Từ thời cổ đại con người đã nhai kẹo cao su, dưới nhiều dạng khác nhau

Theo nhà nhân chủng học Jennifer P. Mathews, ở châu Mỹ, người Maya cổ đã nhai một chất mủ từ cây hồng xiêm mọc ở miền Nam Mexico và Trung Mỹ, để làm dịu cơn khát hay cho đỡ đói lòng. Mathews đã trích dẫn những quan sát của nhà truyền giáo người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 Bernardino de Sahagún: chỉ trẻ em và phụ nữ độc thân mới được phép nhai nó ở nơi công cộng, phụ nữ đã kết hôn và góa phụ nhai ở nơi kín đáo để làm thơm miệng, còn cánh đàn ông bí mật nhai nó để làm sạch răng; phụ nữ trưởng thành dám nhai mủ cây hồng xiêm ở nơi công cộng bị coi là gái điếm, còn đàn ông bị coi là những kẻ nhu nhược.

Người thu hoạch mủ cây hồng xiêm.

Tất nhiên, Maya và Aztec không phải những nền văn hóa sớm nhất trên thế giới biết nhai kẹo cao su. Theo ghi chép của Trưởng lão Pliny, người Hy Lạp cổ cũng nhai một chất có nguồn gốc thực vật có tên là mastic. Ở Bắc Mỹ, người dân nơi đây nhai nhựa cây vân sam, một thói quen mà những người châu Âu sau này tới đây định cư vẫn duy trì. Vào cuối những năm 1840, John Curtis đã phát triển kẹo cao su cây vân sam thương mại đầu tiên bằng cách đun sôi nhựa, sau đó cắt nó thành các dải mỏng và phủ bột ngô để chúng không dính vào nhau. Vào đầu những năm 1850, Curtis đã xây dựng nhà máy sản xuất kẹo cao su đầu tiên trên thế giới, ở Portland, Maine.

Người Aztec nhai mủ cây hồng xiêm.

Hóa ra, nhựa vân sam lại không phải chất liệu lý tưởng để sản xuất kẹo cao su: hương vị của nó không ngon lành gì và trở nên giòn khi nhai. Curtis, cùng những người đã nhảy vào kinh doanh kẹo cao su sau ông ta, đã chuyển sang các nguyên liệu như sáp parafin.

Bước phát triển quan trọng tiếp theo xảy ra khi nhà phát minh ở New York có được mủ cây hồng xiêm mà Tổng thống Mexico lưu vong Antonio Lopez de Santa Anna mang theo. Không rõ chính xác vì sao hai người đàn ông này lại có mối liên hệ với nhau, tuy họ đã từng liên lạc sau khi Santa Anna đến Hoa Kỳ vào khoảng sau những năm 1850. (Trước đó, ông đã lãnh đạo lực lượng Mexico trong trận Alamo năm 1836 và là Tổng thống Mexico nhiều nhiệm kỳ.) Santa Anna muốn tìm sự hỗ trợ để phát triển mủ cây hồng xiêm thành vật thay thế cho chất liệu cao su, và tin rằng sự giàu có mà mình có thể kiếm được sẽ là trợ lực để ông quay lại nắm quyền tại quê hương.

Adams cùng các con trai bắt đầu thử nghiệm với mủ cây hồng xiêm, cố gắng lưu hóa nó thành chất công nghiệp hữu ích, nhưng khi nghiên cứu của ông không mang lại kết quả như mong muốn, Santa Anna liền từ bỏ dự án. Cuối cùng, Adams nhận ra thay vì cố gắng tạo ra một chất thay thế cho cao su, ông có thể sử dụng mủ cây hồng xiêm để sản xuất ra một loại kẹo cao su tốt hơn, loại kẹo này mượt hơn, mềm hơn và giữ được hương vị lâu hơn. Ông thành lập công ty vào cuối những năm 1880, sản xuất kẹo cao su và bán trên khắp đất nước. Mathews viết: “Họ đã bán hết lô kẹo đầu tiên tại hiệu thuốc địa phương trong vài giờ và quyết định bắt đầu kinh doanh sản xuất. Vào cuối những năm 1880, kẹo cao su Adams đã được bán rộng rãi... Họ sản xuất năm tấn kẹo cao su mỗi ngày”.

Vào thế kỷ 20, kẹo cao su đã biến William Wrigley Jr. trở thành một trong những người giàu có nhất ở Mỹ. Wrigley khởi nghiệp là một người bán xà phòng ở quê hương Philadelphia. Sau khi chuyển đến Chicago vào năm 1891, ông bắt đầu đưa ra ưu đãi để các chủ cửa hàng nhập nhiều các sản phẩm của mình, chẳng hạn như mỗi đơn đặt hàng sẽ tặng kèm các lon bột nở miễn phí. Khi bột nở tạo được thành công hơn xà phòng, Wrigley liền bán nó thay xà phòng, và thêm vào các gói kẹo cao su miễn phí để quảng bá.

Năm 1893, ông cho ra đời hai nhãn hiệu kẹo cao su mới là Juicy Fruit và Wrigley’s Spearmint. Do ngành kẹo cao su vốn đã phát triển sôi động với nhiều đối thủ cạnh tranh, Wrigley quyết định khiến sản phẩm của mình trở nên nổi bật bằng cách chi mạnh vào quảng cáo và tiếp thị trực tiếp. Năm 1915, Công ty Wrigley bắt đầu một chiến dịch gửi đi các mẫu kẹo cao su miễn phí cho hàng triệu người Mỹ có tên trong danh bạ điện thoại. Sau đó, ông đã áp dụng một chiến lược tương tự bằng cách gửi hai thanh kẹo cao su cho mỗi đứa trẻ vào sinh nhật lên hai tuổi của chúng.

Sự cạnh tranh cũng thúc đẩy sự phát triển kẹo cao su thổi bong bóng. Frank Fleer, chủ công ty sản xuất kẹo cao su từ khoảng năm 1885, muốn có sản phẩm khác biệt với các đối thủ, ông đã dành nhiều năm tìm tòi nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm có thể thổi thành bong bóng. Năm 1906, ông chế ra một loại kẹo cao su thổi bong bóng mà ông gọi là Blibber-Blubber, nhưng nó lại quá ướt và thường vỡ trước khi một quả bong bóng thành hình. Năm 1928, một nhân viên của Fleer tên Walter Diemer, lúc đó 23 tuổi, cuối cùng đã nghĩ ra một công thức thành công cho loại kẹo cao su bong bóng thương mại đầu tiên, được đặt tên là Dubble Bubble. Một lý do vì sao kẹo cao su thổi bong bóng có màu hồng là vì đây là màu duy nhất có tại công ty kẹo cao su Fleer, và sau này màu hồng trở thành tiêu chuẩn ngành cho kẹo cao su thổi bong bóng.

Vào những năm 1920, trung bình người mỹ nhai 105 thanh kẹo cao su hằng năm, tạo nên nhu cầu lớn về mủ cao su. Khi tài sản của các ông trùm bán kẹo cao su như Adams, Wrigley và những người khác tăng vọt, thì nhiều cộng đồng Mỹ - Latin lại phải gánh chịu hậu quả. Người lao động ở Mexico, Guatemala và Belize trở nên phụ thuộc nhiều vào việc các tập đoàn Bắc Mỹ mua sản phẩm của họ, và những biến động về giá cả và tốc độ mua hàng đã có tác động rất lớn đến nền kinh tế của các nước họ. Chưa hết, lòng tham của con người lại lớn hơn nhiều so với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các phương pháp thu hoạch mủ không bền vững được sử dụng để tăng sản lượng đã giết chết một phần tư số cây hồng xiêm ở Mexico vào giữa những năm 1930, và các nhà khoa học dự đoán tổng diện tích rừng sẽ cạn kiệt trong vòng 4 thập kỷ.
May mắn thay cho thực vật nơi đây (nhưng không may cho các nền kinh tế Mỹ Latin), các nhà sản xuất kẹo cao su nhanh chóng bắt đầu chuyển sang các loại gốc tổng hợp, có giá thành rẻ hơn được làm từ dầu mỏ, sáp và các chất khác. Đến năm 1980, Hoa Kỳ không còn nhập khẩu mủ cây hồng xiêm từ Mexico nữa.

Ngày nay, kẹo cao su được bán với nhiều hình dạng và hương vị khác nhau, chúng ta có rất nhiều lựa chọn cho mình. Ngoài ra, kẹo cao su từ mủ cây hồng xiêm đã quay trở lại với cuộc chơi chứ không hề biến mất hoàn toàn. Tại nước Anh, một công ty Mexico nhỏ có tên Chicza đã tung ra “kẹo cao su có thể phân hủy đầu tiên trên thế giới”.

Nguồn: history.com; smithsonianmag.com