Hơn 20 năm trước, cô gái Ngô Giang Liên lặn lội vào nơi rừng thiêng nước độc Khánh Hòa tìm... muỗi, bỏ lại nơi đó nước da trắng hồng. Cùng với bệnh sốt rét ác tính, bà mang về những cơ sở khoa học làm nền tảng cho việc xác định căn nguyên bệnh để tìm cách chống lại nó.

“Trước đây, việc phân loại muỗi chủ yếu dựa vào quan sát hình thái. Tiến sỹ (TS) Liên là người đầu tiên xác định hướng nghiên cứu dựa vào nhiễm sắc thể và phân loại tương đối rõ về loài muỗi gây bệnh sốt rét” - TS Nguyễn Tuyên Quang - nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương - nhận định.

Người say mê muỗi

Cuộc trò chuyện của PGS-TS Ngô Giang Liên với tôi chỉ xoay quanh loài muỗi - sinh vật làm thay đổi cuộc đời bà cả ở cả hai khía cạnh - đời thường và khoa học. Cũng qua loài đó, bà góp phần thay đổi cuộc sống của hàng nghìn người lẽ ra đã có thể là nạn nhân của bệnh sốt rét.

“Muỗi rất khôn. Không phải cứ là muỗi thì loài nào cũng giống loài nào đâu nhé. Có con đi đốt lúc 2 giờ đêm, có con đốt khi hoàng hôn xuống. Có con chỉ đốt người, có con chỉ đốt gia súc” - TS Liên hào hứng nói.

“Ấy vậy mà vào thời chưa xa - những năm 80 thế kỷ trước, nhận biết của khoa học Việt Nam về muỗi vẫn còn rất lơ mơ, hầu như chỉ phân biệt các loài bằng mắt. Đầu những năm 1990, nước ta có trận dịch sốt rét làm chết hơn 4.000 người. Tôi nghĩ muốn tìm ra cách phòng, chống hiệu quả thì phải xác định rõ vector truyền bệnh”. Thế là bà “xách balô lên và đi” và chuyến thực địa vào Khánh Phú (Khánh Hòa) năm 1993 vẫn in đậm trong ký ức bà cũng như đồng nghiệp.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Ngô Giang Liên.

Đội trưởng đội Khánh Phú ngày ấy - TS Nguyễn Tuyên Quang - kể: “Đó là nơi rừng thiêng nước độc, ai được phân công vào đều rất ngại. Khánh Phú là xã tận cùng của huyện Khánh Vĩnh, đi tiếp nữa là lên rừng. Vào mùa mưa, nó gần như thành hòn đảo, cô lập với bên ngoài”.
“Muỗi ở Khánh Phú thì nhiều vô kể” - TS Liên nói bằng giọng... sung sướng của người bắt được vàng.

Và nơi đó đã diễn ra cảnh tượng mà nếu ai chứng kiến sẽ khó tin vào mắt mình: Cô gái Hà Nội nhỏ nhắn, xinh tươi tự biến mình thành mồi cho muỗi bằng cách vén quần áo lên dụ muỗi, chờ chúng hút ho máu thì dùng đèn pin rất nhỏ soi và bắt bằng ống hút. TS Quang bảo, đây là phương pháp nguy hiểm bởi “người dụ muỗi giống như một con chuột thí nghiệm”. Tuy nhiên với điều kiện hồi đó, đây là cách tốt nhất TS Liên có thể dùng để có mẫu vật nghiên cứu. Những mẫu vật này được trả giá bằng máu và sự an toàn của mình nên bà trân quý vô cùng.

“Những con muỗi cái sau khi hút máu bụng no căng nên khi vận chuyển ra Hà Nội để nghiên cứu thì chết rất nhiều do va đập. Tôi xót xa, tiếc quá nên quyết định ở lại Khánh Phú nghiên cứu trong 3 tháng, thay vì chỉ đi 1-2 tuần tìm muỗi như dự định ban đầu” - TS Liên chia sẻ.

Thời điểm đó, ngay cả phòng thí nghiệm của trường đại học nơi bà công tác còn xập xệ với thiết bị thô sơ, nên phòng thí nghiệm ở Khánh Phú có thể coi như không có gì. TS Liên bèn “xây nhà” cho muỗi bằng cách đặt các vại nước trong rừng. Bà giải thích: “Loài muỗi có đặc tính rất lạ, cứ đốt người xong là thích trú ở chỗ mát. Phòng thí nghiệm nuôi muỗi chuẩn phải duy trì nhiệt độ từ 18-220C. Để có mức nhiệt này, tôi đặt “nhà” của muỗi dưới tán cây cổ thụ”.

Người trong đoàn vẫn trêu rằng Ngô Giang Liên ngắm bọ gậy say mê như ngắm con. “Sao mà không say sưa, thích thú cho được khi thấy những con bọ gậy khỏe như vậy. Ngay các phòng thí nghiệm chuẩn không phải lúc nào cũng có được tiêu bản đẹp đến thế” - bà “thanh minh”. Kết quả niềm đắm say ấy là đến tận 27 tết, cô gái mới quyết định quay về Hà Nội, khi đội nghiên cứu đã về hết. Hành lý mang theo lỉnh kỉnh toàn hòm tiêu bản muỗi.

Vì khoa học, hoa khôi thành “hoa hôi”

Trở về thủ đô, TS Liên phát bệnh sốt rét với những cơn sốt nóng, giật, rét, run triền miên. Bà Trần Thị Uyên - từng là bác sỹ khoa Nghiên cứu, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, người điều trị cho bà - kể: “Cô Liên bị sốt rét ác tính, nước da từ trắng hồng chuyển sang tái mét, môi thâm đen, mất máu, sức khỏe rất yếu, có thể mất mạng nếu không điều trị kịp thời”.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Ngô Giang Liên tại phòng thí nghiệm ở Anh. Ảnh: NV

“Mọi người nói đùa với tôi rằng, trước là hoa khôi, giờ thì là hoa hôi” - TS Liên cười và cho biết bà mãi mãi chịu di chứng của bệnh sốt rét. Làn da của bà không bao giờ lấy lại được sắc hồng mơn mởn trước đây nữa. Gia đình vừa sợ vừa xót. Người cha - vốn cũng làm khoa học - thấy cô con gái xinh đẹp nay thân thể gầy mòn thì không khỏi đau lòng thừa nhận, ông đã không lường hết những nguy hiểm của nghề này.

“Vẫn cổ vũ mọi nghiên cứu của tôi, song bố luôn nhắc tôi giữ gìn bản thân” - TS Liên tâm sự. “Nhưng đó là cái giá tôi chấp nhận trả cho khoa học, không bao giờ ân hận. Nó cho tôi nhiều giá trị, không chỉ là bằng cấp hay danh hiệu mà trên hết là sự thay đổi tư duy, phương pháp nghiên cứu, là cơ hội đi nhiều nơi, kể cả những chốn rừng thiêng nước độc, hiểu được đời sống của người dân”.

Bản thân bị hành hạ bởi sốt rét, TS Liên càng hiểu sự đau đớn của bệnh nhân, đặc biệt là những đứa trẻ da bọc xương phải chịu đựng cùng lúc 2-3 loài ký sinh trùng, có khi chỉ sống thêm vài ba tuần kể từ khi bà gặp.

Giọng run run, bà kể: “Tôi nhớ lần đến vùng sốt rét ở Thung Dâu, Hòa Bình, người dân chết rất nhiều. Khi đoàn đến nơi, ở đó không còn ai vì người sống sót đã bỏ đi. Đêm ấy mưa, chúng tôi không thể ra thị trấn, phải ngủ lại những ngôi nhà hoang trong tình trạng đói lả. Cảm giác rất rùng rợn. Những chuyến đi như vậy ám ảnh tôi đến tận bây giờ, là động lực thôi thúc tôi nghiên cứu để góp chút công sức vào công cuộc phòng, chống bệnh sốt rét”.

PGS-TS Ngô Giang Liên sinh năm 1951, tại Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm bộ môn Tế bào mô - phôi và lý sinh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Hình thái học Việt Nam, là thành viên của Tổ chức Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc tế. Bà là tác giả, đồng tác giả của hơn 20 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế.

GS-TS trương Quang Học - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội:

“Có lần chúng tôi đi thực địa tại Thung Dâu, Lương Sơn, Hòa Bình, lúc dọn cơm ra, đoàn không thấy cô Liên về ăn. Cả nhóm chờ đợi, rất đói, lại thêm cảm giác “người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. Lát sau cô Liên về với một cái bát không. Sau tôi phát hiện ra, lúc nấu cơm xong, cô Liên lấy một ít thức ăn và một ít cơm trong suất của mình đem sang xóm bên cạnh cho một em bé ốm rất nặng vì sốt rét. Khi biết chuyện, tôi rất ân hận vì đã trách cô ấy”.

Nhà côn trùng học Nguyễn Sơn Hải - nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương:

“Phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học - nhất là khi đi thực địa - phải chịu vất vả gấp đôi nam giới. Cùng công tác trong đội nghiên cứu đi Khánh Phú nhiều năm trước, tôi thấy cô Liên tham gia tích cực không khác đàn ông. Cô lội suối, thức suốt đêm bắt bọ gậy, nhiều khi vào rừng sâu 3-4km hay ngủ đêm tại rừng. Đó là một con người năng nổ, yêu khoa học, ham mê nghiên cứu”.