Để giải quyết sạt lở đất đai đang ngày càng đe dọa đến đời sống của người dân, đồng thời góp phần tạo sinh kế bền vững, chị Nguyễn Thị Hoài đã xây dựng doanh nghiệp Hương Hồng Hạc để phát triển việc trồng cỏ Vetiver trong cộng đồng và làm ra sản phẩm hương hữu cơ.

Vào giữa năm 2017, chị Nguyễn Thị Hoài, một người hoạt động vì môi trường, có tham gia diễn đàn về biến đổi khí hậu, trong đó các nhà khoa học nhắc đến cỏ Vetiver, một loại cây có bộ rễ ăn sâu từ 2-6m, có thể chịu được lực bằng 1/6 lần so với bê tông, rễ mọc thành mạng lưới dày đặc giữ cho đất kết dính lại, đồng thời không cho đất bị bật ra khi gặp dòng chảy có vận tốc lớn. Một hàng cỏ trưởng thành có thể giảm tới 70% nước chảy bề mặt và tới 90% bùn đất rửa trôi. Trên thế giới, từ giữa thập niên 80, có khoảng 106 nước sử dụng công nghệ cỏ Vetiver với mục đích bảo vệ môi trường, điển hình làẤn Độ, Thái Lan, Philippines, Columbia, Nepal…

Tìm hiểu qua tài liệu, chị được biết tại Việt Nam, từ năm 2001, hàng chục thử nghiệm về cỏ Vetiver đã được tiến hành, đánh giá, nghiệm thu ở quy mô nhỏ và vừa, với mục đích khác nhau như: Làm sạch nước trong đầm hồ chăn nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long, xử lý nước thải Nhà máy giấy ở Bắc Ninh, xử lý nước thải nhà máy Phân đạm Hà Bắc...

Năm 2018, tại triển lãm Quốc tế Công nghệ Môi trường và Năng lượng, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đã đưa ra giải pháp dùng cỏ Vetiver bảo vệ các bãi thải tránh tình trạng trượt, lở đất đá. Tuy nhiên đến nay, Vetiver vẫn chỉ được biết đến như giải pháp riêng của một số công ty mà chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy, “tâm nguyện của tôi là làm sao để phổ biến cỏ Vetiver càng rộng càng tốt, cả hiểu biết về cỏ Vetiver trong cộng đồng lẫn mở rộng quy mô trồng cỏ” Chị Hoài chia sẻ.

Chị Hoài (bìa trái) và các thành viên Nhóm dự án trồng cỏ Vetiver chống sạt lở tại Yên Bái.

Trong quá trình vận động người dân trồng cỏ Vetiver bảo vệ đất, trở ngại đầu tiên là phải có kinh phí mua giống cây (khoảng 1,000 VND/cây) và các chi phí vận tải. Vì thế, chị quyết định xây dựng một doanh nghiệp gồm hai nhánh bổ trợ nhau: trồng cỏ tại vườn (hiện nay là Ninh Bình) để khai thác rễ làm hương hữu cơ tạo lợi nhuận, đem một phần lợi nhuận đó (2% doanh thu) cùng với cây cỏ tự nhân giống từ vườn để mang đi trồng tại các vùng sạt lở nhằm giữ đất.

Doanh nghiệp của chị không chỉ tạo ra vốn hoạt động và nguồn giống cỏ cho những chiến dịch vì môi trường mà còn tạo ra một sản phẩm hương sạch thay thế cho hương hóa học độc hại hiện nay.

***

Từ trước tới nay, ở Việt Nam cỏ Vetiver chủ yếu được khai thác làm tinh dầu, nhưng đây là một mặt hàng xa xỉ tương đối kén khách hàng. Trong khi đó, hương nhang lại là một phần quan trọng gần gũi trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam và đang có khoảng trống rất lớn trong nhu cầu sản phẩm hương an toàn cho sức khỏe.

“Cỏ Vetiver có một mùi thơm thảo mộc và tôi muốn sử dụng chính loại rễ cỏ đó, không pha tạp thêm bất kỳ hóa chất nào để tạo ra một dòng hương thuần túy.” chị Hoài chia sẻ. Doanh nghiệp của chị là nơi đầu tiên áp dụng cỏ Vetiver để sản xuất hương.

Rễ cỏ Vetiver là những “Bức tường bê tông sinh học” chống sạt lở đất và có thể làm hương.

Trong quan niệm truyền thống, hương càng cong thì nhà càng có lộc. Tuy nhiên theo các nhà hóa hoc, đậu tàn (hay cuốn tàn) chính là biểu hiện rõ rệt nhất chân nhang được ngâm axit photphoric H3PO4 để cháy cuộn tròn và không bị đứt gãy, còn nguy hiểm hơn cả khói thuốc lá”.

Khắc phục những nhược điểm trên, Hương Hồng Hạc chỉ sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như bột rễ Vetiver, keo bột cây bời lời và lõi Trúc quân tử. Giống như một số loại hương hữu cơ khác, Hương Hồng Hạc khi cháy sẽ chỉ còn tro mà không tạo tàn cong.

Kết quả xét nghiệm khói hương cho thấy Hương Hồng Hạc đạt chuẩn quốc gia về chất lượng không khí công nghiệp QCVN 19:2009/BTNMT và TCVN 6994:2001; lượng vi lượng chất vô cơ trong hương gần như không tồn tại (ở mức dưới 1mg/Nm3 trên ngưỡng cho phép 12 - 510mg/ Nm3 – đơn vị mét khối khí thải chuẩn); không phát hiện các chất độc hại thường có trong hương hóa học như Benzene, Nitrosamines và Formaldehyde.

Hiện nay, Hương Hồng Hạc tiêu thụ khoảng 1000 hộp/tháng, trong những dịp lễ tết con số này có thể gấp 7-10 lần. Doanh thu trung bình của doanh nghiệp khoảng 40-50 triệu đồng/tháng, có hơn 20 đại lý phân phối trên toàn quốc, thuộc nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. Với một doanh nghiệp chưa đầy 1 tuổi, đây là những kết quả rất khả quan.

Để đảm bảo nguyên liệu Vetiver để sản xuất hương, từ cuối năm 2017, chị Hoài trồng thí điểm cỏ ở Ninh Bình rồi phổ biến cho các nhà vườn tại địa phương, cam kết tuân theo các nguyên tắc hữu cơ: không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay hạn chế tối đa phân hóa học; thay vào đó sử dụng phân chuồng, bèo tây, rơm rạ và chính lá cỏ Vetiver để bón cho đất.

Doanh nghiệp có 6 nhà vườn chính với tổng diện tích trồng khoảng 1ha. Khi tham gia vào quy trình, một số nông dân phản ánh họ thích việc không phải sử dụng thuốc hóa học như trước mà lại có thu nhập cao. Ước tính, thu nhập từ trồng cỏ khai thác thương mại là 250-400 triệu/ha/năm, so với mức giá trị sản xuất trung bình của tỉnh là 110 triệu đồng/ha.

Để phổ biến nhận thức cộng đồng về cỏ Vetiver và sản phẩm hương sạch, chị Hoài thường xuyên xuất hiện ở những hội thảo, diễn đàn về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Mặc dù không đăng ký là một doanh nghiệp xã hội, Hương Hồng Hạc vẫn đang đi theo hướng trách nhiệm vì mục tiêu cộng đồng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phổ biến nhận thức và kêu gọi sự chung tay của tập thể. Chị tâm nguyện: “Khi nhận được thì cũng phải cho đi cho xứng đáng. Nếu có khả năng làm, thì mình cứ bắt tay vào thực hiện thôi”.