toàn mới về cách con người ra quyết định, có ảnh hưởng không chỉ trong giới học thuật mà còn trong các chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của người dân.
Nền tảng của kinh tế học hành vi dựa trên thông điệp rằng con người là loài động vật phi lý, suy nghĩ thiên vị và hành xử cảm tính, khác xa với những giả định lý tưởng về “Homo economicus” (Con người kinh tế) tồn tại lâu đời trong ngành. Nhưng chúng ta không chỉ phi lý ngẫu nhiên, mà phi lý một cách có hệ thống, bởi vậy những người như Thaler mới có thể mô hình hóa và dự đoán bạn sẽ mắc lỗi “bài bản” như thế nào.
Trong suốt 500 trang sách, độc giả có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện lịch sử thú vị về các thiên kiến nhận thức và lỗi ra quyết định nổi tiếng. Bản thân Thaler được nhiều người biết đến với hai hiệu ứng mà ông đặt tên: Kế toán nhận thức (Mental accounting), lý giải tại sao chúng ta không xót 500 nghìn khi mời mẹ vợ đi ăn, nhưng lại tiếc “đứt ruột” khi đánh vỡ chiếc cốc 50 nghìn; và Hiệu ứng sở hữu, lý giải tại sao chúng ta luôn định giá những thứ “của mình” cao hơn.
Ngoài ra, Thaler gây tranh cãi với quan điểm “cú hích” khi những nhà chính trị áp dụng lý thuyết của ông vào các chính sách. Nếu tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính thì bạn sẽ thường xuyên đưa ra các quyết định không có lợi cho mình về mặt dài hạn hoặc bị các công ty, nhà quảng cáo thao túng cuộc sống thường nhật. Câu hỏi đặt ra là, với các kiến thức về sự cảm tính đó, chính phủ có thể và có nên làm gì để “giúp” người dân ứng xử lý trí hơn? Thaler cho rằng chính phủ có thể xem xét các “cú hích”, hay nói cách khác là ứng dụng những kỹ thuật tâm lý trong chính ngành kinh tế học hành vi, để “định hướng” người dân đưa ra lựa chọn tốt hơn cho mình.
Trong phần cuối cuốn sách, Thaler đã đáp lại những chỉ trích đối với chủ nghĩa cha mẹ (paternalism) trong chính phủ mà cuốn “Cú hích” (2009) dường như gợi ý. Ông viết: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý rằng cú hích có thể giải quyết được mọi vấn đề. Một số luật cấm và điều lệ là không thể tránh khỏi. Không một xã hội nào có thể tồn tại mà không có các quy tắc và luật lệ... Vì vậy mục tiêu của chúng tôi cũng có giới hạn. Chúng tôi muốn biết chính phủ có thể hoạch định chính sách giúp đỡ người dân tới đâu mà không cần phải ra lệnh cho họ... Chúng tôi chỉ muốn giảm thiểu cái mà bản thân mọi người tự gọi là những sai lầm.”
Nhận xét về cuốn sách của người học trò “phản đạo” với kinh tế học truyền thống, Daniel Kahneman, Nobel Kinh tế 2002, viết: “Thiên tài sáng tạo [Richard Thaler], người sáng lập ra ngành kinh tế học hành vi, cũng là một bậc thầy kể chuyện và một người đàn ông hài hước. Tất cả những tài năng đó sẽ được trình diễn trong cuốn sách này.”