Trong những trận chiến với người Carthage, người Hy Lạp cổ đại chiến thắng không phải nhờ liên minh đoàn kết mà nhờ lính đánh thuê, theo các phát hiện mới.

Gần 2.500 năm trước, hai đội quân đụng độ bên ngoài các bức tường của thành Himera, thuộc địa và là thành phố quan trọng của Hy Lạp nằm trên bờ biển phía bắc Sicily. Các lực lượng Hy Lạp từ Himera và các thuộc địa lân cận - gồm Agrigento và Syracuse - đã chiến đấu với người Carthage, đối thủ lớn của Hy Lạp đến từ vùng bờ biển châu Phi thuộc Địa Trung Hải. Đi cùng với giao tranh là các ngôi mộ tập thể chôn các chiến binh tử trận.

Các tác giả cổ đại đã miêu tả trận chiến xảy ra vào năm 480 trước Công nguyên như một minh chứng cho sự vĩ đại của nền văn hóa Hy Lạp. Theo các nhà sử học Hy Lạp như Diodorus Siculus và Herodotus, người Hy Lạp từ khắp các nơi ở Sicily đã đoàn kết để giúp Himera chống lại người Carthage, bằng cách đưa những binh lính tinh nhuệ nhất của họ vào cuộc chiến. Hơn 300 năm sau cuộc chiến, Diodorus đã viết: "Đó là một cuộc tàn sát đối với kẻ thù".

Nhưng vào năm 409 TCN, người Carthage quay trở lại, và lần này không ai đến viện trợ cho Himera. Thành Syracuse láng giềng đã giữ quân gần nhà để ngăn chặn các mối đe dọa trên biển của người Carthage. Lực lượng của Carthage đã giành chiến thắng, để lại thành Himera trong đống đổ nát.

Các học giả cổ đại đã hiểu nhầm một khía cạnh quan trọng của cả hai trận chiến, theo một nghiên cứu mới. Từ các ngôi mộ tập thể ở nghĩa địa Himera, giới khảo cổ đã khai quật được gần 13.000 bộ xương từ năm 1990 đến nay. Nghiên cứu mới phân tích DNA, hóa học và khảo cổ học trên 30 bộ xương cho thấy người Hy Lạp cổ đại chiến thắng nhờ lính đánh thuê bên ngoài, chứ không phải nhờ sức mạnh liên minh.

Ảnh minh họa.

Hầu hết cư dân Himera cổ đại khi chết được chôn trong mộ riêng. Vì vậy một số ít ngôi mộ tập thể, chôn toàn thi thể của những người đàn ông đặc biệt khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 50, rất có thể là sản phẩm từ các trận chiến với người Carthage. Các ngôi mộ tập thể này có vũ khí, kiếm, đầu mũi tên, thậm chí có người được chôn với một mũi giáo găm trong ngực, theo Stefano Vassallo, nhà khảo cổ học làm việc cho cơ quan văn hóa Ý ở Palermo, người chịu trách nhiệm khai quật phần lớn hài cốt ở đây.

Phân tích di truyền xác nhận rằng trong trận chiến thứ nhất, quân Himera đã có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Những người đàn ông được chôn trong các ngôi mộ tập thể từ trận chiến này có nguồn gốc di truyền đa dạng hơn, và thành phần hóa học trong xương cho thấy nhiều người không lớn lên gần Himera, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences.

Nhưng trong trận chiến thứ hai, xảy ra vào 70 năm sau, khi người Carthage quay trở lại, các chiến binh đã ngã xuống đều có các dấu hiệu di truyền và đồng vị hóa học trong xương rất giống nhau. Có nghĩa là quân Himera đã chiến đấu mà không có quân từ nơi khác đến yểm trợ trong trận chiến vào năm 409 TCN, và đây có thể là nguyên nhân góp phần vào thất bại của họ.

"Đây là trường hợp khảo cổ sinh học chứng thực những gì được viết trong hồ sơ lịch sử rõ ràng nhất mà tôi từng thấy”, Britney Kyle, nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Bắc Colorado, cho biết.

Nhưng điều không ai ngờ tới nằm trong những ngôi mộ tập thể từ trận chiến thứ nhất năm 480 TCN. Phân tích DNA từ 9 bộ xương cho thấy những chiến binh này không đến từ các thành phố gần Himera ở Sicily, mà đến từ Trung Á, vùng núi Caucasus, Trung Âu và thậm chí cả phía đông Baltic, gần Lithuania ngày nay. Các đồng vị hóa học trong xương khẳng định họ được sinh ra từ những nơi rất xa Himera, loại trừ khả năng họ là hậu duệ thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của những người nhập cư. Và tình trạng sức khỏe tốt cho thấy họ không phải nô lệ.

Các tác giả nghiên cứu kết luận rằng những người đàn ông này là lính đánh thuê từ các vùng xa xôi, được chôn cất trang trọng nhưng vô danh tại nghĩa trang của Himera sau chiến thắng vào năm 480 TCN; và có thể họ là nhân tố thay đổi cục diện cuộc chiến.

“Người Hy Lạp có lẽ không muốn ghi công một nhóm lính đánh thuê là nguyên nhân thành công quân sự của họ", Gillian Shepherd, nhà khảo cổ học tại Đại học La Trobe, người không tham gia nghiên cứu mới, nói.

Từ lâu các học giả đã biết người Hy Lạp mua bán hàng hóa từ các vùng ở phía đông châu Âu. Nhưng trước đây, việc những người lính đánh thuê vượt hàng nghìn km để đến chiến đấu trên một hòn đảo ở Địa Trung Hải là điều "chỉ có trong tiểu thuyết", Franco De Angelis, nhà sử học tại Đại học British Columbia, Vancouver, nói. "Bởi vậy ý tưởng họ đã đi cả quãng đường xa để chiến đấu sẽ khiến mọi người ngã ngửa."

Đồng tác giả nghiên cứu David Reich, nhà di truyền học tại Đại học Harvard, cho biết chỉ phân tích khảo cổ học sẽ không làm lộ ra sự thật này. Các nghiên cứu về DNA và đồng vị là "một điểm dữ liệu khác ngoài những gì lịch sử và khảo cổ học có thể cho chúng ta thấy".

Nguồn: