Báo Khoa học và Phát triển nhận được ý kiến của TS Trần Phương Ngọc Thảo, ĐH Harvard, bàn về nội dung cốt lõi nhất của vụ kiện này: Tính giá trị thiệt hại trong vụ Vinasun Grab – Cần có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, những giả định hợp lý và không nên vội vã.
Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực tính toán thiệt hại kinh tế do cạnh tranh, trên phương diện cả về khía cạnh kinh tế và pháp luật, nhưng cũng muốn chia sẻ một vài suy nghĩ chung như sau.
Trước hết cần khẳng định là không thể tính thiệt hại một cách đơn giản bằng cách lấy doanh thu hoặc lợi nhuận trước khi có Grab tham gia thị trường và trừ đi doanh thu/lợi nhuận sau đó.
Trong việc tính thiệt hại để làm cơ sở xác định mức bồi thường, điều rất quan trọng là xác định được trường hợp so sánh đối chiếu, tức là giá trị X giả định (doanh thu hoặc lợi nhuận) sẽ là gì nếu sự kiện Y không xảy ra. Ở đây Y là sự kiện gây ra thiệt hại. Sự kiện Y cần được xác định một cách chính xác về mặt luật pháp.
Cụ thể ở đây, sự kiện Y không thể là một định nghĩa chung chung rằng đó là sự kiện Grab tham gia vào thị trường tương đương taxi tại Việt Nam, vì đây là xu thế tất yếu, không thể tránh khỏi. Sự kiện Y cần được xác định dựa trên những vi phạm cụ thể, ví dụ như Grab tham gia thị trường khi chưa được công nhận từ thời điểm … đến thời điểm …, không phải chịu những chi phí do pháp luật quy định như công ty taxi, tổ chức khuyến mãi trái quy định v.v. và v.v.
Yếu tố X thực tế ngoại trừ bị ảnh hưởng bởi sự kiện Y (do vi phạm Grab gây ra) còn chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố khác bao gồm yếu tố Z (do Grab gây ra nhưng không hề vi phạm), yếu tố chung của thị trường, yếu tố bởi các đối thủ cạnh tranh khác.
Việc cạnh tranh giữa Grab và Vinasun có những yếu tố không hề vi phạm luật lệ, ví dụ như ứng dụng công nghệ, thái độ phục vụ của tài xế, xe đẹp hơn, khuyến mãi hợp với quy định v.v. Những điều này đều gây thiệt hại (mất thị phần, giảm lợi nhuận) cho Vinasun nhưng không thể buộc Grab bồi thường.
Những yếu tố chung của thị trường tác động đến Vinasun có thể kể đến thu nhập, nhu cầu đi lại của người dân (thay đổi theo mùa vụ), hoạt động của các hãng taxi khác (tăng/giảm số xe, tăng/giảm giá cước,…)
Ngoài ra hành động phản ứng của Vinasun cũng có thể gây ra thiệt hại cho chính họ (ví dụ như việc dán decal phản đối, thái độ phục vụ của tài xế Vinasun thay đổi…)
Để tính toán tác động của các yếu tố này cần có một mô hình kinh tế cung – cầu, trong đó phân tích ra những yếu tố tác động đến nhu cầu và việc lựa chọn công ty taxi của người tiêu dùng. Ví dụ như giá cước tác động đến quyết định của người tiêu dùng khi chọn công ty taxi bao nhiêu %, chất lượng dịch vụ bao nhiêu %, …
Đối với giá cước, do một trong những vi phạm của Grab có thể là các chương trình khuyến mãi “khủng”, cần phải xác định nếu Grab không phá giá (tức là công ty Grab bù lỗ cho tài xế để dành thị phần, cạnh tranh không lành mạnh), không tổ chức các khuyến mãi trái quy định, đồng thời nếu Grab phải đóng đầy đủ các lệ phí như công ty taxi truyền thống dẫn đến giá cước tăng lên thì giá cước của Grab sẽ là bao nhiêu và khi đó thì số người lựa chọn Grab sẽ là bao nhiêu, số người lựa chọn Vinasun là bao nhiêu.
Tương tự, một mô hình liên quan đến việc chuyển dịch tài xế (như Vinasun đưa ra lập luận là tài xế taxi nghỉ việc để chạy cho Grab) cũng cần tính đến các yếu tố không vi phạm luật (ví dụ như sự chủ động giờ giấc khi chạy xe Grab…) và liên hệ ngược lại giữa việc tài xế nghỉ việc đến chi phí và lợi nhuận của Vinasun.
Với những giả định khác nhau và đôi khi là mô hình khác nhau sẽ dẫn đến các con số thiệt hại khác nhau. Tòa án sẽ cân nhắc giữa các giả định, tính khoa học của các mô hình tính toán để đưa ra con số phán quyết cuối cùng. Tóm lại, cá nhân tôi ủng hộ việc vụ kiện có thể kéo dài để đạt được tính chính xác càng cao càng tốt (dù không bao giờ có thể tuyệt đối) vì khả năng tác động lớn của nó đến những vụ kiện tương tự trong tương lai.